Mô tip phổ biến thiết kế cho nhà ống dài và hẹp
Tuỳ nhu cầu sử dụng của mỗi gia đình một khác nhưng hầu hết cách thức phân chia không gian đều tương đương như nhau, tức là các khu vực chức năng mang tính sinh hoạt chung đều phân bố tại các tầng thấp (tầng 1 hoặc 2) còn các khu vực mang tính riêng tư được phát triển theo chiều cao có thể là tầng ba, bốn, năm hay thậm chí là sáu. Có chăng chỉ là sự khác biệt trong cách bài trí, trang trí nội thất để tạo phong cách riêng cho gia chủ.Lấy ví dụ về mảnh đất diện tích khá phổ biến 4x17m2. “Nguyên tắc” thiết kế tối ưu nhất, có thể đảm bảo ba yếu tố: tiện dụng – tiết kiệm - thẩm mỹ mà các KTS thường áp dụng để giải quyết bài toán công năng cũng như diện tích:
1. Sân trước và sau lấy thoáng cho nhà
Nếu như ví cửa sổ là đôi mắt của ngôi nhà thì khoảng sân trước mỗi ngôi nhà giống hệt như cánh tay, mở ra thân thiện, khép vào kín đáo. Nhà có khoảng sân phía trước hoặc sau thường để lại cho người ta cảm giác về sự phóng khoáng, cởi mở.Cắt mặt trước:
Với diện tích 4x17m, có thể cắt từ 3 đến 4m làm sân, vừa là khoảng đệm, chống nóng, lọc bụi cho nhà. Thông thường sân trước được để vuông vức hoặc để tránh sự đơn điệu có thể cắt thành đường cong như chữ L tạo dáng cho không gian. Các tầng trên vẫn có thể tận dụng được các khoảng cắt này để thiết kế ban công, hành lang...Cắt mặt sau:
Nếu cần tận dụng tối đa diện tích đất cho sinh hoạt gia đình thì có thể cắt một ô khoảng 1-2 m2 phía sau làm giếng trời (khoảng thông tầng) để tạo thông thoáng cho phòng ngủ phía sau nhà, bếp, vệ sinh. Đó là khoảng tiết kiệm diện tích nhất.Cắt cả mặt trước và sau:
Nhà bề ngang hẹp không tính tới chuyện lùi một khoảng diện tích bên hông nhà mà chỉ có thể cắt mặt trước hoặc sau, tuy nhiên, nếu cắt cả hai (phần trước lấy sáng, thông gió cho các không gian phía trước như phòng khách, phần sau lấy sáng thông gió cho các không gian phía sau như bếp, phòng ăn, nhà vệ sinh…) thì cần chú ý tới diện tích của từng nơi và đảm bảo rằng không gian trong nhà không bị co hẹp quá mức gây bất tiện trong sinh hoạt.2. Cầu thang một vế tiết kiệm không gian
Cầu thang thường được giới kiến trúc ví von là chiếc xương sống cho ngôi nhà nên khi bạn chọn một giải pháp sai lầm thì người ở sẽ bị nhốt vào một không gian bất tiện trong mọi sinh hoạt. Về nguyên tắc chung, đối với nhà có chiều ngang hẹp nên dùng hình thức cầu thang một vế để tiết kiệm được diện tích chiều ngang của căn nhà.Chủ nhà sẽ tận dụng phần diện tích ở bên cầu thang làm chỗ sinh hoạt gia đình hay góc học tập... Tuy nhiên, kiểu cầu thang này dễ dẫn đến sự đơn điệu và kém mỹ thuật. Để giải quyết vấn đề này, các kiến trúc sư thường chọn giải pháp cầu thang hình chữ L với những nhà hẹp có chiều dài trung bình. Một điều cần lưu ý khi chọn dạng cầu thang này là chỗ nhỏ nhất của hành lang bên cạnh cầu thang đến mép tường đối diện phải lớn hơn 1,1 m.
Với diện tích dành cho thang tương đối nhỏ nên tránh chọn những chi tiết lan can quá phức tạp, cầu kỳ. Cần chọn những kết cấu và hình dáng của cầu thang nhẹ nhàng, thanh thoát.
3. Không gian chức năng từ thấp lên cao
Thông thường, tầng một sẽ là không gian phòng khách, bếp ăn và vệ sinh chung. Tuy nhiên, nếu gia chủ có yêu cầu thiết kế gara ô tô thì công năng sẽ thay đổi một chút, cụ thể là đẩy phòng khách hoặc phòng ăn lên tầng 2.Các tầng phía trên tuỳ theo nhu cầu sử dụng của gia chủ, có thể là hai, ba hoặc bốn phòng ngủ. Phòng sinh hoạt chung nếu có thì thường được đặt khu vực giữa hai bên, mở ra tiền sảnh. Tương tự, phòng thờ và các khu vực khác như phòng tập, sân chơi, sân phơi sẽ bố trí trên tầng cao nhất của ngôi nhà.
4. Tìm cá tính riêng trong cách bài trí nội thất
Nhà ống không gian đã “na ná” như nhau, vì vậy nếu muốn tạo cá tính riêng thì các gia chủ phải dồn nhiều vào khâu thiết kế nội thất. Ví dụ có những ngôi nhà đi theo phong cách hiện đại, cũng có những ngôi nhà đi theo thiết kế cổ điển hoặc tân cổ điển. Quan trọng là trong khi lựa chọn và bài trí chúng phải tạo sự linh hoạt khi sử dụng và đảm bảo sự thông thoáng cần thiết.KTS. Nguyễn Sỹ Triệu
Công ty Tư vấn Kiến trúc và Xây dựng Trang Kim
(Theo Archi)
- 175
- By Admin
- 22/12/2011
- 17