Mở cửa sổ khi xây nhà
Hiện có quy định nào về việc được hay không được phép làm cửa sổ nếu phía bên ngoài là hẻm? Trường hợp được phép mở cửa sổ mà trong giấy phép không có, vậy tôi có bị phạt khi làm thủ tục hoàn công không?
Ở tầng 2 & 3 trong giấy phép có cửa sổ, nhưng "mép cửa sổ cách mặt sàn là 2m" trong khi chỉ cho phép chiều cao tầng là 3.40m và do 2 phòng này là cho 2 trẻ em ở, nếu làm cửa sổ theo giấy phép cấp thì chiều cao 2m tính từ sàn với người lớn còn không giải quyết được nói gì đến trẻ em, hơn nữa lúc đó cửa sổ sẽ đụng nóc trần nhà. Vậy có văn bản nào quy định việc khống chế mép cửa sổ phải cách mặt sàn là bao nhiêu mét không?
Trong trường hợp tôi làm theo thiết kế của mình (mép cửa sổ cách 1.2m từ mặt sàn) mà không tuân thủ theo giấy phép thì có bị phạt khi làm thủ tục hoàn công?
Cuối cùng, nếu nhân viên QLĐT của phường hay quận làm khó dễ trong quá trình thi công thì tôi có thể cầu cứu đến cơ quan nào để giải quyết? Rất mong được hồi âm.
Lê Hào Kiệt (P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM)
- Luật sư Huỳnh Văn Nông trả lời:
Về nguyên tắc, ông phải thi công các thành phần của căn nhà đúng theo giấy phép (kể cả bản vẽ kèm theo giấy phép) đã ghi nhận. Trường hợp quá trình thi công ông nhận ra các điểm chưa hợp lý của giấy phép thì ông làm đơn xin điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Nếu chưa được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về điều chỉnh giấy phép mà ông đã thi công thì hành vi này bị xem như xây dựng sai giấy phép và phải bị xử phạt hành chính, cũng như buộc phải khôi phục lại như giấy phép đã quy định.
Việc mở cửa sổ ra hẻm phía sau nhà của ông là không được phép, do tại Mục 6.5.3.1 của TCXDVN 353-2005 đã quy định ở độ cao dưới 3m so với mặt vỉa hè thì cửa sổ không được mở ra ngoài chỉ giới đường đỏ hoặc ngõ hẻm.
Ở các tầng trên của căn nhà thì ông có quyền bố trí cửa sổ mở ra ngõ hẻm, sao cho tiện nhất trong việc sử dụng nhà của ông. Do vậy, ông nên điều chỉnh giấy phép xây dựng trước khi thi công cửa sổ các tầng trên.
Vấn đề nữa ông cũng quan tâm là trong quá trình xây dựng cán bộ nhà nước thường xuyên có hành động gây khó khăn cho công tác thi công của ông. Trong trường hợp như thế ông có thể yêu cầu nhân viên nhà nước chấm dứt ngay hành vi gây khó khăn cho ông. Nếu cho rằng ông thi công vi phạm pháp luật thì đề nghị lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt hành chính.
Trường hợp ông không đồng ý với quyết định xử phạt hành chính thì ông có thể khiếu nại với cơ quan đã ban hành quyết định xử phạt hành chính, theo các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Trân trọng kính chào.
Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG
(Công ty luật TNHH Sài Gòn Luật)
Theo Tuoi tre Online
- 266
- By Admin
- 08/06/2009
- 17