Mỗi thành phố lớn nên có 1 trung tâm giao dịch bất động sản do Nhà nước lập ra
Giải thích về sự trầm lắng của thị trường bất động sản trong thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh nguyên nhân chịu tác động từ các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế còn có nguyên nhân khác, đó là giá nhà đất đã bị đẩy lên cao. Để phát triển thị trường bền vững, cần một yếu tố quan trọng là thông tin về thị trường phải minh bạch và kịp thời.Phóng viên đã phỏng vấn ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam về vấn đề này.
* Thưa ông, một số chuyên gia lo ngại thị trường bất động sản Việt Nam đang rơi vào thời kỳ suy thoái, xin ông cho biết quan điểm của mình và dự báo bao giờ thị trường hồi phục?
Ông Phạm Sỹ Liêm: Sự sút kém của thị trường bất động sản Việt Nam chỉ là sự dao động chu kỳ của thị trường, chưa thể kết luận là rơi vào thời kỳ suy thoái. Mặc dù sự sụt giảm lần này có nặng hơn do ảnh hưởng của nền kinh tế, nhưng chúng tôi dự đoán, cuối năm nay tình hình sẽ khá hơn và hoàn toàn hồi phục vào khoảng giữa năm 2009.
Dự báo trên căn cứ vào khả năng hồi phục của nền kinh tế đất nước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng mạnh như những tháng vừa qua sẽ kích thích sự phát triển của thị trường căn hộ cao cấp, khách sạn, văn phòng, còn thị trường căn hộ giá rẻ phụ thuộc phần lớn vào chính sách của Chính phủ và khả năng thực hiện của chính quyền các địa phương. Hiện nay Hà Nội, TP HCM đã bắt đầu khởi động nhiều dự án căn hộ giá rẻ. Tuy nhiên cũng cần có thời gian mới thấy được kết quả.
Thị trường bất động sản hồi phục nhưng vẫn còn phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế cho nó. Tuy nhiên, trong lúc thị trường đang đi xuống, đối với nhiều người là cơ hội và trên thực tế nhiều chuyên gia đã viết những cuốn sách hướng dẫn kinh doanh trong thời kỳ này.
* Hiện có nhiều công ty thành lập sàn bất động sản, nhưng người dân vẫn hoài nghi tính minh bạch của các sàn giao dịch này, theo ông nguyên nhân là do đâu?
Ông Phạm Sỹ Liêm: Cần phải xem lại quan niệm thế nào là sàn bất động sản. Đối với một số nước, như Trung Quốc chẳng hạn, họ quan niệm sàn giao dịch bất động sản không chỉ để phục vụ người mua, người bán mà còn phục vụ cả cơ quan quản lý nhằm giám sát hoạt động trong thị trường bất động sản. Nguyên nhân là do thị trường này vốn lớn, có nhiều cơ hội cho những hoạt động đầu cơ lớn.
Trong khi đó, những sàn bất động sản hiện nay của chúng ta theo tôi đang được quan niệm như một cửa hàng bán bất động sản. Đã là một cửa hàng thì vận hành như một cơ sở kinh doanh đơn thuần thôi: có ông chủ và những người đến để giao dịch, trao đổi. Như vậy cửa hàng này có phục vụ lợi ích của người mua không thì chưa rõ nhưng lại khá rõ đối với người bán. Vai trò của cơ quan chức năng trong thị trường cũng chưa được rõ nét.
Theo tôi nghĩ, mỗi thành phố lớn chỉ nên có 1 trung tâm giao dịch bất động sản do Nhà nước lập ra, tại đó có đủ chỗ văn phòng giao dịch môi giới, pháp luật, công chứng. Như vậy Nhà nước sẽ giám sát được tư cách của nhà môi giới.
* Như vậy theo ông thì vai trò của cơ quan chức năng ở đây chưa được thể hiện rõ?
Ông Phạm Sỹ Liêm: Đúng vậy. Vai trò của cơ quan chức năng vẫn còn lu mờ, không nắm được thông tin. Đơn giản nhất như loại bất động sản nào bán chạy và không chạy, tại sao; giá bất động sản lên vì sao, đầu cơ như thế nào thì vẫn chưa biết. Rồi thậm chí cả chuyện lừa đảo, bán khống...
Hiện đã có quy định xây nền xong mới bán nhưng trên thực tế chưa xây nền các nhà đầu tư đã bán hết rồi và bỏ túi một món tiền chênh lệch lớn. Do đó chúng tôi thấy ít nhất thì ở TPHCM và Hà Nội mỗi nơi phải có một trung tâm giao dịch bất động sản được quản lý tốt như Trung tâm giao dịch chứng khoán.
* Thưa ông, hiện Bộ Xây dựng đang xây dựng chỉ số bất động sản. Theo ông, chỉ số này ra đời sẽ tác động như thế nào tới thị trường?.
Ông Phạm Sỹ Liêm: Xây dựng chỉ số bất động sản là việc làm rất cần thiết. Chỉ số này cũng giống như chỉ số của thị trường chứng khoán. Trong khi thị trường chứng khoán có đủ các thành phần doanh nghiệp, ngành hàng nhưng vẫn tập hợp được thành một chỉ số để đánh giá thị trường lên hay xuống. Vậy tại sao thị trường bất động sản không làm được điều đó?.
Thị trường bất động sản có nhiều phân khúc: khách sạn, văn phòng, nhà ở... làm sao để đánh giá thị trường bất động sản này đang giảm? Có khi chỉ một lĩnh vực sụt giảm đã vội vã đánh giá thị trường bất động sản giảm là thiếu căn cứ, thiếu thuyết phục. Báo động giả như vậy sẽ khiến các lĩnh vực, phân khúc khác cũng bị thiệt hại theo. Việc nghiên cứu này cần tiến hành cẩn thận, có lý luận.
Thị trường bất động sản là thị trường địa phương, không phải thị trường toàn quốc. Trên thực tế không ai thiếu nhà ở TPHCM lại ra Hà Nội mua nhà vì thấy rẻ hơn. Do đó từng địa phương phải có chỉ số để thể hiện sự lên xuống của thị trường bất động sản trên địa bàn, sau đó tổng hợp thành chỉ số của cả nước.
* Xin cảm ơn ông!
Theo VOV
- 0
- By Admin
- 26/08/2008
- 17