• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Mở rộng Hà Nội: "Sẽ sử dụng tư vấn nước ngoài”

Câu chuyện mở rộng thủ đô đang nhận được sự quan tâm lớn từ nhiều phía. Bộ Xây dựng đã có kết quả khảo sát các dự án thuộc các khu vực sắp sáp nhập về Hà Nội chưa, thưa ông?

Hiện chúng tôi mới kiểm tra xong ở Hà Tây. Đoàn đi kiểm tra để dựng lên hiện trạng dự án nào đã làm ở vị trí nào, chiếm bao nhiêu diện tích, những dự án đang thực hiện, giải phóng mặt bằng, xây nhà xưởng… Tiếp nữa là kiểm tra những dự án đã phê duyệt rồi nhưng chưa triển khai.

Nếu như các dự án thuộc địa phận các tỉnh Hà Tây, Hòa Bình hay Vĩnh Phúc không phù hợp với định hướng quy hoạch thủ đô thì hướng đề xuất xử lý của Bộ Xây dựng thế nào?

Bây giờ đặt ra giả thiết cũng khó. Muốn biết cái nào được tồn tại, cái nào phải di dời là cả một vấn đề do nhà đầu tư đã rót vốn vào. Nhưng nếu không phù hợp với quy hoạch sắp tới thì sẽ vẫn phải chuyển dù rằng đền bù khá tốn kém. Chuyển đi chỗ khác là chỗ nào phù hợp thì những người làm quy hoạch cũng phải chỉ ra.

Có rất nhiều dự án đô thị đầu tư vào Hà Tây thời gian gần đây, kéo theo sự lo lắng về chất lượng, ông nghĩ sao về điều này?

Không thể đánh giá trước được vì quy hoạch muốn được cấp phép phải tuân thủ đúng pháp luật. Chất lượng thấp hay chất lượng cao thì cũng phải phù hợp với quy hoạch sắp tới, chất lượng cao mà không phù hợp thì cũng vẫn là không phù hợp.

Đây là đợt làm quy hoạch lớn nên phải thuê các chuyên gia nước ngoài, Thủ tướng đã đồng ý cho thuê tổ chức tư vấn nước ngoài phối hợp với tư vấn trong nước. Sẽ lấy ý kiến công khai sau đó mới xem dự án có thể được, dự án phù hợp thì tồn tại, dự án không phù hợp khi đó mới có hướng giải quyết cụ thể. Sẽ chọn tư vấn nước ngoài và ra “đề bài” cho họ, cần có thời gian để họ xây dựng từng bước. Bây giờ mới đang tìm tổ chức tư vấn nước ngoài.

Quy hoạch mới không phải là phù hợp với ai, không phải là lấy cái này làm cho phù hợp với cái kia mà phải trên cơ sở hiện trạng. Trên cơ sở hiện trạng và tư vấn của nước ngoài sẽ đề xuất ý tưởng về thành phố Hà Nội trong vòng 50 hay 100 năm nữa sẽ ra sao! Các nhà tư vấn nước ngoài có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Theo ông, làm thế nào để quy hoạch mới không phá vỡ quy hoạch cũ?

Hoàn thiện quy hoạch mới là một bước, bước quan trọng hơn là thực hiện, mà để thực hiện tốt thì yếu tố con người là then chốt.

Dự kiến bao giờ Bộ Xây dựng sẽ có báo cáo tổng thể về đợt kiểm tra?

Bây giờ thì chưa thể nói cụ thể dự án nào được tồn tại, dự án nào không được tồn tại nhưng chắc chắn sẽ có những dự án không phù hợp với quy hoạch mới. Vì vậy hiện giờ phải tạm dừng các dự án mới.

Dự kiến bao giờ sẽ có quy hoạch mới?

Việc này không thể làm nhanh được. Chúng tôi đang lựa chọn nhà tư vấn và trên cơ sở hiện trạng đã khảo sát sẽ ra “đề bài” cho họ.

Nghĩa là các dự án sẽ bị chậm tiến độ?

Mở rộng địa giới, sẽ có nhiều khu vực nông thôn sáp nhập vào Hà Nội. Kể cả nông thôn, đô thị hay khu công nghiệp mô hình, bộ mặt của nó biến đổi như thế nào thì phải chờ vào quy hoạch chung mới.

Hiện tại hạ tầng nông thôn rất kém, đường nhỏ, không có hệ thống thoát nước và đây là vấn đề phải giải quyết để đáp ứng được nhu cầu phát triển của các vùng nông thôn thuộc Hà Nội. Dù gì thì hạ tầng cơ sở cũng phải được triển khai sớm trước khi có quy hoạch chi tiết, hạ tầng dứt khoát phải đi trước.

Mình chỉ đưa ra đề bài, đề bài này dự trên định hướng phát triển kinh tế xã hội của đất nước, của thủ đô còn ý tưởng là do tư vấn nước ngoài.

Vậy ý tưởng về đề bài đã có chưa, thưa ông?

Chúng tôi đang xây dựng, chúng tôi phải kết hợp với Hà Nội chứ một mình Bộ Xây dựng không làm được.

Vậy theo ông trung tâm Hà Nội sắp tới sẽ như thế nào?

Tôi không bình luận trung tâm Hà Nội sẽ ở đâu, việc này sẽ do bên tư vấn đề xuất, còn sự thiêng liêng của thủ đô Hà Nội thì sẽ vẫn mãi gắn với Hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm). Khi mở rộng ra sẽ có nhiều trung tâm như trung tâm hành chính, thương mại, tài chính… Trên một phạm vi nhỏ hẹp mà nhồi nhét tất cả các trung tâm đó thì không thể được, do đó phải mở rộng ra. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng và phải làm thận trọng.

Về đội ngũ cán bộ - con người - thực hiện thì sao?

Trong hai năm trở lại đây, Bộ Xây dựng rất chú trọng đến việc đào tạo cán bộ quản lý đô thị các cấp. Đã có những khóa đào tạo chuyên cho những người lãnh đạo đứng đầu tỉnh, thành phố, thị xã. Chúng tôi cũng đang hợp tác với Đại học Kiến trúc Hà Nội mở chuyên ngành đào tạo kỹ sư quản lý đô thị. Đồng thời cũng đang phối hợp với một số trường đại học của Vương quốc Anh để xây dựng một chương trình đào tạo phù hợp.

Theo Đức Thọ - An Nhi
Vneconomy

  • 287
  • By Admin
  • 16/04/2008
  • 17