Môi giới tung chiêu "móc túi" khách mua nhà
Anh Tâm đang sở hữu một căn hộ tại quận 11 (Tp.HCM) nhưng anh muốn mua thêm căn hộ mới. Theo chia sẻ của anh Tâm, căn hộ anh đang ở quá nhỏ, trong khi vợ chồng mới có thêm em bé nên gia đình anh muốn mua một căn hộ mới rộng rãi hơn.
Anh Tâm cho biết, anh đã đi tới 3 sàn giao dịch BĐS. Tuy nhiên, điều lạ lùng là phần lớn những dự án mà các sàn giao dịch này đang bán đều đã được đặt mua, thậm chí có dự án đã bán hết 100%.
Mua được nhà nhưng tốn thêm cả trăm triệu
Trước thực tế đó, anh Tâm bức xúc nói, các nhân viên tư vấn tại các sàn giao dịch BĐS đều dùng một “bài” giống nhau là khách hàng vẫn có thể mua được căn hộ nhưng phải trả thêm tiền, từ vài chục triệu tới cả trăm triệu cho người mua trước đó.
Lo sợ bị làm phiền, anh Tâm không cho nhân viên các sàn giao dịch số điện thoại mà chỉ cho họ địa chỉ email. Điều lạ lùng nhất là dù trước đó họ đã thông báo bán hết hàng nhưng một ngày sau, các nhân viên môi giới vẫn “khủng bố” anh bằng hàng loạt email về các dự án BĐS và những lời rủ rê tới xem căn hộ mẫu.
Theo lời kể của anh Tâm, khi anh trả lời có còn căn hộ nào đâu mà mua thì một nhân viên môi giới khẳng định có khách hàng trước muốn bán lại. Nếu anh muốn mua thì phải trả tiền chênh vài chục triệu nữa mới có thể sở hữu. Vì lo ngại mua phải dự án không đáng tin và quá bức xúc với kiểu bán hàng trên, anh Tâm cho hay, anh đang nhờ một người bạn am hiểu về lĩnh vực BĐS tìm mua giúp.
Không riêng gì anh Tâm mà rất nhiều người muốn mua nhà khác cũng bị rơi vào tình cảnh tương tự.
Hiện nay, một số dự án được bán ra thị trường với tiền chênh. Nguồn: NDH |
Nhằm kiểm chứng thực tế, trong vai trò người mua nhà, phóng viên tìm hiểu một dự án BĐS ở quận 8, Tp.HCM. Sau khi quan sát dự án, phóng viên nhận thấy mới chỉ có 1 block xây dựng được vài tầng, còn những block khác vẫn còn đang xây phần... móng. Tuy nhiên, sau khi dẫn phóng viên xem xong căn hộ mẫu, nhân viên tư vấn của một sàn giao dịch BĐS cho hay, tất cả block của dự án này đều được bán hết, chỉ còn lại một block chưa thực hiện, dự án hiện đã không có giao dịch mua bán nữa.
Phóng viên tỏ vẻ thất vọng, nhân viên môi giới lập tức nháy mắt nói, các anh yên tâm, chúng tôi thầu gần hết các căn hộ tại các dự án mà người mua nhà muốn bán lại. Ngay chính tôi cũng đang “ôm” 2 căn, đã có người hỏi mua, chịu trả chênh lệch thêm từ 50-70 triệu đồng/căn mà tôi chưa bán. Nếu anh muốn mua lại những căn hộ này, tôi sẽ có cách hạ giá bán xuống, anh chỉ cần trả thêm vài chục triệu thôi.
Tạo ra cơn sốt căn hộ ảo chỉ là... cò con?
Thông báo hết hàng chính là một trong nhiều chiêu trò mà một số doanh nghiệp BĐS dùng để bán sản phẩm, tạo nên sốt ảo. Thậm chí, dự án vừa mở bán mới vài ngày, có khi là một ngày đã thấy có thông tin bán hết tất cả các căn hộ mở bán.
Thực tế cho thấy, số lượng căn hộ còn tồn kho vẫn rất dồi dào, khách hàng muốn mua bao nhiêu cũng có. Đơn cử, Bộ Xây dựng cho biết, tính tới ngày 20/5, tồn kho nhà thấp tầng 9.066 căn, tồn kho căn hộ chung cư 12.908 căn... Còn theo kết quả khảo sát của Công ty Tư vấn BĐS Savills, trong quý II/2015, thị trường địa ốc tại Tp.HCM có tất cả hơn 9.700 căn hộ đến từ 11 dự án mới và 8 dự án hiện hữu (tổ chức mở bán giai đoạn mới) tung ra thị trường, đã tăng 47% so với quý I/2015.
Ông Lê Tiến Vũ, Phó Tổng Giám đốc Incomreal đã trao đổi với phóng viên về nguyên nhân tồn kho căn hộ lớn nhưng một số dự án BĐS lại thông báo hết hàng. Ông Vũ cho rằng, các nhà đầu tư thứ cấp (mua để bán lai) với kỹ năng, kinh nghiệm đánh giá về những dự án có tiềm năng, giá bán có thể tăng trong tương lai, có thể kiếm lợi nhuận cao nên họ giữ chỗ, đặt suất và bán lại để ăn tiền chênh lệch. Ông Vũ cho rằng, tình trạng hết hàng ảo này chỉ xuất hiện tại những dự án BĐS “hot” nhờ giá tốt, vị trí đẹp, chủ đầu tư uy tín.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, xuất hiện chiêu hết hàng ảo nhằm nâng giá bán nhà nhưng không nhiều. Thêm nữa, các nhà đầu tư này ở dạng cò con, nhỏ lẻ chưa thể tạo ra một làn sóng đẩy giá BĐS tăng cao. Trên thực tế, khó có chuyện đầu cơ BĐS trong thời điểm này bởi nguồn cung dồi dào, tính cạnh tranh trên thị trường cao, khách hàng có quyền lựa chọn.
Ông Châu cho biết thêm, tình trạng nhân viên môi giới móc nối với nhà đầu tư thứ cấp đặt suất, giữ chỗ để tạo ra hết hàng ảo nhằm ăn tiền chênh lệch. Nhưng phần lớn người mua nhà hiện nay đều vì nhu cầu ở thực nên nhà đầu tư mua đi bán lại kiếm lời chỉ chiếm số lượng rất ít.
Theo ông Châu, với chiêu hết hàng ảo chỉ có thể tạo ra cơn sốt ảo trong một thời gian ngắn và chỉ những người mua nhà để ở lần đầu mới “mắc bẫy”, chịu trả tiền chênh lệch cao để mua được nhà. Do đó, khách hàng cần tỉnh táo trước những chiêu bán hàng của các đơn vị môi giới trước khi lựa chọn, đặc biệt là phải xem xét kỹ hợp đồng giao dịch.
- 0
- By Admin
- 23/07/2015
- 17