• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Mờ ám từ Dự án “Tuần Châu trong lòng Hà Nội”

Vị đại gia này đã xin lập Dự án Khu du lịch sinh thái Ecopark Tuần Châu với kỳ vọng “mang một Tuần Châu thu nhỏ đặt vào lòng thủ đô”.

Tuyên bố hoành tráng, quảng cáo rầm rộ, tung hô ngút trời, nhưng trên thực tế dự án này đang ở tình trạng… bỏ hoang. Giấc mơ “tiểu Tuần Châu” có vẻ như rất long đong và đã có nhiều biểu hiện mờ ám khó hiểu.


Bài 1: Đất bỏ hoang vẫn được… rao bán

Xót xa bên lề dự án bỏ hoang

Xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội nổi tiếng với danh thắng chùa Thầy. Mới chỉ cách đây dăm năm thôi, nơi đây còn yên ả, đặc trưng cho vùng quê đồng bằng Bắc Bộ thanh bình với chùa chiền, làng xóm, bờ xôi ruộng mật, lúa xanh bao la. Chẳng ai có thể nghĩ được rằng, chỉ ngay trước khi sáp nhập về với thủ đô, vùng quê xứ Đoài này đã bị chia năm sẻ bảy, thu hồi hết đất canh tác để dành chỗ cho các dự án khu du lịch sinh thái, biệt thự, nhà vườn, sân golf. Dự án có thể xem là lớn nhất ở đây là Dự án Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí (DLST & VCGT) Tuần Châu.

Đi vào núi Thầy, người ta không còn cảm giác thanh tịnh khi đi vào đất Phật, đường sá nơi đây bị cày nát bởi máy ủi, máy xúc, xe tải lớn bé chở vật liệu xây dựng. Nằm án ngữ dưới chân núi Thầy, Khu DLST & VCGT Tuần Châu đã san phẳng một vùng đồng lúa thành bình địa, ngổn ngang và bụi bặm. Đến lúc hoàn thành, chẳng biết sự thiền tịnh của núi Thầy, chùa Thầy có còn không khi nằm lọt thỏm giữa một không gian hàng trăm hécta toàn… vui chơi, giải trí.

Có tới 80% dân số xã Sài Sơn làm nghề nông, sống nhờ cây lúa, chỉ có một số ít làm nghề nung gạch và bán hàng ở khu danh thắng chùa Thầy. Không có nhiều diện tích đất canh tác nhưng có đến 460ha đất trồng lúa của Sài Sơn bị đưa vào quy hoạch, trong đó chỉ riêng dự án Ecopark Tuần Châu đã chiếm đến gần một nửa.

Tuy nhiên, 5 năm sau khi khởi công, ai đến khu vực này cũng phải xót xa khi mà những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay bị san lấp, đường sá toàn bụi đất. 5 năm rồi nhưng “giấc mộng Tuần Châu trong lòng thủ đô” vẫn chỉ là bãi đất trống cỏ mọc um tùm.

Một phần đất của dự án được quây bằng tôn, bên trong cũng chưa thấy khởi công gì mà chỉ thấy cây và cỏ dại. Cả khu vực tạm được gọi là “công trường” chỉ có độc một chiếc máy xúc đứng chơ vơ, gần đó là vài thanh niên đứng chơi quanh quẩn. Bên ngoài bờ rào bằng tôn, những khẩu hiệu có logo của Tuần Châu phủ đầy bụi “An toàn là bạn, tai nạn là thù” có vẻ hơi thừa thãi. Người ta mới “động khẩu” chứ đã “động thủ” gì đâu mà lo mất an toàn!

Cụ Tư, 73 tuổi, gia đình có gần chục miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, nay bị thu hồi gần hết. Cầm đồng tiền bồi thường trong tay nhưng cụ cũng chả vui vẻ gì: “Cái chúng tôi cần là ruộng đất để trồng lúa, trồng màu kia. Tiền đền bù thì bao nhiêu tiêu chả hết, hết tiền thì biết làm nghề gì mà sống?”.

Ông vừa nói vừa nhìn xa xăm ra nơi khu đất như bỏ hoang của dự án Tuần Châu, nơi mà khi xưa là bờ xôi ruộng mật cha ông để lại từ hàng trăm năm: “Người ta thu hồi đất mà làm dự án ngay thì nhìn còn đỡ xót. Đằng này, lúa đang trổ xanh, vụt một cái bị thu hồi, mà thu xong để đấy chứ có làm gì đâu!”.

Hụt hẫng, chơi vơi – đó là cảm giác chung của nhiều người nông dân Sài Sơn đang quen với ruộng đồng bỗng nhiên bị thu hồi hết đất.



Mờ ám từ Dự án “Tuần Châu trong lòng Hà Nội” | ảnh 1
Phối cảnh dự án rất hoành tráng....

