Một mảnh của Thiên đàng nơi trần thế
Từ cổ xưa, một "khu vườn yên tĩnh" đã luôn là một mẫu gốc của văn chương nhân loại. Hơn cả một nơi thư giãn, nghỉ ngơi và chiêm nghiệm trong không gian cư trú, đó là hình ảnh của Thiên đàng đã mất: vườn Địa Đàng của Adam và Eva ở phương Tây, vườn đào của Ngọc Hoàng Thượng Đế ở phương Đông... Hay như Đại Quan Viên, khu vườn nổi tiếng trong siêu phẩm Hồng Lâu Mộng, một ảo cảnh thần tiên, là vườn địa đàng của tuổi thơ, nơi chúng ta còn ngây ngô, chưa biết đớn đau và chưa nguôi mơ ước.
Như một tấm danh thiếp cho những gì ở phía sau nó...
Trong những căn nhà phố chật hẹp hay nhà vườn rộng rãi, giữa bê tông kính thép, chỉ cần một bờ giậu xanh nghiêng mình bên bức tường hiện đại với chi chít những thanh sắt tua tủa lạnh lùng cũng đủ làm không gian trở nên mềm mại và lòng người bỗng trở nên nhẹ nhõm, thơ thới hơn.
Một khu vườn đẹp trước hết phải nói đến cổng. Như một tấm danh thiếp cho những gì ở phía sau nó, một chiếc cổng stylish hiện nay thường được làm bằng vật liệu thô sơ, với chiếc mái vòm hờ hững, quấn quýt những chùm tường vi, trường xuân hay bông giấy. Tiếp theo, con đường dẫn từ cổng đến bậc thềm cũng góp phần không nhỏ tạo nên tiếng thầm thì riêng khiến cho khu vườn khắc sâu trong tâm trí. Không nhất thiết phải ngay hàng thẳng lối, những đường cong mềm mại cùng với những chùm lá rũ làm cho đường và vườn nên thơ hơn dưới bước chân người.
Những con đường trong khu vườn có thể lát đá, đất nung, rải sỏi… Một điều rất quan trọng khi bố trí đường đi trong khu vườn là làm cho không gian cảnh trí dưới mắt người quan sát liên tục biến đổi theo từng bước chân. Chỗ thắt lại, chỗ mở ra, chỗ êm đềm uyển chuyển, chỗ đột ngột thay đổi mở ra một trường nhìn mới, gây nên một tâm trạng mới, một nỗi bồi hồi mới…
Khi đi lại loanh quanh đã mỏi, cần một chỗ nghỉ chân để tiếp tục ngắm lộc xuân đang nõn. Có thể đó là chòi nghỉ, lầu hóng mát, chiếc xích đu xinh, bộ bàn ghế sơn trắng hay xanh lơ rất Châu Âu hay chỉ đơn giản là một phiến đá xanh bên gốc liễu rũ…
Không gian cảnh trí dưới mắt người quan sát liên tục biến đổi theo từng bước chân
Trong một khu vườn, điểm dừng chân được bố trí dựa trên sự kết hợp giữa giao thông và cảnh quan, cũng chính là điểm kết nối hoặc chuyển tiếp các đường dạo chính, phụ trong vườn. Nếu đường dạo trong vườn là những câu trong một áng văn đẹp thì điểm dừng chân được ví như những dấu chấm ấn tượng, luôn kết nối, chuyển tiếp và không nên biến nó thành điểm tận cùng của vườn một cách nhàm chán.
Dù là vườn Á hay vườn Âu, “điểm nhấn” dừng chân đó đều được thiết kế dựa trên nguyên tắc phong thủy: phía lưng là một điểm tựa vững chắc, có thể là một dáng cây xanh vươn cao xòa bóng mát, có thể là tường rào điểm những nụ tầm xuân leo… Phía trước là không gian thoáng rộng: một chiếc ao xinh với long lanh sắc hồng của dăm bông sen, bông súng, một vòi phun nước, tượng đài nhỏ, một vườn hoa hay bồn hoa be bé đầy ắp những bông hoa rực rỡ, ngon lành như mâm xôi lúa mới...
Những vị trí nghỉ chân này sẽ là nơi hình thành những góc nhìn lý tưởng, là nơi bạn bè, người thân ngồi tán chuyện bên ấm trà, là nơi con trẻ chơi đùa với hoa lá và gió nắng mùa xuân. Với khu vườn rộng, chủ nhân có thể tạo ra không gian để tắm nắng, ngắm cảnh trong một không gian cây cối và trời mây đan xen thoả tầm mắt.
Một góc của khu vườn nhà hoạ sĩ Claude Monet ở Giverny (Pháp), công trình được nhiều kiến trúc sư cảnh quan coi là nguồn cảm hứng sáng tạo.
Chỗ nghỉ chân này cũng có thể là nơi kéo dài của không gian hàng hiên, nơi nội và ngoại thất hòa trộn và xóa nhòa. Kê thêm một bộ bàn ăn sắt uốn hay gỗ mộc giản dị, ban đêm trăng lên hay buổi chiều tà tắt nắng, ngồi dưới hàng hiên, trên bãi cỏ uống trà hay ăn bữa tối trong tiếng dế kêu thật là ấm êm và lười nhác. Và đôi khi chỉ có một mình, ngồi nơi đây chợt thấy bâng khuâng, mang mang như người nhạc sĩ nọ “Tôi như trẻ nhỏ ngồi bên hiên nhà chờ xem thế kỷ tàn phai…”
Theo Afamily
- 270
- By Admin
- 08/05/2009
- 17