• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Mátxcơva: Dân lo lắng trước lệnh thắt chặt quy định cho thuê nhà

Gia chủ lao đao

Theo các nguồn tin từ báo Komsomolskaya và Radio ngoại ô Mátxcơva ngày 22/3, lực lượng FMS (Cục Di trú Liên bang Nga) đi kèm cảnh sát khu vực từ nay được phép kiểm tra bất kì lúc nào các căn hộ cho thuê của người Nga. Nơi mà họ được cho là có thể tìm ra bất cứ lí do bất hợp pháp nào của các gia chủ, bởi từ lâu tình trạng cho thuê này đã là một vấn nạn gây thất thiệt cho ngân sách của nhà nước Nga hàng tỉ USD/năm.

Mátxcơva: Dân lo lắng trước lệnh thắt chặt quy định cho thuê nhà | ảnh 1
Những quảng cáo kiểu này nhan nhản trên đường phố Matxcơva

Theo con số thống kê, hiện tại ở Mátxcơva đang có khoảng hơn 100.000 căn hộ cho thuê, nhưng số hợp pháp chỉ khoảng hơn 6.000 căn.

Ngoài ra, đi kèm đó là kiểm tra vấn đề hộ khẩu, hộ chiếu của các cư dân nhập cư; các công trình xây dựng của các chủ nhân có hợp pháp hay không? Việc kiểm tra này còn nhằm phát hiện và ngăn chặn các nhóm khủng bố trà trộn ẩn náu.

Có thể nói tình trạng cho thuê căn hộ bất hợp pháp ở Mátxcơva hàng bao năm nay đã làm giàu một cách nhanh chóng cho các gia chủ. Ví dụ, căn hộ 2 buồng loại cấp thấp cho thuê với giá từ 30 đến 40 ngàn rúp/tháng (tương đương 1.000 đến 1.500 USD), trong khi nhà nước không thu được  xu nào bởi số tiền này đã nằm gọn trong túi tư nhân. Với thu nhập kiểu này, mỗi năm một gia chủ đã có được nguồn thu khoảng 18.000 USD.

Thông thường người Nga hiện tại nếu cho thuê thì toàn là những căn hộ đã cũ từ thời thập niên 60, 70, 80. Còn căn hộ dùng để ở thì được xây sau năm 90 trở đi. Nhưng cũng có rất nhiều căn hộ cao cấp được dùng để cho thuê với giá ngất ngưởng hàng chục ngàn USD/1 tháng.

Cũng vẫn có một số ít công ty tư nhân Nga tranh thủ “đục nước béo cò” đứng ra làm dịch vụ môi giới cho thuê, với con số khai báo thu nhập chẳng bao giờ chính xác. Các công ty này thường liên kết với các cơ quan dịch vụ người nước ngoài, cùng chung tay “bóp nặn” các khổ chủ để chia nhau số phần trăm hoa hồng.

Có thể bắt gặp nhan nhản ở khắp mọi nơi trên đường phố từ tường nhà, bến đợi xe tàu…đủ các kiểu quảng cáo cho thuê hoặc mua bán căn hộ trên vô số những tờ giấy in hoặc thậm chí chỉ là những mẩu giấy viết tay. Dĩ nhiên đây là dịch vụ cho thuê bất hợp pháp. Họ chẳng bao giờ khai báo với chính quyền. Nhà chức trách muốn dò tìm họ qua số điện thoại? Xin mời, nhưng liệu có đủ lực lượng FMS và cảnh sát để truy tìm không?

Đấy là còn chưa nói đến hiện tượng có những cảnh sát khu vực biến chất đã từ lâu là người ăn lương 2 mang. Không những thế họ còn có thể bảo kê cho cả 2 phía cho thuê và được thuê (thông thường với  mức khoảng 2.000 đến 3.000 rúp/1tháng/1 căn hộ/mỗi phía). Đây là điều gây  trở ngại nhất cho chính quyền.