Khởi công trước khi quy hoạch được duyệt

Ngày 1/8/2008, Hà Tây chính thức sáp nhập về thủ đô Hà Nội. Trong những ngày cuối cùng sáp nhập vào thủ đô, dư luận đã chứng kiến một cuộc chạy đua nước rút của các nhà đầu tư, đặc biệt là các dự án bất động sản để được phê duyệt trước khi sáp nhập. Đơn giản là vì về thủ đô thì giá thuê đất sẽ cao hơn và việc thuê được các diện tích đất lớn sẽ vô cùng khó khăn.

Dự án bất động sản Khu DLST & VCGT Tuần Châu Hà Tây được cấp phép vào những ngày cuối cùng đó.

Dự án này được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào ngày 10/7/2008 tại Quyết định 2238/QĐ-UBND tỉnh Hà Tây. Tuần Châu Hà Tây được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng vào ngày 21/7/2008, tức là 9 ngày trước khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội. Về với thủ đô, Tuần Châu Hà Tây được đổi thành Tuần Châu Hà Nội và Khu DLST & VCGT Tuần Châu được gọi tắt là Ecopark Tuần Châu.

Kỳ quặc thay, dự án đã được khởi công long trọng từ 25/2/2008, tức là 5 tháng trước khi quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Sự lạ lùng của “giấc mơ Tuần Châu” xuất hiện từ khi nó vừa ra đời!


Thay đổi quy hoạch sau… 1 năm

Đương nhiên, một khi đã về thủ đô thì quy hoạch một loạt dự án sẽ bị điều chỉnh. UBND thành phố Hà Nội đã giao cho Sở Quy hoạch và Kiến trúc tiến hành rà soát các dự án và kết quả là nhiều dự án bị dừng, một số dự án phải điều chỉnh.

Dự án Khu DLST & VCGT Tuần Châu Hà Tây nằm trong nhóm Ib (nhóm danh mục đồ án, dự án được tiếp tục triển khai nhưng phải thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch) theo thông báo vào ngày 5/9/2008 của Văn phòng Chính phủ. Các dự án thuộc danh sách phải điều chỉnh quy hoạch thì đương nhiên phải tạm dừng để chờ quy hoạch mới.

Ngày 28/9/2009, sau khi được giao đất hơn một năm, Công ty Tuần Châu Hà Tây đã có văn bản xin được điều chỉnh quy hoạch.  Yêu cầu này được các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội xem xét và trình Chính phủ.

Ngày 23/7/2010, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5140 VPCP-KTN thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: “Đồng ý về nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch xây dựng Khu DLST & VCGT Tuần Châu Hà Tây, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội theo hướng giữ nguyên tính chất là DLST & GT, không xây dựng sân golf. Điều chỉnh quy hoạch xây dựng Khu DLST & GT Tuần Châu Hà Tây theo hướng thấp tầng, giảm mật độ xây dựng, tăng tỉ lệ cây xanh, mặt nước; bảo đảm phù hợp với định hướng quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội”.

Như vậy, phải đến thời điểm này, quy hoạch của dự án mới chính thức được “đồng ý về nguyên tắc” cho phép tiếp tục triển khai dự án theo hướng điều chỉnh mới. Cũng có nghĩa là cho đến ngày 23/7/2010, dự án sẽ phải đợi quy hoạch mới.

Sau đó, UBND TP Hà Nội đã ra Quyết định 720/QĐ-UBND ngày 8/2/1012 yêu cầu Công ty Tuần Châu Hà Nội lập quy hoạch, hoàn thiện đồ án trong vòng 6 tháng. Đồ án này sẽ phải được Sở Quy hoạch và Kiến trúc thẩm định, sau đó trình UBND thành phố xem xét và phê duyệt. Quyết định nêu rõ đồ án được thực hiện để làm cơ sở triển khai lập dự án đầu tư xây dựng.

Như vậy, chiểu theo quyết định trên của UBND TP Hà Nội, rõ ràng cho đến thời điểm này, Ecopark Tuần Châu vẫn chưa đủ cơ sở để triển khai lập dự án đầu tư xây dựng…

Thế nhưng, trên thị trường bất động sản, từ vài năm trước, nhà liền kề, biệt thự, đất ở lâu dài trong dự án Tuần Châu đã được rao bán tràn lan, mặc dù quy hoạch 1/500 mới của dự án này còn chưa được duyệt.



Mờ ám từ Dự án “Tuần Châu trong lòng Hà Nội” | ảnh 2
... nhưng hiện vẫn chỉ là bãi đất hoang đầy cỏ dại, chỉ có một chiếc máy xúc đang trong tình trạng... nghỉ ngơi

Nhà đầu tư “chết dần chết mòn”

Trên thị trường, việc rao bán biệt thự, liền kề của dự án Ecopark vẫn diễn ra công khai. Chỉ cần gõ từ khóa Ecopark Tuần Châu trên google, bạn sẽ bắt gặp hơn 2 triệu kết quả, trong đó đa số là những lời rao bán nhà liền kề, biệt thự của dự án.

