Mễ Trì- Hà Nội: Dân mất ruộng, dự án bỏ hoang
Hàng trăm dự án tại Hà Nội được phê duyệt ồ ạt cách đây vài năm. Hàng chục nghìn người dân khấp khởi mừng thầm khi mảnh đất tổ tiên sắp biến thành những khu đô thị hiện đại, lộng lẫy. Thế nhưng, sự thật của câu chuyện này ra sao? Bức tranh dự án vàng, biệt thự, chung cư, trung tâm mua sắm xa hoa giờ thế nào?Những cánh đồng “ma”
Theo quá trình đô thị hóa, nhiều diện tích đất nông nghiệp đã được chuyển hóa. Nhiều làng quê đang dần thay da đổi thịt khoác lên mình những bộ cánh mới với những công trình của quá trình đô thị hóa.Theo thống kê, trong vòng 10 năm gần đây, Hà Nội có tới 11.000 ha đất, chủ yếu là nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp phục vụ cho hơn 1.700 dự án phát triển đô thị và công nghiệp. Từ những cánh đồng đã mọc lên hàng trăm những căn biệt thự, nhà liền kề nhưng rồi chỉ để… bỏ hoang trở thành những đô thị “ma” đầy ám ảnh.
Tại nhiều khu Mỹ Đình, Cổ Nhuế, Lê Văn Lương kéo dài... thay vào những chân ruộng cũ là nhan nhản các căn biệt thự, nhà liền kề bị bỏ hoang phủ đầy rác thải, um tùm cỏ dại.
Thay vào những chân ruộng cũ là nhan nhản các căn biệt thự, nhà liền kề bị bỏ hoang phủ đầy rác thải, um tùm bỏ dại. |
Cơn lốc đô thị hóa đã mang theo hàng loạt dự án khu công nghiệp (KCN) đến cho nhiều làng quê. Để phục vụ phát triển dự án từ năm 2001 – 2004, làng Gia Minh (Mê Linh – Hà Nội) thực hiện thu hồi đất nông nghiệp với quy mô lớn. KCN Quang Minh đã từng là điểm sáng trong các dự án được phát triển tại nhưng đến nay vẫn chưa thu hút được công nhân thậm chí Quang Minh còn nổi lên với hàng loạt biệt thự bỏ hoang. Tại nhiều khu của Từ Sơn (Bắc Ninh) cũng xuất hiện không ít những biệt thự “vô chủ” bị hoang hóa.
Theo báo cáo mới nhất của UBND thành phố Hà Nội, đến hết tháng 6, thành phố có khoảng 655 biệt thự và 574 nhà liền kề đã hoàn thành phần thô hoặc mặt ngoài nhưng chưa đưa vào sử dụng. Và phần lớn đất thu hồi cho những biệt thự và nhà liền kề là từ quỹ đất nông nghiệp chuyển đổi. Nhìn vào những con số và gắn vào thực tế, sự hiện diện của những đô thị “ma” trên những chân ruộng đang biến những cánh đồng đang trở thành những cánh đồng đô thị “ma”.
Ruộng “xôi đỗ” chỗ cấy chỗ hoang
Qua khảo sát tại địa bàn các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Gia Lâm nhiều diện tích đất nông nghiệp lâm vào cảnh “đồng không mông quạnh” hoặc ruộng “xôi đỗ” chỗ cấy, nơi bỏ hoang. Việc mọc lên các công trình, dự án nhưng không tính đến những diện tích nông nghiệp xung quanh dẫn tới việc phá hủy hệ thống thủy lợi đồng bộ gây khó cho việc sản xuất của người dân. Những cánh đồng bị xen kẹt giữa những công trình, những khu đô thị nên dù có muốn người dân cũng chỉ biết bỏ hoang đứng nhìn.Xã Mễ Trì – Từ Liêm hiện nay có khoảng 150ha đất nông nghiệp thì nhiều diện tích đã bị bỏ hoang. Qua nhiều cánh đồng sau các tòa cao ốc của xã nhiều nơi cỏ mọc cao hơn đầu người.
Chỉ nhanh về khu ruộng đang được trồng rau muống chị Nguyễn Thị Nhung (Mễ Trì – Từ Liêm) cho biết: “Mấy năm nay khu ruộng này thường bị ngập nước không trồng cấy được nữa nên chúng tôi chuyển sang trồng rau. Chỗ nào còn làm được thì làm còn không thì cũng phải bỏ”.
Nhiều diện tích đất nông nghiệp lâm vào cảnh “đồng không mông quạnh” hoặc ruộng “xôi đỗ” chỗ cấy, nơi bỏ hoang xen giữa những dự án. |
Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Hà Nội: “Việc phát triển chuyển hóa từ đất nông nghiệp sang đất phát triển đô thị thời gian vừa qua nhất là giai đoạn trước khi mở rộng là giai đoạn cao trào nhưng về mặt khách quan thì sau khi Hà Nội thực hiện mở rộng (năm 2008) thì việc quy hoạch lại khá xôi đỗ nên rõ ràng đòi hỏi chúng ta phải rà soát lại. Thu hồi đất nông nghiệp cho dự án, nhưng không đồng bộ tất yếu sẽ dẫn tới sản xuất nông nghiệp toàn vùng bị phá vỡ. Và thực tế, chính vì quy hoạch không đồng bộ trong thời gian qua dẫn đến tình trạng bỏ hoang ruộng đất”.
Cũng theo ông Nghiêm: “Với định hướng phát triển của Hà Nội là cấu trúc của một chùm đô thị thì rõ ràng bên cạnh việc rất chú trọng đến phát triển đô thị phải chú trọng đến phát triển nền nông nghiệp đô thị”.
Theo quy hoạch, tới năm 2020, số diện tích đất nông nghiệp của Thủ đô giảm để chuyển đổi mục đích lên tới gần 42.000 ha. Trong khi đó, quy hoạch sử dụng đất phi nông nghiệp đến năm 2020 của thành phố lên gần 179.000 ha, tăng gần 44.000 ha so với năm 2010. Cụ thể đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp là hơn 3.000 ha tăng hơn 1.250 ha so với năm 2010; đất khu, cụm công nghiệp lên 7.600 ha, tăng gần 3.300 ha; đất giao thông sẽ là gần 40.000ha, tăng gần 17.000ha so với năm 2010.
Bài toán về phát triển nông nghiệp đô thị vẫn là một câu hỏi khó khi đất ruộng bị bỏ hoang, nông dân thì chán ruộng...
(Theo Vland)
- 0
- By Admin
- 07/08/2012
- 17