• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Mỗi tháng mọc lên một đô thị

Hội thảo diễn ra nhân kỷ niệm 50 năm ngày kết nghĩa giữa Hà Nội - Huế - Sài Gòn TP.HCM (1960-2010).

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, ba địa phương đều có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng: Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, là trung tâm chính trị - kinh tế của đất nước; Huế là TP có nền văn hóa - du lịch đặc sắc, TP di sản của nhân loại; TP.HCM là trung tâm kinh tế mạnh và năng động nhất của cả nước.

Ba nguy cơ lớn vẫn còn

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, cho biết theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, dự báo đến năm 2015 dân số đô thị cả nước khoảng 35 triệu người, năm 2020 tăng lên khoảng 44 triệu người và năm năm sau đó khoảng 52 triệu người, chiếm 50% dân số cả nước. Hiện cả nước có khoảng 754 đô thị.

"Việc tìm cơ chế để chuyển vốn tĩnh từ đất đai và bất động sản sang vốn động để đầu tư phát triển hạ tầng là con đường tạo vốn đúng đắn nhất"

Ông Đặng Hùng Võ (nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường)

Trong bài tham luận gửi hội thảo, ông Võ Kim Cương, nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng: “Năm 2010 có lẽ là năm được mùa của hạ tầng TP.HCM với nhiều dự án lớn hoàn thành như đại lộ Đông - Tây, dự án cải thiện môi trường nước... có kinh phí lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng.

Tuy nhiên, ba nguy cơ lớn của đô thị TP.HCM là tắc nghẽn giao thông, ngập nước và ô nhiễm môi trường vẫn còn đó”. Theo ông Cương, nan giải nhất là về giao thông, tỉ lệ dành đất cho lĩnh vực này mới chỉ đạt khoảng 25% so với tiêu chuẩn của một đô thị hiện đại. Chiều dài đường và hẻm thì nhiều (gần 3.770km) nhưng 70% là đường có lộ giới nhỏ hơn 7m. Nhờ người dân chủ yếu đi lại bằng xe máy (90%) nên mới tránh được phần nào nạn ùn tắc.

Dựa vào tốc độ đi lại trung bình hiện nay, ông Cương cho rằng trạng thái giao thông đang ngấp nghé điểm bão hòa. Nghĩa là nếu tăng thêm phương tiện giao thông thì nạn ùn tắc triền miên khó tránh khỏi. Trong khi theo số liệu từ cơ quan chức năng, mỗi ngày TP có thêm hàng trăm ôtô và hàng ngàn xe máy đăng ký mới. Ô nhiễm không khí cũng đang ngày một trầm trọng do khí thải giao thông, do có nhiều công trường xây dựng, nhiều con đường chưa tráng nhựa...

Các vùng ven tự phát của Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1975 (phần lớn thuộc quận 4, 6, 8, 11...) mật độ xây dựng rất cao, thường từ 80-90%, trong khi hệ số sử dụng đất thấp, tiện ích đô thị thiếu nhưng mật độ dân cư rất cao. Những khu vực này đã tạo thành vành đai ngày một cứng (xây dựng nhà kiên cố ngày càng nhiều) bao vây TP. Do mật độ đường thấp, chỉ có số ít “cửa ra” đổ vào một số tuyến phố chính nên thường gây tắc nghẽn giao thông ngay khu vực trung tâm TP.

Đại biểu xem các loại bản đồ quy hoạch TP.HCM tại hội thảo khoa học “Phát triển đô thị bền vững”sáng 17-5 - Ảnh: MINH ĐỨC

Đề xuất thu phí xây dựng

Ông Đoàn Kim Thành, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng nhiều năm qua TP.HCM đã tập trung các nguồn lực, nguồn tài trợ nước ngoài và nhiều hình thức huy động vốn trong xã hội để đầu tư, nâng cấp xây dựng cơ sở hạ tầng của TP. Tuy nhiên nhu cầu đầu tư cho mạng lưới giao thông TP theo quy hoạch cần nguồn vốn rất lớn, vượt xa nguồn vốn cân đối từ ngân sách hằng năm của TP. Theo ước tính của Sở Giao thông vận tải TP, để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông đô thị của TP mỗi năm cần đầu tư khoảng 1 tỉ USD, nguồn kinh phí này quá lớn.

