Mất đất nông nghiệp thì lấy gì xây nông thôn mới?
Mùa vàng trên đất vàng
Chúng tôi đến xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, (Cao Bằng), vào một ngày hè giữa tháng bảy. Đi cùng chúng tôi đến cánh đồng Bản Um – Pác Háo là ông Tô Đình Hải, phó bí thư xã Tam Kim, nguyên chủ tịch UBND xã – người từng tuyên bố sẵn sàng từ chức để cùng bà con đấu tranh giữ đất nông nghiệp. Chỉ tay ra cánh đồng, ông Hải nói: “Vụ mùa này bội thu, vụ thứ bảy kể từ ngày chúng tôi đấu tranh kiên quyết không cho UBND tỉnh Cao Bằng lấy đất nông nghiệp để cho công ty ASEAN trúng thầu thuê gần 13 hecta đất ruộng Bản Um – Pác Háo để khai thác vàng đấy”. Ông Hải khoe: “Còn đất là còn “vàng” anh ạ. Đất ở đây tốt nên chẳng mấy khi mất mùa. Cả xã hầu như nhà nào cũng sắm được máy cày rồi. Riêng thôn Pắc Dài này có 84 hộ thì tất cả đều có xe công nông, máy cày, bừa, gặt đập…”Dưới cánh đồng Bản Um – Pác Háo có nhiều vàng. Các cụ trong vùng kể lại, trước đây khi đào mấy gốc tre bên cạnh cánh đồng Pác Háo thấy cả hầm chôn dao, kiếm đúc bằng vàng, đồng có niên đại từ thời tiền sử đồ đồng. Thời Pháp thuộc, dòng suối ở đây bị khai thác lấy vàng lộ thiên. Gần đây, đàn vịt của dân bản thả trên dòng suối Bản Um ăn phải cả kim loại vàng. Khi mổ vịt, người ta thấy trong diều vịt có hạt vàng to bằng hạt tấm. Các cụ Nông Văn Tuấn, Nông Thị Liên nói: “Từ khi còn nhỏ, cha, mẹ, người già trong bản răn dạy không được đào đất ruộng, đào lòng suối tìm vàng. Ai vi phạm thì bị phạt nặng và đuổi ra khỏi làng. Vì thế, từ xưa đến nay trên các cánh đồng chưa có ai dám đào một hố nào để tìm vàng. Năm 1994 – 1998, từng đoàn người tứ xứ khoảng 2.000 – 3.000 người đến xã Tam Kim, tràn vào cả làng Pắc Dài để đào bới đất tìm vàng. Dân làng kiên quyết xua đuổi, đoàn người hung hãn kia phải bỏ đi”.
Giữ đất để có cái mà xây dựng nông thôn mới
Thôn Pắc Dài nằm trọn trong một thung lũng khá bằng phẳng của xã Tam Kim (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), đất đai phì nhiêu, màu mỡ. Người dân nơi thôn Pắc Dài đều biết rõ rằng dưới những thửa ruộng kia có rất nhiều vàng sa khoáng. Nhưng, vì để giữ đất, giữ ruộng, họ không đưa máy móc vào khai thác vàng trên những thửa ruộng đó.Năm 2008, trong một lần đi công tác tại thị xã Cao Bằng, ông Hải (khi đó là chủ tịch xã) té ngửa khi hay tin toàn bộ khu đất gần 13 hecta đất nông nghiệp tại thôn Pắc Dài đã được tỉnh cấp cho một doanh nghiệp để khai thác vàng trong vòng hai năm. Ông Nông Văn Tuyền – lúc bấy giờ là bí thư chi bộ kể: “Họp chi bộ, 34 đảng viên không nhất trí việc thu hồi đất và cùng ký vào biên bản cuộc họp. Tôi cũng nói với ông Hải là dù tôi và ông là bí thư chi bộ, là chủ tịch xã thì cũng là người làng, phải thực hiện giữ đất như đã quy định trong hương ước. Đảng uỷ có cách chức bí thư chi bộ, tôi cũng chịu”. Còn ông Hải cho biết: “Tôi là người làng, nếu chỉ đạo quyết liệt, ép bà con nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng thì hoá ra tôi phản bội lại hương ước...”
Và ông Hải đã báo cáo lên cấp trên rằng, dân làng kiên quyết không nhận tiền đền bù thu hồi đất. Công ty ASEAN khi ấy cử người đến tận nhà ông Hải làm công tác “dân vận”, nhưng mỗi lần “vị khách không mời mà đến” xuất hiện, vợ ông ngăn lại từ ngoài cổng. Người của công ty tìm đến trụ sở UBND xã thì lãnh đạo xã luôn “đi vắng đột xuất”. Không có ai tiếp, họ để túi quà và phong bì “vô cớ” giữa phòng khách. Ông Hải mời đại diện mặt trận tổ quốc xã xuống kiểm tra túi quà, sung công quỹ. Sau đó, công ty ASEAN mời bà con đi học tập kinh nghiệm hoàn thổ và tạo việc làm khi thực hiện dự án tại tỉnh Bắc Kạn. Ông và hơn 20 người trong làng đi. Đến nơi, tận mắt nhìn cảnh đồi núi, đồng ruộng huyện Na Rì (Bắc Kạn) bị đào bới, ruộng thành ao tù, nước đọng hôi hám, ông sợ phát sốt. Ông nghĩ nếu đất làng mình rơi vào thảm cảnh này, suốt đời ông có tội với dân làng!
Lãnh đạo huyện sau đó rất nhiều lần mời ông lên vận động, giải thích, nhưng ông nói thẳng: “Nếu lãnh đạo bảo sẽ cách chức vì tôi không hoàn thành nhiệm vụ do cấp trên giao phó, tôi chấp nhận. Nhưng cách chức tôi xong thì phải ngừng không cho doanh nghiệp làm vàng nữa. Ở miền núi như thế này, tìm một cánh đồng trù phú rộng hơn 13 hecta khó lắm”. Bốn năm qua, bà con thôn Pắc Dài vẫn kiên quyết giữ đất khiến công ty ASEAN không triển khai được dự án. 13 hecta đất nông nghiệp của Pắc Dài còn nguyên vẹn. Hiện nay, chính quyền tỉnh Cao Bằng đang tính đến phương án phải trả lại số tiền 4 tỉ đồng mà công ty ASEAN đã nộp.
Rời Tam Kim, tôi cứ nhớ hoài câu nói của phó bí thư Đảng uỷ xã Tô Đình Hải: “Còn đất nông nghiệp thì mới xây dựng nông thôn mới chứ mất đất rồi lấy gì mà xây...?”
(Theo SGTT)
- 0
- By Admin
- 15/07/2011
- 17