Mở rộng đối tượng người VN ở nước ngoài mua nhà tại VN
Ngày 25-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009. Năm 2009, QH sẽ cho ý kiến và thông qua 35 dự án luật, 3 pháp lệnh trong chương trình chính thức; 10 dự án luật trong chương trình chuẩn bị; bổ sung 3 dự án luật và 2 pháp lệnh mới vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XII. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ QH cũng đã xem xét bổ sung 5 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết vào chương trình năm 2008; đáng lưu ý có luật sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở.
Theo Bộ Xây dựng, hiện có khoảng 3 triệu người VN định cư ở nước ngoài, 70% trong số này vẫn còn quốc tịch VN, 30% còn lại là người gốc VN. Sau hơn 2 năm triển khai Luật Nhà ở, mới có 140 trường hợp được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại VN, chủ yếu tập trung ở Hà Nội, TPHCM, Lào Cai, Lâm Đồng, Bình Dương. Những trường hợp này chủ yếu là người về đầu tư lâu dài và một số đối tượng thuộc diện được phép cư trú tại VN từ 6 tháng trở lên. Còn rất nhiều người VN ở nước ngoài về nước với nhiều mục đích khác nhau, mong muốn được sở hữu nhà ở nhưng họ không thuộc nhóm 5 đối tượng được sở hữu nhà ở theo quy định.
"Mở rộng đối tượng người VN định cư ở nước ngoài được mua nhà tại VN nhằm tạo những tác động tích cực khuyến khích đồng bào về xây dựng quê hương, đất nước" - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH Phan Trung Lý nhấn mạnh. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết việc sửa đổi này theo hướng mở rộng đối tượng người VN định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà tại VN. Cụ thể, là người có quốc tịch VN, người làm việc trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội có bằng đại học hoặc tương đương trở lên, người có kỹ năng đặc biệt mà VN có nhu cầu, người kết hôn với công dân VN ở trong nước và người được cấp giấy miễn thị thực nhập cảnh VN. Đồng thời, cũng giảm nhẹ các điều kiện mà người VN định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà tại VN, nhất là người còn có quốc tịch VN.
. Tại cuộc họp, Ủy ban Thường vụ QH cũng bàn về trách nhiệm bồi thường của cơ quan Nhà nước đối với các thiệt hại do cán bộ công chức gây ra trong khi thi hành công vụ. Theo đề xuất của Chính phủ, những thiệt hại được bồi thường gồm: Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút, tổn thất về mặt tinh thần do bị xâm phạm quyền tự do thân thể hoặc tính mạng, thiệt hại về vật chất trong trường hợp tính mạng bị xâm phạm, thiệt hại về vật chất trong trong trường hợp bị tổn hại về sức khỏe. Mọi cá nhân, tổ chức gánh chịu những thiệt hại này do người thi hành công vụ gây ra đều được bồi thường. Đồng thời, người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại cũng phải hoàn trả một phần hoặc toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho cá nhân, tổ chức.
Theo Người Lao Động
- 209
- By Admin
- 26/09/2008
- 17