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, chính quyền tất nhiên cũng đã có cách đối phó. Họ sẽ kiểm tra đột xuất vào các thời điểm mà không thông báo cho cảnh sát khu vực. Cảnh sát khu vực nếu bị phát hiện bao che sẽ bị kỉ luật nghiêm khắc. Số tiền phạt các gia chủ khi bị phát hiện gian lận sẽ rất nặng - tới 300 %. dựa trên số tiền trốn thuế. Chưa nói tới nguy cơ bị truy tố trước pháp luật – điều mà các gia chủ vi phạm rất ngán.

Mátxcơva: Dân lo lắng trước lệnh thắt chặt quy định cho thuê nhà | ảnh 2
Khách sạn Mekong

Người thuê lúng túng

Thực tình mà nói, tình trạng kiểm tra các căn hộ cho thuê gắt gao của chính quyền, nếu thực thi nghiêm túc, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của những người nhập cư. Trong đó bà con người Việt tại Nga chiếm con số không ít, vào khoảng từ 35 đến 40 %.  Phần đông khác còn lại chủ yếu ở các chung cư (“ốp”) và khách sạn do người Việt lập ra hoặc các khu khác.

Người Việt ở Mátxcơva lâu nay thuê căn hộ để tá túc vốn đã phải chấp nhận nhiều rủi ro, từ việc luôn phải “nhún nhường” với gia chủ trong chuyện giá cả và sinh hoạt để được yên thân, tới phải “đối phó” (bằng lệ phí hàng tháng) với cảnh sát khu vực… Đấy là còn chưa kể tới tệ nạn tiêu cực về an ninh trên đường phố luôn có thể xảy ra nữa.

Ở nhiều căn hộ có bà con người Việt ở thuê, khi chúng tôi đến chơi còn phải tuân theo “luật” đi khẽ nói khẽ hoặc đi im về lặng, tránh để hàng xóm biết, bởi chủ nhà không muốn bị họ báo nhà chức trách đến sẽ gây khó khăn.Trên thực tế đã nhiều người vấp phải chuyện đó mà phải chuyển nhà. Quả là tốn kém và mất cả tự do!

Đó là còn chưa nói tới việc nhằm giảm chi phí,  người Việt thường buộc phải ở ghép dù qui định khi thuê nhà chỉ được phép ở tối đa từ 4 đến 6 người/căn hộ 2 hoặc 3 buồng (theo tiêu chuẩn 12 mét vuông/1 người). Cũng là cực chẳng đã và rồi lại phải… đối phó.

Một nguy cơ tiềm ẩn khác nữa là nếu lực lượng FMS khám xét căn hộ mà phát hiện bà con hộ khẩu có vấn đề thì đúng là “họa vô đơn chí”.

Trước mắt, họ đang đối mặt với tình trạng chủ nhà tăng giá thuê căn hộ trong nay mai bởi đó là điều khó tránh khỏi. Không những thế, không ít gia chủ do lo sợ trước việc bị nhà chức trách kiểm tra và ngại va chạm đến pháp luật, nên đã tự ý phá hủy hợp đồng trước thời hạn gây thêm khó khăn cho người thuê nhà.

Theo chúng tôi, trước mắt là bà con ta cần tìm những nơi an toàn và có giá cả phù hợp hơn chút ít. Đây là “phương thuốc” hữu hiệu nhất để ổn định nơi ăn chốn ở trong tình hình mới. Ví dụ, bà con có thể thuê phòng ở các khách sạn như Mekong, hoặc tại các “ốp” và các khu ở khác tốt hơn do người Việt tổ chức.  Bởi ở khu chung cư ngoài vừa an toàn và thuận lợi, vừa còn có sự gắn bó hơn trong sinh hoạt với cộng đồng.

(Theo Dân trí)

  • 182
  • By Admin
  • 28/03/2011
  • 17