Mua bán nhà lẻ: Hoa mắt với “ma trận” giá của môi giới
Cùng một căn hộ trong hẻm Hoàng Hoa Thám (Phú Nhuận), 6 tháng trước được rao bán giá 1,8 tỷ, tháng sau đã xuống còn 1,5 tỷ và hiện tại lại đang được rao bán với giá gần 2 tỷ. Sự lên xuống thất thường này bên cạnh nguyên nhân tăng giảm cung cầu của phân khúc nhà phố còn có sự tự ý tác động của môi giới tùy vào điều kiện tốt xấu của thị trường. Không giống bán nhà tại các dự án căn hộ với bản kê giá được định sẵn từ chủ đầu tư, giá nhà lẻ thường được niêm yết theo ý muốn của chủ nhà và được môi giới định giá dựa vào các yếu tố phụ kèm theo. Vì vậy, môi giới nhà lẻ có nhiều cơ hội can thiệp vào giá bán thực tế của sản phẩm. Việc giao toàn bộ quyền quyết định giá bán của chủ nhà giúp môi giới dễ bề tự làm giá chênh, ăn lợi, đẩy người mua kẻ bán vào sự đã rồi.
Chị Ngô Thị Hạnh, một người bán nhà chịa sẻ, chị từng rao bán căn hộ 70m2 trên đường Trường Sơn (Tân Bình), với giá rao bán lúc đầu là 2 tỷ. Tuy nhiên, sau 3 tháng không bán được, môi giới thương lượng với gia đình chị hạ giá xuống còn 1,7 tỷ. Do cần bán gấp nên chị Hạnh chấp nhận hạ giá và giao dịch diễn ra thành công. Đến khi thỏa thuận xong, gặp người mua làm giấy tờ chị Hạnh mới té ngửa vị khách nọ đã mua lại căn nhà của chị với giá 1,9 tỷ, cao hơn 200 triệu so với mức chị nhận được từ môi giới. Đến khi hỏi lại thì môi giới này cho hay đã bán đúng giá thỏa thuận mà chị yêu cầu, còn 200 triệu kia coi như phí hoa hồng mà người mua trả cho môi giới. “Khi mình hỏi lại người mua thì họ cũng không hề biết mình rao bán 1,7 tỷ. Người mua cho biết, lúc đầu môi giới rao giá 2 tỷ thương lượng xuống còn 1,9 tỷ cộng thêm hoa hồng là 19 triệu”.
Giao dịch nhà lẻ trên thị trường có sự tham gia rất lớn của lực lượng môi giới. Ảnh: rongbay |
Khi được hỏi vì sao chị không đòi môi giới làm rõ số tiền trên, chị Hạnh cho rằng, dù sao chị cũng đã bán được với đúng số tiền mình mong muốn, còn số dư ra thì người mua là người chịu thiệt. “Đúng là họ 'mượn đầu heo nấu cháo' nhưng mình đòi thêm cũng không có cơ sở”, chị Hạnh phân trần. Không phải riêng chị Hạnh mà khá nhiều người bán khi cậy nhờ môi giới đều có chung tâm lý không muốn gây lớn chuyện. Chủ nhà thường giao nhà cho môi giới với cam kết bán ra đúng mức giá hai bên giao kèo, còn việc môi giới tự nâng giá bán thì đa phần họ đều mắt nhắm mắt mở cho qua.
Câu chuyện môi giới ăn chênh đã không còn là chuyện lạ nhưng trường hợp môi giới qua mặt chủ nhà để ăn chênh thì cũng hiếm gặp. Thực tế tình trạng ăn chênh tiền bán nhà của môi giới đa phần đều có sự chấp thuận ngầm của người bán. Các môi giới bao giờ cũng có thỏa thuận trước là sẽ không đòi hoa hồng của người bán mà chỉ ăn chênh số tiền bán được từ người mua xem như phí môi giới. Còn số tiền chênh được bao nhiêu tùy thuộc vào khả năng của từng môi giới, miễn không ảnh hưởng đến giá và thời gian cam kết thì gia chủ không cần can thiệp. Trong các giao dịch như vậy, người thiệt thường là người mua nên người bán hầu như nhắm mắt cho qua, chấp nhận ký thỏa thuận ngầm với môi giới.
Tuy nhiên, cũng không hiếm chuyện, chủ nhà trở mặt khi thấy số tiền chênh quá cao và đòi hủy bỏ thỏa thuận, yêu cầu môi giới trả cao hơn mức giao kèo ban đầu mới giao nhà. Cũng chính vì vậy mà từng xảy ra chuyện môi giới ngày ngày kéo quân xuống trước cửa nhà, ăn nhậu ca hát, lâu lâu vào “mượn chút đồ” hay tặng cho chủ nhà vài gói “sản phẩm” làm quà để dằn mặt vì không giải quyết việc tự ý hủy cam kết.
Đương nhiên, không phải môi giới nào cũng có kiểu “dằn mặt” khách như vậy. Nhiều công ty môi giới áp dụng cách làm mềm mỏng nhưng rất hiệu quả để khách tự “chui vào rọ” như làm giá thị trường, đóng giả khách hàng hay môi giới khác đến ép giá căn nhà xuống hay nâng giá lên trời để đuổi người mua thực, buộc chủ nhà phải chấp nhận giá ban đầu, thậm chí thấp hơn mức ban đầu.
Đó là chuyện của người bán, còn về phía người mua, người chịu thiệt trực tiếp từ giao dịch thì mỗi người mỗi tâm trạng khác nhau. Anh Nguyễn Văn Thắng (Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh) một khách hàng đã phải chấp nhận giao dịch mua nhà giá chênh chia sẻ, qua môi giới giới thiệu anh mua căn hộ 2,4 tỷ ở quận 6, đến khi hoàn tất giấy tờ, anh vô tình phát hiện mình đã mua hớ hơn 200 triệu. Bực tức vì bị giá khống anh Thắng đòi hủy giao dịch thì môi giới kiên quyết bắt anh phải trả số tiền hơn 20 triệu phí môi giới và hoa hồng mà anh chấp nhận chi khi giao dịch thành công. “Vì 20 triệu mà họ khủng bố điện thoại, đe dọa gia đình nên tôi chấp nhận trả cho yên thân, thiệt tình không đáng nhưng mình vẫn tức. Cứ như bị cướp vậy”, anh Thắng vẫn còn chưa hết tức giận.
Thực tế, trong các giao dịch nhà đất nói chung, chuyện ăn chênh của môi giới diễn ra khá thường tình, đây cũng là một kiểu lấy công làm lãi. Vì để có được một giao dịch thành công, môi giới phải chịu khó đi lùng hàng đáp ứng yêu cầu của khách mua, phải cạnh tranh với đủ chịêu trò của các công ty môi giới khác… Thêm vào đó chủ nhà nếu lựa chọn giữa việc phải trả phí môi giới và để môi giới tự kiếm thêm thì họ vẫn thích chọn cách thứ 2 để đôi bên đều không chịu thiệt. Chỉ có điều, việc một số môi giới tự do cố ý qua mặt chủ nhà hoặc kiếm khoản tiền chênh quá lớn khiến cả chủ nhà và khách mua đều bất bình và gây ảnh hưởng đến hoạt động vốn đã được “gắn mác” thiếu chuyên nghiệp này.
Phương Uyên
(Theo Nhịp sống thời đại)
- 0
- By Admin
- 03/09/2015
- 17