Đại loại như: “Bán gấp liền kề, biệt thự Tuần Châu Ecopark – Quốc Oai BG 16, BG 17, BG 18 loại biệt thự song lập S=120m2, 150m2, 180m2. Loại biệt thự đơn lập S=300m2, 250m2, 200m2. Giá gốc ưu đãi 16,1tr/m2 đã bao gồm tiền sử dụng đất và không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng. Tiến độ đóng tiền như sau: Đợt 1: Ngay sau khi ký hợp đồng đóng 30%; Đợt 2: Trước ngày 31/3/2011 đóng tiếp 30%; Đợt 3: Trước ngày 22/4/2011 đóng 30%; Đợt 4: Trong vòng 2 ngày trước khi nhận thông báo của chủ đầu tư về việc đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và bàn giao đất chuyển nốt 10% còn lại. Hồ sơ pháp lý đầy đủ…”.

Trên thị trường, mặc dù Ecopark Tuần Châu là dự án chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa đầy đủ giấy tờ pháp lý nhưng đã được rao bán từ vài năm trước. Thậm chí trong giai đoạn bất động sản “lên ngôi” như năm 2010, nhiều suất ở dự án này cũng bị đẩy lên mức giá trên 22 triệu/m2.

Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 1 năm, giá bất động sản ở đây đã xuống rất thảm hại, chỉ còn khoảng 15-16 triệu đồng/m2. Nhìn sang bên cạnh thì nhiều dự án khác đã giải phóng xong mặt bằng, đã có hồ sơ pháp lý đầy đủ như Ngôi nhà Mới, CEO giá cũng chỉ ở mức như vậy.

Không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ đã bán tháo hoặc đang nơm nớp vì chưa có gì chắc chắn cả.

Công ty Tuần Châu với kinh nghiệm thương trường dày dạn thừa hiểu rằng, không thể đứng ra công khai bán đất bằng hợp đồng với các nhà đầu tư nhỏ lẻ khi cơ sở pháp lý chưa rõ ràng. Tuy nhiên, việc mua bán lại được thực hiện qua các nhà đầu tư cấp 2 (thứ phát). Công ty Tuần Châu đã ký hợp đồng góp vốn với hàng chục đối tác khác nhau với cùng lời hứa “chia đất”. Thế là tiền vẫn đổ về Tuần Châu!


Chưa rõ quy hoạch, vẫn kêu gọi đầu tư

Như đã nói ở trên, sau thời điểm 23/7/2010, trong khi đợi quy hoạch chi tiết 1/500 mới, Công ty Tuần Châu Hà Nội vẫn kêu gọi đầu tư và đã ký với các nhà đầu tư thứ phát đến 11 hợp đồng. Điều này được chính ông Huỳnh Bình Thanh – Tổng giám đốc Tuần Châu Hà Nội thừa nhận.

Bản thân ông Huỳnh Bình Thanh khẳng định, đến nay công ty đã hợp tác góp vốn với 11 đối tác vào dự án này với tổng diện tích khoảng 37.000m2 đất.

Theo tài liệu của Báo Năng lượng Mới,  sau thời điểm Chính phủ yêu cầu phải điều chỉnh quy hoạch Ecopark Tuần Châu, Công ty Tuần Châu Hà Nội vẫn thực hiện việc thu hút vốn của các nhà đầu tư.

Hợp đồng ghi rõ là “Hợp đồng góp vốn”: Phía đối tác đồng ý trả cho Tuần Châu Hà Nội một khoản tiền lớn, đổi lại, Tuần Châu Hà Nội sẽ dành cho đối tác quyền mua một diện tích đất (xin nhấn mạnh hợp đồng nói rõ chức năng đất này là đất ở lâu dài). Giá bán ưu đãi là 16,1 triệu/m2 ngay sau khi dự án đủ điều kiện bán.

Đất ở lâu dài được bán khi quy hoạch chưa rõ ràng cũng là điều đáng bàn. Tuy nhiên, kể cả khi đã có quy hoạch chi tiết, sự xuất hiện của một diện tích “đất ở lâu dài” quá lớn trong một dự án về du lịch sinh thái, theo chúng tôi cũng nên xem xét lại.

Có tin một số nhà đầu tư vào dự án đã phải thanh toán khoảng 70% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, hồ sơ pháp lý đầy đủ cho Dự án Ecopark Tuần Châu vẫn đang “nằm trên bàn giấy” ở Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố Hà Nội.

Sản phẩm chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ nhưng vẫn bán tràn lan trên thị trường – đây là điều không chỉ các khách hàng phải tính toán kỹ mà các cơ quan chức năng cũng phải vào cuộc xác minh, làm rõ!

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về “giấc mơ Tuần Châu trong lòng Hà Nội”, Báo Năng lượng Mới sẽ tiếp tục đăng tải ý kiến của cơ quan chức năng cũng như những thông tin trao đổi với ông Huỳnh Bình Thanh, Tổng giám đốc Công ty Tuần Châu Hà Nội.


(Theo Petrotimes)

  • 0
  • By Admin
  • 30/03/2012
  • 17