• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Mối lo ngại khi ngân hàng giải chấp bất động sản

Mối lo ngại khi ngân hàng giải chấp bất động sản | ảnh 1

Nợ xấu tăng nhanh

Trước hết là việc công bố tỷ lệ nợ xấu 4,47% tại thời điểm 31/05/2012 do các tổ chức tín dụng (TCTD) báo cáo và sau đó là 8,6% tại thời điểm 31/03/2012 do Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông tin. Tỷ lệ nợ xấu 8,6% này cũng khá gần con số 10% mà Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đưa ra hồi đầu tháng 6 tại diễn đàn Quốc hội kỳ họp thứ III vừa qua, tuy vẫn còn khá thấp so với tỷ lệ 13% mà một số tổ chức quốc tế đánh giá.

Theo đó, nợ xấu tăng nhanh nhưng giải pháp nhằm giải quyết vấn đề này vẫn chưa có tiến triển mới trong quý II. Và cũng có không ít ý kiến lo ngại và cho rằng nợ xấu của hệ thống ngân hàng liên quan trực tiếp với thị trường BĐS.

Theo số liệu của NHNN, đến 31/3/2012, tài sản gán, siết nợ chờ xử lý trên bảng cân đối tài khoản kế toán của hệ thống các TCTD Việt Nam chỉ là 1.787,9 tỷ đồng. Như vậy, so với tổng giá trị tuyệt đối khoảng 202.000 tỷ đồng nợ xấu, tương đương với với tỷ lệ nợ xấu 8,6% mà Cơ quan  thanh tra giám sát NHNN công bố thì con số 1.787,9 tỷ đồng là rất nhỏ.

Giải chấp BĐS để giảm nợ xấu?

Dự nợ tín dụng 6 tháng đầu năm chỉ là 1%. Điều này trái ngược hẳn thời điểm đầu năm 2012 khi nhiều ngân hàng thương mại chạy đua và nhanh nhảu báo tin được cấp phép tăng hạn mức tín dụng 15% hay 17%. Với mục tiêu để đạt chỉ tiêu GDP trong năm 2012, NHNN mới đây đã cho phép các ngân hàng thương mại vượt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã cấp. Nhưng các ngân hàng dường như chẳng quan tâm tới điều này trong bối cảnh cho vay khó khăn hiện nay.

Tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý kinh tế vĩ mô” do Bộ Tài chính phối hợp với JICA tổ chức mới đây, theo ý kiến GS Taisei Kaizoji, Đại học Cơ đốc Quốc tế (ICU), đã có tới 71 cuộc đổ vỡ bong bóng tài sản diễn ra tại 21 quốc gia phát triển trong 3 thập kỷ qua. Ông Taisei Kaizoji cho rằng đổ vỡ bong bóng tài sản thường diễn ra sau đầu tư tăng lên; tín dụng mở rộng và cân đối tài khoản vãng lai suy giảm. Theo ông, tại Việt Nam, một tỷ trọng vốn lớn đã được đổ vào BĐS.

Thực tế hiện nay cho thấy, không chỉ thị trường BĐS đóng băng mà giá trị BĐS đã không còn giá trị ban đầu như khi trình dự án đầu tư, để vay vốn ngân hàng. Theo các chuyên gia ngân hàng, đa phần tài sản đảm bảo là BĐS, trong khi chỉ tính từ đầu năm đến nay, giá nhiều loại bất động sản đã giảm tới 30 – 40%. Ngoài ra, việc xử lý tài sản đảm bảo đối với nợ xấu của các ngân hàng thương mại là cả một quá trình kéo dài và phức tạp...

Theo Giám đốc Công ty Luật BASICO Trần Minh Hải, việc xử lí nợ xấu  còn vướng mắc từ các qui định hiện hành. Theo đó, dù pháp luật cho phép ngân hàng được quyền trực tiếp nhận tài sản về hoặc bán tài sản cho bên thứ ba hoặc nhận trực tiếp tài sản khấu trừ nợ, nhưng trên thực tế, ngân hàng không thể trực tiếp làm được điều đó, bởi pháp luật quy định là phải sang tên qua thủ tục công chứng...

(Theo PLVN)

  • 0
  • By Admin
  • 01/08/2012
  • 17