• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Mối lo cũ từ sự xuất hiện của một dự án mới

Đây sẽ là niềm vui lớn của giới đầu tư bởi mảnh đất vàng này là mơ ước của bất kỳ nhà đầu tư BĐS nào nhưng đồng thời cũng là mối lo ngại của chính quyền địa phương trong lĩnh vực quản lý hành chính khi mà nơi đây đã quá “bội thực” các dự án BĐS cao cấp.

Mối lo cũ từ sự xuất hiện của một dự án mới | ảnh 1
Các tòa cao ốc “nuốt” hết đất dành cho đầu tư hạ tầng cơ sở. Ảnh: TL

Dự án do liên danh Cty CP đầu tư xây dựng Hải Đăng và Cty CP đầu tư Văn Phú - Invest làm chủ đầu tư, có tổng diện tích đất quy hoạch là 104.235m2 (bao gồm cả diện tích trường quốc tế Nhật Bản), với quy mô dân số vào khoảng 7.732 người. Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch được chia thành 2 tổ hợp công trình cao tầng tại phía tây và phía bắc của khu nhà ở, tạo thành các tổ hợp không gian kiến trúc hiện đại, thẩm mỹ và là điểm nhấn không gian trong khu vực. Công trình cao từ 21- 45 tầng, có phần đế rộng cao 4 tầng nối liền với các khối nhà cao tầng với mục đích sử dụng cho không gian công cộng, nhà trẻ, sân chơi cho trẻ em…

Tại cuộc họp công bố quy hoạch, các đại diện chính quyền phường, xã và H.Từ Liêm đều có những ý kiến băn khoăn đáng lưu ý. Theo tính toán của Chủ tịch UBND xã Mỹ Đình Nguyễn Văn Lâm, sự góp mặt của Dự án Phú Mỹ có khả năng sẽ làm tăng dân số của xã lên tới 20% thường trú và tạm trú, tương đương với việc phát sinh thêm một phường mới thì quy mô và thiết chế quản lý cơ sở không còn là chuyện nhỏ. Hiện tại, dân số xã Mỹ Đình vào khoảng 4,2 vạn người. Trong khi đó, xã Mỹ Đình chỉ có 3 trường quốc lập gồm 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường THCS với quy mô trung bình 800 học sinh/trường.

Khách quan mà nói, KĐT Mỹ Đình là một trong những KĐTM hiếm hoi ở Hà Nội đã dành một diện tích đất để đầu tư trường học với sự hiện diện của những ngôi trường dân lập, quốc tế đã có thương hiệu, thu hút trẻ từ tất cả các địa bàn trong TP như Trường DL Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn, Lô-mô-nô-xốp... Tuy nhiên, đây là những trường đầu tư và thực hiện theo mô hình chất lượng cao nên đa số đều có mức học phí khá cao, chủ yếu là các gia đình có điều kiện kinh tế rất khá giả gửi gắm trong khi phần lớn các gia đình đang sinh sống trên địa bàn lại không đủ sức “đầu tư” cho con cái. Sự phát triển quy mô dân số quá nhanh trong những năm qua đã đẩy các trường học vào tình trạng quá tải trầm trọng. Chị Đỗ Thị Hương - thường trú tại Nhân Mỹ - Mỹ Đình kể: Năm 2008, chị xin cho cháu nhỏ vào lớp mầm non trường Mỹ Đình khá dễ dàng, số lượng học sinh chỉ ở mức 50 cháu/lớp. Năm 2010, sĩ số mỗi lớp đã lên tới 80 cháu trong khi cơ sở vật chất không có gì thay đổi. Nhiều phụ huynh bật mí để xin được vào đây họ phải “chạy” từ 500 - 700 USD, không kém gì các trường danh tiếng trong nội thành. Ông Nguyễn Văn Lâm - Chủ tịch UBND xã Mỹ Đình cho biết: Lần nào tiếp xúc với cử tri bà con cũng kiến nghị cần xây dựng thêm trường công lập. Tình trạng quá tải là thực trạng chung của nhiều xã, phường trong địa bàn huyện nên không thể “chạy quanh” được nữa.

Việc sẽ tiếp tục có thêm một dự án nhà ở với những tòa tháp cao dành cho hàng vạn người kiểu như Phú Mỹ trên khu đất vàng phía Tây Hà Nội ai cũng thấy cái lợi về kinh tế nhưng không phải ai cũng thông cảm và quan tâm đến mối lo ngại của chính quyền và nhân dân nơi đây. Nó không chỉ là mối lo trường học mà còn là những mối lo thiết yếu khác cho bất kỳ cư dân nào: chợ dân sinh, khu vui chơi công cộng, nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng, bãi đỗ xe...

Đa số các cư dân đô thị mới không thể quen với nếp đi siêu thị thay chợ mà đổ dồn về các chợ xanh, chợ tạm trong các ngõ xóm vốn đã quá đông đúc, chật chội và ô nhiễm.

Rút kinh nghiệm về việc tiếp nhận quy hoạch một cách thụ động để quản lý mà không được tham gia góp ý từ đầu, với dự án lần này, một lần nữa, lãnh đạo huyện và xã cùng kiến nghị các bên liên quan cần tính toán tới những cơ sở hạ tầng tối thiểu, đặc biệt là trường học. Chiểu theo quy chuẩn việc Dự án chỉ dành diện tích cho 300 trẻ mẫu giáo là quá nhỏ và việc không tính đến diện tích cho trường học là điều khó chấp nhận. Chiểu theo quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch do Bộ Xây dựng ban hành thì công trình dịch vụ đô thị cơ bản tối thiểu phải có 50 chỗ mẫu giáo/1.000 dân; trường tiểu học phải có 65chỗ/1.000 dân, trường THCS là 55 chỗ/1.000 dân (trung bình 15m2/chỗ). Đã đến lúc các cấp thẩm quyền phải tính đến các yếu tố phát triển bền vững cho từng dự án, từng quyết định bàn giao nhỏ lẻ chứ đừng dồn gánh nặng trách nhiệm lên bộ máy quản lý hành chính cơ sở như hiện nay.

(Theo Baoxaydung)


  • 0
  • By Admin
  • 09/03/2011
  • 17