Một mảnh đất có nhiều mục đích sử dụng
Tôi đang có mảnh đất 42m2 đất thổ cư đã có sổ đỏ, ông A. cũng có 250m2 đất vườn đã có sổ đỏ nằm kế mảnh đất của tôi. Hiện tôi muốn mua thêm 3m2 đất của ông A. thì có được không? Thủ tục như thế nào? Sau khi mua thêm 3m2 tôi có thể hợp thửa thành 45m2 được không? Thủ tục ra sao? (Nguyển Minh Sáng)Trả lời:
1. Về việc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi nhận nhiều mục đích sử dụng của thửa đất:
Do thư ông/bà không nói rõ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp vào ngày, tháng, năm nào, do đó luật sư không thể trình bày chính xác văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề trên tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Vì vậy, luật sư sẽ trình bày văn bản pháp luật tại thời điểm hiện nay để ông/bà tham khảo.
Theo hướng dẫn tại điểm đ, khoản 1, Điều 5 Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT ngày 21-10-2009 của Bộ Tài nguyên - môi trường, trong trường hợp thửa đất có nhiều mục đích sử dụng đất, cụ thể trong đó có một phần là đất ở và một phần đất là đất nông nghiệp thì lần lượt thể hiện “đất ở” và diện tích đất ở kèm theo, tiếp theo thể hiện “đất vườn” và diện tích đất kèm theo .
Như vậy, theo hướng dẫn nêu trên, thì trên một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được thể hiện nhiều mục đích sử dụng đất như trường hợp ông/bà đã trình bày.
2. Về việc tách thửa và nhập thửa
Căn cứ khoản 1, Điều 17 Nghị định 84/2007/ NĐ-CP ngày 25-5-2007 của Chính phủ quy định, UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Diện tích tối thiểu được phép tách thửa có thể hiểu là diện tích tối thiểu còn lại của thửa đất sau khi đã chuyển nhượng một phần diện tích đất cho người khác.
Do thư ông/bà không cho biết thửa đất đang tọa lạc tại địa phương nào, nên luật sư không thể trả lời một cách chính xác trường hợp nêu trên có thể tiến hành chuyển nhượng một phần đất vườn để nhập thửa với thửa đất của ông/bà hay không. Vì vậy, trước khi tiến hành việc sang nhượng, ông/bà phải tìm hiểu xem tại địa phương nơi thửa đất đang tọa lạc cụ thể UBND cấp tỉnh đã quy định về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất vườn là bao nhiêu.
Nếu không đủ diện tích tách thửa thì ông/bà không nên tiến hành việc sang nhượng một phần đất nêu trên. Nếu thửa đất nêu trên đủ điều kiện, thì ông bà có thể tiến hành một số bước sau:
- Đo đạc bản đồ thể hiện phần đất được sang nhượng và phần diện tích đất còn lại, ông/bà có thể nhờ đơn vị có chức năng đo đạc tại địa phương nơi có đất để tiến hành đo đạc.
- Ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với phần diện tích 2 bên chuyển nhượng tại phòng công chứng có thẩm quyền hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.
- Tiến hành đo đạc nhập thửa giữa thửa đất hiện hữu với thửa đất vừa mới nhận nhuyển nhượng.
- Lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất cho phần diện tích vừa chuyển nhượng và thủ tục nhập thửa với thửa đất ở hiện hữu.
Hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất tách thửa, hợp thửa được nộp tại Phòng Tài nguyên -môi trường cấp huyện.
(Căn cứ điều 19, Nghị Định 84/2007/NĐ- CP ngày 25-5-2007 của Chính phủ )
Trên đây là những bước thủ tục cơ bản, tùy theo từng địa phương sẽ qui định cụ thể về các bước và cơ quan thực hiện, ông/bà có thể liên hệ với Phòng Tài nguyên - môi trường cấp huyện để tìm hiểu cụ thể về thủ tục và điều kiện tách thửa, hợp thửa và chuyển mục đích sử dụng đất nêu trên.
Trân trọng,
Luật sư PHẠM ĐÌNH SƠN
Công ty Luật TNHH Quốc An
(Theo TTO)
- 247
- By Admin
- 04/11/2010
- 17