Mô hình bán lẻ Bazaar "chống ế" cho trung tâm thương mại
Khách mua hào hứng hơn
Khi tìm kiếm những địa chỉ mua sắm khi du lịch tại Tp.HCM trên các website, kết quả nhận được nhiều nhất không phải là các TTTM mà là các chợ như chợ Bến Thành, chợ Bình Tây... Các TTTM được nhắc tên nhiều hơn cả trên các công cụ tìm kiếm là các TTTM được xây dựng theo mô hình kết hợp với chợ truyền thống như Saigon Square Taka Plaza (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1), Saigon Mall (Phan Văn Trị, Gò Vấp)… hay mới đây nhất là Hùng Vương Square (Hùng Vương, quận 5)...
Hiện nay DN kinh doanh điện máy Nguyễn Kim cũng đã phát triển 4 trung tâm mua sắm theo mô hình Bazaar, bao gồm: Ben Thanh Boutique (Lê Lợi, quận 1) và Saigon Mall Gò Vấp (Tp.HCM); Saigon Mall (Long Xuyên, An Giang) và Saigon Mall tại TP Cà Mau. |
Một tiểu thương ở TTTM Saigon Square (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) cho biết, giá thuê mặt bằng ở đây không rẻ nhưng lượng người muốn thuê vẫn đáng kể vì lượng khách ổn định. Xu hướng của người mua nói chung, nhất là ở Việt Nam vẫn quen với việc đi mua sắm ở những khu chợ bình dân với mức giá mua hàng bình dân. Mô hình trung tâm mua bán cao cấp, hiện đại vẫn khiến người mua e dè, cảm giá nơi đó chỉ dành cho giới có tiền khiến khách hàng cảm thấy như bị lạc lõng.
Với mô hình TTTM kết hợp chợ truyền thống, khách mua hàng dễ có thiện cảm, vì thế khách thuê ở các TTTM mô hình này cũng đông hơn.
Một mô hình không mới
Mô hình bán lẻ Bazaar từng được áp dụng hiệu quả ở nhiều nước trong khu vực đặc biệt là ở Ấn Độ, mô hình này được nhắc đến khá nhiều với sự thành công của ông Kishore Biyani, người đã gây dựngt ập đoàn Pantaloon Retail Ltd. Biyani, ông đã sáng lập ra 2 hệ thống cửa hàng Big Bazaar và Food Bazaar lớn nhất hiện nay ở đất nước này.
Trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống sẽ "chống ế" cho mô hình trung tâm thương mại
Hệ thống Food Bazaar bao gồm 89 siêu thị trên khắp Ấn Độ, chuyên bán thực phẩm, còn hệ thống cửa hàng Big Bazaar chuyên bán đồ gia dụng và quần áo, thường ở cùng một nơi với Food Bazaar. Cả 2 hệ thống cửa hàng Big Bazaar và Food Bazaar đều cố gắng thiết lập không gian tương tự như các khu chợ ngoài trời ở Ấn Độ khiến khách lần đầu đến mua sắm đều có cảm tình.
Việt Nam luôn được các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đánh giá là thị trường tiềm năng do có số dân đông, hiện đã lên hơn 90 triệu dân. Tuy nhiên, thực tế phần đông người Việt Nam thu nhập vẫn đang ở mức trung bình - khá, việc xây quá nhiều những TTTM cao cấp là chưa phù hợp với tình hình thực tế. Mô hình bán lẻ Bazaar vì thế tỏ ra phù hợp hơn, để áp dụng và phát triển mô hình này, chủ đầu tư thường thuê đất với thời hạn 3 năm (chủ có thể gia hạn từ 12 đến 18 năm) và trả tiền thuê đất hàng năm (hoặc thuê lại công trình của DN khác).
Thuê ngắn hạn nên chi phí đầu tư sẽ không cao như việc đầu tư một TTTM hạng A, thuê trong vòng 49 năm, thời gian thu hồi vốn nhờ thế cũng tương đối ngắn. Nếu chủ đầu tư áp dụng phương thức tính phí từ các khoản chuyển nhượng quyền thuê, tiền thuê hàng tháng, tiền ký quỹ (giả định rằng tất cả các gian hàng đều được lấp đầy hoặc tỷ lệ thuê trên 80%) thì chủ đầu tư có thể hòa vốn chỉ trong vòng 2 năm.
Trong trường hợp không tính tiền chuyển nhượng quyền thuê (cố định ngay từ đầu) thì thời gian thu hồi vốn còn nhanh hơn nữa, có thể tăng lên gấp đôi. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, những doanh nghiệp áp dụng mô hình này thực sự khôn khéo khi mà người dân Việt Nam vẫn coi chợ truyền thống là điểm đến quen thuộc.
Tuy nhiên, để giữ chân được tiểu thương, các TTTM áp dụng mô hình này còn cần đến nhiều yếu tố khác. Nhiều TTTM chấp nhận "ăn ít", đưa ra mức giá thuê mềm hơn để thu hút tiểu thương. Sự việc tiểu thương ở An Đông Palaza phải đóng sạp nghỉ bán, yêu cầu chủ đầu tư giảm giá thuê sạp chính là bài học mà các chủ đầu tư mô hình này cần nhìn vào.
Theo các tiểu thương ở An Đông Plaza, trước kia có giá thuê dao động khoảng 400-500 triệu đồng trong 10 năm kinh doanh, nay giá thuê mới được thông báo tăng vọt lên 2-4,4 tỷ đồng/sạp, thời hạn giảm đi còn 5 năm. Vì thế, không thể nhìn vào sự thành công của một số TTTM để khẳng định tất cả trung tâm khác đi theo mô hình này cũng sẽ thành công một cách dễ dàng. Yếu tốt mặt bằng vẫn là yếu tố mang tính quyết định quan trọng đến thành công của bất cứ TTTM nào.
- 0
- By Admin
- 21/01/2015
- 17