• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Môi giới BĐS bỏ tiền túi "ôm" căn hộ để đạt chỉ tiêu

Anh Quân, nhân viên kinh doanh của một sàn BĐS có trụ sở tại Thanh Xuân, Hà Nội kể, 3 tháng cuối năm nhân viên phải chịu áp lực lớn nhất vì bị áp chỉ tiêu kinh doanh cao gấp đôi đầu năm. "Thậm chí, tháng cuối năm dương lịch vừa qua, để đạt chỉ tiêu kinh doanh, tôi phải bỏ tiền túi ra đặt cọc mua căn hộ. Sau đó thì tôi phải tìm mọi cách rao bán sản phẩm một cách nhanh nhất hòng thu tiền về", anh Quân cho hay.

Cũng theo anh này, hiện nay, thu nhập của nghề môi giới BĐS đã bắt đầu tăng trở lại nên lượng nhân sự muốn đầu quân cho các sàn BĐS cũng lớn hơn trước rất nhiều. Điều này tất yếu dẫn đến sự cạnh tranh trong lĩnh vực này khá lớn. Do đó, để được ở lại làm việc, anh luôn phải đảm bảo chỉ tiêu kinh doanh của mình thuộc nhóm an toàn.

giao dịch BĐS
Dothị trường đang tốt lên nên nhân viên các sàn giao dịch BĐS
thường bị áp lực chỉ tiêu rất lớn. Ảnh: STDA

Chị Trang, một nhân viên môi giới làm việc được 2 năm nay cũng cho biết chỉ tiêu kinh doanh được điều chỉnh liên tục tăng kể từ đầu năm. Thậm chí 3 tháng cuối năm, nhân viên còn bị áp doanh thu gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

"Cuối năm được dự báo là những tháng cao điểm về thanh khoản. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm dự án được mở bán rất nhiều, trong khi chính sách của các đơn vị đều rất cạnh tranh nên việc thu hút khách hàng không dễ dàng như dự đoán", chị Trang nói và cho biết mình đã bỏ ra khá nhiều kinh phí cho quảng cáo, marketing đăng tin, SEO web, phát tờ rơi, tiếp thị qua điện thoại... Tuy nhiên, doanh số thu về của chị từ khoảng 2 tháng nay đều chỉ đạt 60-70% chỉ tiêu. Nếu tình trạng này vẫn kéo dài thêm một tháng nữa, có thể chị sẽ bị đơn vị xem xét lại việc ký tiếp hợp đồng. Vì thế, dù không có nhu cầu đầu tư nhưng chị Trang cũng tự bỏ tiền đặt cọc mua 2 căn hộ tại 2 dự án để giảm bớt áp lực chỉ tiêu.

"Đương nhiên tôi phải cân nhắc chọn những dự án dễ bán lại và có thể tăng giá, đem lại lợi nhuận tốt", chị Trang cho hay.

Một số nhân viên môi giới khác cũng cho rằng, việc hoàn thành chỉ tiêu trong năm vừa qua sẽ không quá khó nếu thị trường có thanh khoản tốt. Tuy nhiên, thực tế là từ đầu tháng 10 đến nay, thanh khoản thị trường không được tốt như dự đoán, thậm chí một số đơn vị còn có lượng giao dịch giảm so với quý III nên mức chỉ tiêu kinh doanh đã xây dựng là khá áp lực.

Anh Chính hiện là quản lý của một sàn BĐS cho biết, trước đây việc môi giới phải tự đặt cọc giữ suất để đạt chỉ tiêu kinh doanh cũng từng xuất hiện nhưng thường xảy ra với những người mới vào nghề, muốn vượt qua giai đoạn thử việc. Hơn nữa, nguyên nhân một phần còn là vì cách đây mấy năm thị trường gặp khó khăn, hầu hết các sàn đều cắt giảm một loạt nhân sự, kể cả những người có kinh nghiệm lâu năm.

"Có lẽ nhiều người trong nghề còn bị ám ảnh bởi nỗi lo mất việc nên vẫn đặt nặng việc hoàn thành chỉ tiêu. Ngoài ra, kết quả kinh doanh những tháng cuối năm thường được dùng để các doanh nghiệp xem xét thưởng Tết nên môi giới cũng cố gắng để hoàn thành cao nhất chỉ tiêu được giao", anh Chính lý giải.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch Tập đoàn CenGroup cũng cho rằng, hiện nay hầu như đơn vị kinh doanh BĐS nào cũng áp chỉ tiêu đối với các nhân viên. Các chỉ tiêu này thường được xây dựng dựa trên sự đánh giá thị trường nói chung và tiềm năng tại từng dự án nói riêng. Tại doanh nghiệp của ông Hưng, mỗi nhân viên cũng được giao chỉ tiêu với từng dự án cụ thể và theo tháng. Theo ông Hưng, trong cùng một thời điểm cũng chỉ có khoảng 30-40% nhân viên kinh doanh đạt đủ chỉ tiêu bán hàng.

"Chúng tôi cũng luôn tạo điều kiện bằng cách cho phép mỗi nhân viên có tối đa 3 kỳ liên tiếp không đạt thì mới bị xem xét việc có sa thải hay không, vì thực tế có thời điểm thị trường thanh khoản tốt nhưng cũng không ít giai đoạn khó khăn chung, do đó việc xem xét phải rất khách quan", ông Hưng cho hay.

Còn ông Phạm Đức Toản, TGĐ Công ty CP BĐS EZ Việt Nam thì cho rằng, hiện nay phần lớn các môi giới đều kiêm nhà đầu tư. Vì vậy, việc một số môi giới tham gia đặt cọc, mua bán căn hộ tại chính các dự án mà mình tham gia phân phối không hẳn là do áp lực chỉ tiêu.

"Vấn đề áp lực là có thật nhưng bản thân nhiều nhân viên kinh doanh BĐS cũng có khoản thu nhập không nhỏ từ đầu tư nhà đất. Vì vậy, việc một số nhân viên bỏ tiền vào một dự án nào đó đôi khi còn do họ nhận thấy tiềm năng tăng giá từ đó", ông Toản nhận xét và cho biết, trong cùng thời điểm tại doanh nghiệp của ông thường có khoảng 1/3 số nhân viên đạt đủ chỉ tiêu đề ra. Việc đánh giá, xem xét ký tiếp hợp đồng lao động cũng được tiến hành vài tháng một lần.

"Nếu vài tháng liên tục nhân viên không đạt doanh thu yêu cầu hoặc không cải thiện thì chúng tôi mới cân nhắc việc xem xét hợp đồng", ông Toản nói.

  • 0
  • By Admin
  • 11/01/2016
  • 17