Một nửa đề xuất bị bác bỏ, Bộ xây dựng đang mất điểm?
Này 22/4, Bộ Xây dựng đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số giải pháp về vốn tín dụng và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Trong phiên họp thường kỳ tháng 4 diễn ra vào ngày 29/4, Chính phủ đã có ý kiến về những đề xuất này.
Theo đó, trong ba đề xuất liên quan đến gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã bác đề xuất mở rộng đối tượng vay vốn cho các hộ gia đình, cá nhân tại đô thị mua nhà ở thương mại riêng lẻ có tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,05 tỉ đồng. Ông Hải cho rằng, nếu mở đối tượng như trên sẽ khó kiểm soát được đồng vốn của gói tín dụng và dễ nảy sinh tiêu cực.
Còn nhớ, khi Bộ Xây dựng nêu đề xuất nới điều kiện cho vay gói 30.000 tỉ đồng với những hợp đồng cả nhà và đất trị giá không quá 1,05 tỉ đồng, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã hồ hởi. Họ cho rằng, đây là cơ hội để bán được nhiều sản phẩm tồn kho từ lâu vì người dân không đủ tiền mua mà vay vốn ngân hàng thì lãi quá cao, đây sẽ là động lực để phát triển căn hộ diện tích nhỏ, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp.
Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay đã có những dấu hiệu tích cực. Ảnh: Mạnh Tùng |
Nhưng nhiều người lại lo ngại, đồng tiền với lãi suất ưu đãi sẽ không đến được tay của người thực sự cần vay, là những người có thu nhập thấp, vốn là đối tượng được Chính phủ xác định là chủ yếu của gói tín dụng này. Mở rộng điều kiện như vậy, có khi người giàu cũng vay vốn ưu đãi để mua biệt thự.
Trong khi đó, có chủ đầu tư nghi vấn, phải chăng Bộ Xây dựng đang muốn “cứu” những chủ đầu tư “lỡ” xây dự án nhà ở lớn mà bán không được, vì một điều kiện tiên quyết để được vay gói 30.000 tỉ phải là diện tích nhà không quá 70 m² và đơn giá dưới 15 triệu đồng/m².
Với cách tính là diện tích nhân với đơn giá, nếu chỉ để ra một điều kiện chung là nhà dưới 1,05 tỉ, nhiều chủ đầu tư có thể thoải mái “điều chỉnh” nếu đã lỡ xây nhà lớn.
Quay lại tờ trình của Bộ Xây dựng, đề xuất không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới trong năm 2014, cũng bị bác bỏ.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, nếu không cấp phép dự án nhà ở thương mại, thì các địa phương có dự án mới đã chuẩn bị xong các khâu, có đủ điều kiện khởi công thì họ cũng sẽ trình lên Chính phủ xin duyệt, do đó, chỉ nên kiểm soát chứ không cấm.
Trước đó, vào đầu tháng 4, trao đổi với phóng viên TBKTSG Online bên lề một hội thảo tại TPHCM, ông Trịnh Đình Dũng cho rằng việc ngưng cấp phép dự án mới là cần thiết.
Ông Dũng lập luận rằng, thị trường bất động sản tại Việt Nam trong những năm qua phát triển tự phát theo phong trào, dẫn đến lệch pha cung cầu, dẫn đến thực trạng thừa sản phẩm cao cấp và thiếu những sản phẩm bình dân.
Sau đó, ông bộ trưởng lại một lần nhắc lại những lập luận trên trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời", phát trên đài truyền hình quốc gia.
Khi đó, nhiều chuyên gia lên tiếng lập luận của ông Dũng là chưa thuyết phục, thậm chí là sai sót xét về khía cạnh kinh tế lẫn pháp lý.
Một chủ đầu tư thì cho rằng, Bộ Xây dựng đang muốn bảo vệ những doanh nghiệp không biết tính toán, đầu tư sai và đang có một lượng lớn hàng tồn kho. Không cấp phép cho dự án mới phải chăng chỉ để nhằm giúp các dự án hiện hữu bán được hàng tồn kho mà thôi.
Trong hầu hết các lý do đưa ra cho những đề xuất của mình, Bộ Xây dựng đều nói mục tiêu là tháo gỡ thị trường bất động sản. Nhưng hai đề xuất bị bác bỏ đã nêu trên đều bị doanh nghiệp nghi ngờ bộ đang giúp một “ai” đó. “Ai” đó, theo ý của các doanh nghiệp này, chính là những doanh nghiệp bất động sản đang gặp bế tắc.
Vậy là, giới chủ đầu tư bất động sản có dịp nghị kị lẫn nhau, xem ai được Bộ Xây dựng “cưng chiều” hơn.
Thêm một điểm đáng chú ý, liên quan đến gói 30.000 tỉ đồng, cũng trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ cuối tháng 4, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phải nhắc lại với Bộ Xây dựng rằng, mục đích gói 30.000 tỉ là giải quyết được đối tượng nhà ở xã hội, không phải là tiêu thật nhanh những đồng tiền này.
Tại cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, mục tiêu được xác định rõ ngay từ đầu của gói tín dụng này không phải để cứu thị trường bất động sản.
Lẽ nào Bộ Xây dựng vì muốn nhanh chóng tháo gỡ thị trường bất động sản, vốn ách tắc cũng vì một phần lỗi của mình mà lại quên đi điều này?
Nóng vội, không căn cứ vào thực tế thị trường, những đề xuất của Bộ Xây dựng chỉ làm cho doanh nghiệp bất động sản thêm nghi ngại với những chính sách mới mà bộ này đưa ra.
- 0
- By Admin
- 12/05/2014
- 17