• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Mất tiền thật khi mua nhà ảo

Về mặt tích cực, việc khơi nguồn vốn trong dân vẫn là một biện pháp giải quyết vốn cho thị trường BĐS có chỗ đứng trong đời sống thực tế, mang lại lợi ích cho cả nhà đầu tư lẫn người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trên thực tế việc huy động vốn và mua bán nhà trả trước trong các dự án còn nhiều bất cập và tiềm ẩn nguy cơ bất ổn cho xã hội. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, quy định của pháp luật là sau khi khởi công móng mới được phép huy động vốn nhưng thực tế đã xuất hiện nhiều biến tướng. Có chủ đầu tư huy động vốn cho dự án A nhưng không tập trung vào đó mà lại mang đi đấu giá tại dự án B, thậm chí “trèo” cả sang dự án C.

Một điều dễ thấy, trong hợp đồng mua - bán căn hộ giữa chủ đầu tư và khách hàng chỉ ràng buộc bên mua (khách hàng). Trong khi đó, chủ đầu tư tự đưa ra những đặc quyền như: “Bên bán sẽ không bị coi là vi phạm hợp đồng khi bị chậm tiến độ hay không thực hiện được các nghĩa vụ theo hợp đồng do những thay đổi các quy định hiện hành”. Theo các chuyên gia, với điều khoản này, chủ đầu tư dự án đã đẩy toàn bộ các rủi ro cho các khách hàng. GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, đó là những rủi ro về chất lượng, về tiến độ, về giá trị, về thủ tục cấp giấy chứng nhận, chủ đầu tư đòi thêm tiền so với mức cam kết trong hợp đồng, chủ đầu tư chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư khác mà người mua không biết...

Một ví dụ điển hình, hợp đồng mua-bán căn hộ số 309-B/HĐMB- E1 giữa ông Nguyễn Xuân H. với Cty Xây dựng dân dụng (ngõ 292 Văn Chương, Khâm Thiên, Hà Nội) xác định ngày 23/3/2010 là thời điểm cuối cùng chủ đầu tư Dự án E1B-KĐTM Yên Hoà, Hà Nội (có tên là Chelsea Park) phải bàn giao nhà cho khách hàng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tức là quá thời gian trên hơn 1 năm, căn hộ trị giá hơn 1,5 tỷ đồng vẫn “bặt vô âm tín”.

Còn nhớ, tháng 4 vừa qua, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã bắt Trần Xuân Phú, xưng là Giám đốc Cty Indochina; Tạ Tất Toàn - Chủ tịch HĐQT; Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc; La Quốc Đạt - Phó giám đốc Cty CP Đầu tư phát triển Đài Việt vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mua bán BĐS ảo tại dự án Dương Nội, Hà Đông khiến nhiều người dân “tiền mất, tật oan”.

Một vụ án lừa đảo khác tại dự án đô thị Thanh Hà A-B. Trần Hồng Việt, 35 tuổi, trú ở đường Xuân Diệu, Q.Tây Hồ, Hà Nội - đã thành lập Cty CP Thương mại quốc tế Hương Việt, tự giới thiệu Cty của mình đang đầu tư vào dự án KĐT Thanh Hà. Hợp đồng do Việt thảo ra, trong đó cam kết sau thời gian nhận tiền đặt cọc từ 7 - 20 ngày sẽ dẫn người mua vào ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư. Hám lợi, nhiều người đã nộp tiền cho Việt với tổng giá trị lên tới 36,5 tỷ đồng, để rồi mua được những căn hộ không bao giờ có thực.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia BĐS, để tránh mua nhà ảo, mất tiền thật, người mua nhà nên chọn những chủ đầu tư có năng lực tài chính. Thay vì mua nhà trên giấy, chịu nhiều rủi ro mà giá căn hộ cũng không phải là rẻ, khách hàng nên chọn những dự án đang thi công đúng như tiến độ cam kết của chủ đầu tư.

Ở góc độ khác, GS.TSKH Đặng Hùng Võ khẳng định, vốn từ tiền tiết kiệm, tiền nhàn rỗi trong dân là nguồn vốn có tiềm năng với thị trường BĐS. Tuy nhiên, theo ông Võ, muốn nguồn vốn này ổn định, hệ thống quản lý phải đưa ra được hành lang pháp lý để hạn chế rủi ro cho người mua. “Khi hạn chế cao nhất được các rủi ro thì giải pháp gọi vốn từ dân mới thực sự là một luồng vốn ổn định cho thị trường BĐS. Điều đó vừa có lợi cho chủ đầu tư vừa đảm bảo được quyền lợi người tiêu dùng”- GS Đặng Hùng Võ nói.

Tại Pháp, việc mua tài sản hình thành trong tương lai được xem là hợp pháp. Đây là loại giao dịch bắt buộc phải có công chứng thì hợp đồng mới có hiệu lực và pháp luật nghiêng về phía bên mua, bảo đảm quyền lợi của bên mua vì họ đã trả tiền trước cho một tài sản chưa có trên thực tế. Việc thanh toán tiền nhà theo tiến độ xây dựng và phải có ý kiến xác nhận của các chuyên gia về xây dựng.

(Theo xaydung)

  • 0
  • By Admin
  • 05/05/2011
  • 17