Miễn phí xây dựng: Công trình “đắp chiếu” kiếm… tiền tỷ?
“Lùi” cũng kiếm… bạc tỷ!Nhiều chủ đầu tư lùi lễ khởi công để được miễn thuế (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: M.H |
Anh Nguyễn Đình Hưng, Đội trưởng đội thi công công trình 4, Công ty xây dựng công trình Hà Nội cho biết: “Theo đúng tiến độ, chúng tôi sẽ khởi công xây toà nhà thương mại ở khu Văn Khánh (Hà Nội) vào ngày 12/1/2011. Tuy nhiên, cách đây 10 ngày, chúng tôi được chủ đầu tư đề nghị hoãn lại đến tháng 2. Lý do là nhà đầu tư nhận thấy một số chi tiết của bản vẽ thiết kế chưa phù hợp cần điều chỉnh lại”.
Phí xây dựng là khoản thu vào chủ đầu tư xây dựng công trình nhằm mục đích hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng công cộng trên địa bàn mà chủ đầu tư xây dựng công trình (Theo Thông tư 97/2006/TT-BTC) |
Khi chúng tôi tỏ ý băn khoăn rằng, liệu đây có phải là một “chiêu” để lách phí xây dựng vì khoản này sẽ được miễn từ ngày 1/2/2011, anh Hưng thẳng thẳn: “Với công trình hàng chục tỷ đồng, thuộc công trình xây dựng nhóm C - nhóm áp dụng mức phí xây dựng cao nhất là 2% trên tổng chi phí xây dựng, nếu có thể đi theo cách nào đó để không phải nộp mà vẫn không làm trái pháp luật thì tại sao lại không làm?
Như quy mô công trình chúng tôi sẽ khởi công vào tháng 2 tới, nhà đầu tư sẽ phải nộp phí xây dựng từ 2,5 - 3 tỉ đồng. Đây là món tiền khá lớn có thể tiết kiệm để làm các hạng mục khác của công trình”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Anh, Công ty bất động sản Đông Dương (Tập đoàn Bất động sản Đông Dương) cũng khẳng định: “Thay vì phải khởi công cập rập vào thời điểm cuối năm với nhiều loại vật liệu tăng giá, khó tìm kiếm nhân công, nhiều chủ đầu tư sẽ lùi lại khi ăn Tết Nguyên đán xong. Trong đó, động lực né phí xây dựng là một trong những yếu tố quan trọng thôi thúc”. Cũng theo ông Ngọc Anh, để lùi việc khởi công xây dựng chỉ trong vòng 2 tháng, các chủ đầu tư sẽ có rất nhiều lý do đưa ra. Cụ thể như chưa thẩm định được bản vẽ; Bản vẽ thiết kế có một số thay đổi, cần chỉnh sửa lại; Hồ sơ chưa được duyệt hay lý do phổ biến nhất là khâu giải phóng mặt bằng chưa xong...
Được tiền, bớt thủ tục
Không chỉ xuất hiện hiện tượng lùi tiến độ xây dựng những công trình lớn, có giá trị hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mà ngay cả nhiều cá nhân, hộ gia đình riêng lẻ có ý định xây nhà, xây khách sạn cũng rời ngày khởi công. Ông Vũ Đình Hài (ngõ 329, đường Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự: “Bớt lo khoản nào thì đỡ khoản đó. Hiện phí xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ tại Hà Nội vẫn áp dụng mức 35.000 đồng/m². Nếu nghe qua thì thấy số tiền phải nộp không lớn tuy nhiên khi xây dựng nhà cao tầng với tổng diện tích từ 100- 200m² thì số tiền phải nộp cũng tương ứng từ 3,5- 7 triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng”.
Cùng quan điểm với ông Hải, nhiều gia đình khi được hỏi đã cho biết thay vì xây nhà vào thời điểm cuối năm với chi phí vật liệu cao cùng với việc phải nộp phí xây dựng, họ sẽ hoãn đến đầu sang năm với nhiều “tiết kiệm” hơn. Các vấn đề khác về mặt tâm linh, tuổi tác cũng đã được họ chủ động “xử lý” sớm nhằm “ăn theo” chủ trương miễn phí này của Chính phủ.
GS. TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lại có góc nhìn khác về việc đơn giản hóa thủ tục: “Miễn phí xây dựng chắc chắn sẽ có thêm động lực cho nhiều chủ đầu tư có hứng thú hơn đối với xây dựng. Vì bớt được phí xây dựng cũng đồng nghĩa với việc giản lược được một đầu việc, bớt được một mối lo cho các nhà đầu tư”. Bên cạnh tiền nong, có lẽ đó cũng là lý do để nhiều chủ đầu tư, nhiều người dân quyết định “lách” bằng cách lùi thời gian khởi công.
Bộ Xây dựng cho rằng nguyên nhân để miễn phí xây dựng là do trong thời gian qua mỗi tỉnh quy định một mức phí khác nhau. Có tỉnh áp dụng mức phí xây dựng ở mức cao nhất nhưng có tỉnh lại không thu khoản phí này, nhất là đối với các công trình xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao hay các công trình mang tính xã hội khác như nhà cho người thu nhập thấp, nhà cho đối tượng chính sách, nhà cho các đối tượng tái định cư...
Đó là những lý do mà Bộ Xây dựng đưa ra nhằm thuyết phục Chính phủ thực hiện miễn phí xây dựng nhằm đảm bảo sự công bằng, thu hút đầu tư trong lĩnh vực xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Theo quy định hiện hành, mức phí xây dựng được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên chi phí xây dựng công trình (không bao gồm thiết bị), tuỳ thuộc vào loại công trình xây dựng. Mức thu tối đa 0,5% đối với công trình nhóm A, không quá 1% với công trình nhóm B và không quá 2% với công trình nhóm C. Với nhà ở riêng lẻ, mức thu có thể tính theo diện tích xây dựng, tối đa không quá 35.000 đồng/m2, được áp dụng theo nguyên tắc giảm dần theo cấp nhà (nhà cấp IV thấp hơn nhà cấp III, nhà cấp III thấp hơn nhà cấp II...), nhà ở nông thôn thấp hơn nhà ở đô thị.
(Theo GiadinhNet)
- 0
- By Admin
- 14/12/2010
- 17