620.000

Đó là số căn nhà thiếu kiên cố, nhà đơn sơ ở các đô thị trên cả nước. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, đây là kết quả điều tra trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, chất lượng nhà tái định cư, nhà ở tại các khu nghèo của đô thị, tại các chung cư cũ đang xuống cấp nhanh chóng. Tỉ lệ thất thoát nước sạch vẫn ở mức báo động: trên 30%.

Ngoài các hình thức huy động nguồn vốn từ ngân sách, vốn ODA (hỗ trợ phát triển chính thức), huy động vốn bằng các hình thức đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao), phát hành trái phiếu, đấu thầu chọn nhà đầu tư, thu phí phương tiện cá nhân vào khu trung tâm TP..., theo ông Thành, có thể tạo vốn bằng cách tăng khung giá đất quy định sau khi cải tạo, nâng cấp các tuyến đường để tăng nguồn thu cho Nhà nước thông qua thu tiền sử dụng đất, thuế trước bạ...

Một hình thức thu phí khác cũng được đề xuất là thu phí xây dựng đối với các chủ đầu tư xây dựng công trình. Cụ thể nếu chủ công trình có diện tích sàn xây dựng càng lớn thì mức đóng góp phí cho Nhà nước càng nhiều.

Ông Thành cho biết theo đề án nghiên cứu về vấn đề này, với mức phí bình quân bằng 1% giá trị xây lắp công trình của khối kinh tế tư nhân và khối kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sẽ mang lại nguồn thu khoảng 500 tỉ đồng mỗi năm. Ông Thành đề nghị UBND TP sớm xem xét việc thực hiện phương án này, trình HĐND lấy ý kiến.

Với trung ương, ông Thành đề xuất tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách giữ lại cho TP từ 26-31% để có thêm nguồn vốn đầu tư các dự án hạ tầng. Vì theo đánh giá của Sở Tài chính, nếu được áp dụng tỉ lệ điều tiết trên kể từ năm 2011 dự kiến hằng năm TP sẽ có thêm nguồn vốn khoảng 3.800-6.200 tỉ đồng.

Trong khi đó ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường, cho rằng việc tìm cơ chế để chuyển vốn tĩnh từ đất đai và bất động sản sang vốn động để đầu tư phát triển hạ tầng là con đường tạo vốn đúng đắn nhất.

Để giải quyết bài toán này cần tập trung hoàn chỉnh cơ chế định giá đất, tạo khung pháp lý để xây dựng và phát triển phân khúc thị trường bất động sản cơ sở hạ tầng, xây dựng khung pháp lý chung cho cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” với các dạng khác nhau: nhà đầu tư bỏ tiền để làm hạ tầng và Nhà nước trả lại bằng các khu đất có giá trị tương ứng...

Ông Võ Kim Cương kiến nghị do nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng có hạn trong khi nhu cầu rất lớn nên cần phải cân đối vốn, cái nào làm trước cái nào làm sau. Nếu không sẽ dẫn đến không đồng bộ, gây lãng phí lớn (ví dụ như làm xong nhà nhưng không có điện dẫn tới, làm xong cầu nhưng không có đường lên cầu...). Ông cho rằng trước mắt TP nên tập trung cải tạo các nút thắt trên các trục đường chính như nút giao Lăng Cha Cả, Hàng Xanh, Nguyễn Tri Phương - Ba Tháng Hai... và mở rộng một số trục đường đã có để cải thiện năng lực hệ thống đường vành đai nội thành.

Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài cho biết sau hội thảo lãnh đạo ba tỉnh, TP sẽ giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng thu thập và xử lý tất cả ý kiến của các đại biểu. Trên cơ sở đó cần đề xuất một chương trình nghiên cứu dài hạn, gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược phát triển đô thị của cả nước.

Cần 160 tỉ USD trong 20 năm

Trong bài tham luận của mình, kiến trúc sư Trần Trọng Hanh cho biết sự bùng nổ dân số và gia tăng nhanh chóng dân số đô thị cũng như quá trình đô thị hóa nóng đang mang lại nhiều “căn bệnh đô thị”: khoảng 1/4 dân số đô thị sống trong điều kiện nhà ở không đạt tiêu chuẩn; thiếu các cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, cấp nước, xử lý chất thải; môi trường bị xuống cấp nghiêm trọng, vệ sinh an toàn dân cư không đảm bảo; tắc nghẽn giao thông... Để tạo ra một “siêu TP”, Hà Nội và TP.HCM mỗi TP cần đến 160 tỉ USD trong vòng 20 năm.


Theo Tuổi Trẻ

  • 0
  • By Admin
  • 18/05/2010
  • 17