• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Mất chục triệu đồng chỉ để đo vẽ nhà đất khi xin cấp GCN

Nhằm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân được giao đất và theo nghị quyết của Quốc hội, tháng 6/2009, UBND Tp.HCM đã ban hành quyết định về việc tổ chức triển khai thực hiện.

Từ kế hoạch này, năm 2010, cả thành phố đã thực hiện cấp mới được 108.000 GCN quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất và 2.112 GCN cho các dự án được giao đất, cho thuê đất của các tổ chức. Việc này không chỉ giúp tổ chức, cá nhân được giao đất yên tâm hơn với tài sản của mình mà còn góp phần kích cầu được hàng loạt các vấn đề liên quan như tăng nguồn thu ngân sách, kích thích chuyển nhượng BĐS… Tuy nhiên, xung quanh việc thực hiện các thủ tục cấp GCN quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất vẫn còn quá nhiều chuyện phiền toái, gây tốn kém cho người dân và khiến ngân sách thất thu.

Mất chục triệu đồng chỉ để đo vẽ nhà đất khi xin cấp GCN | 1
Người dân chờ nộp và được hướng dẫn hồ sơ về nhà đất. Ảnh: Đ.T.

Tốn tiền nhiều lần để thuê đo vẽ

Theo quy định hiện nay, từ khi chuẩn bị hồ sơ để cấp GCN quyền sử dụng đất tới khi được cấp GCN gắn liền với đất là nhà ở, công trình kiến trúc, người dân phải trải qua tới 4 lần đo vẽ.

Lần đầu là bản vẽ sơ đồ địa chính thửa đất để in trên GCN quyền sử dụng đất.

Tiếp đó, khi muốn xin giấy phép xây dựng, chủ đất tiếp tục phải nộp bản vẽ kiến trúc trên có in họa đồ giải thửa, họa đồ vị trí thửa đất và sơ đồ chỉ dẫn.

Đến lúc thực hiện hoàn công xây dựng, bản vẽ hoàn công do người dân nộp tiếp tục được cơ quan chuyên môn của cấp quận, huyện cho in lại các thông tin này.

Nhưng chưa xong, khi đã hoàn công và xin cấp số nhà, muốn thực hiện đổi GCN có ghi thêm phần tài sản mới hình thành trên đất này, lại một lần nữa người dân phải thuê đơn vị có chức năng đo vẽ lại.

Ông Bảy Được, một người dân ở phường 14, Gò Vấp phản ánh: Thấy thông tin về việc không phải đo vẽ lại và nộp bản vẽ khi xin cấp đổi GCN, tôi mang nộp hồ sơ xin đổi sổ đất để ghi thêm căn nhà vừa xây xong, cán bộ tiếp nhận hồ sơ của UBND quận Gò Vấp yêu cầu tiến hành đo vẽ lại với lý do bản vẽ hoàn công chỉ phục vụ cho công tác… hoàn công. Phải nộp thêm bản đo vẽ lại này thì mới có thông tin về căn nhà để in vào GCN. Trong khi đó, trên sổ hồng nhà đất cũng có y chang các thông tin về tọa độ góc ranh, kiến trúc căn nhà, họa đồ vị trí thửa đất… như trong các loại bản vẽ tôi đã có sẵn. Vậy tại sao trên bản vẽ cấp phép xây dựng hoặc trên bản vẽ hoàn công không yêu cầu ghi đầy đủ các thông tin trên một lần luôn để phục vụ việc cấp đổi GCN nhà đất sau này luôn cho người dân để chúng tôi khỏi tốn thêm tiền, mất thêm thời gian chờ đợi đo vẽ? - Ông Bảy Được nêu thắc mắc.

Tham khảo giá tiền công đo vẽ trên hợp đồng của một doanh nghiệp với người dân là 10 ngàn đồng/m2 sàn xây dựng; 5 ngàn đồng/m2 sân thượng… Chúng tôi nhận thấy, tiền công đo vẽ một căn nhà có diện tích 300m2 đã có thể lên tới gần 3 triệu đồng/bản vẽ. Với 4 lần nộp bản vẽ từ lúc làm sổ đất đến khi đi đổi sổ hồng có nhà trên đất, chỉ riêng khoản này người dân đã phải tốn kém cả chục triệu đồng.

Liên quan tới chuyện bản vẽ, mặc dù kể từ ngày 15/10/2010, quyết định bãi bỏ thủ tục "Xác nhận bản vẽ hiện trạng nhà đất" trong bộ thủ tục hành chính chung áp dụng cho cấp quận, huyện do UBND Tp.HCM ban hành đã có hiệu lực. Bởi đơn giản một điều là pháp nhân đo vẽ phải chịu trách nhiệm về tính chính xác đối với các thông tin do mình thể hiện trên bản vẽ. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian gần đây người dân vẫn bức xúc khi một số quận nhất quyết không chịu bỏ quyền "Kiểm tra nội nghiệp" trên bản vẽ. Việc này dẫn tới tình trạng doanh nghiệp vẽ xong phải gửi bản vẽ vào cho cán bộ Phòng Quản lý đô thị xem xét, sau đó bản vẽ mới được chuyển lại cho đại diện pháp nhân đo vẽ ký tên, đóng dấu. Và với tình trạng này, không phải bản vẽ của doanh nghiệp đo vẽ nào cũng có thể dễ dàng qua được "cửa ải" kiểm tra nội nghiệp.

Nhiêu khê nên dễ thất thu thuế

Từ số GCN được cấp nêu trên, trong năm 2010, Tp.HCM cũng đã tiến hành cấp ra 30.637 giấy phép xây dựng, tăng hơn 10% so với năm trước. Việc đồng loạt cấp GCN quyền sử dụng đất rồi giấy phép xây dựng tạo những nguồn thu rất lớn cho ngân sách. Bởi để được cấp GCN, người dân, doanh nghiệp phải nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất. Đây cũng chính là yếu tố thúc đẩy giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà đất để ngân sách tiếp tục thu được khoản thuế chuyển nhượng, nhất là với thị trường BĐS luôn sôi động và chiếm tới 1/2 giao dịch của cả nước.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong khi nhiều người mua bán, chuyển nhượng nhà đất đều không hiểu về thủ tục, giấy tờ hồ sơ, phải qua dịch vụ hoặc nhờ "cò" thì mục đích khai gian dối, thấp giá trị giao dịch nhằm trốn thuế không gì khác hơn là dùng số tiền này để trả công cho dịch vụ, cho "cò" lo thủ tục công chứng, cấp đổi GCN.

Chỉ cần ngồi một buổi tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ thuộc Văn phòng UBND quận, Chi cục Thuế, Phòng Công chứng… chúng tôi đã nhận diện được một loạt nhân viên của các dịch vụ chạy giấy tờ hợp pháp, tức có giấy ủy quyền của chủ đất đàng hoàng.

Thời điểm ông T.V.B. ở một con hẻm trên đường Phạm Văn Chiêu, phường 9, Gò Vấp mua nền đất tại đây để xây nhà, giá trị giao dịch thực lên tới hơn 800 triệu đồng. Tuy nhiên, trong hợp đồng mua bán 2 bên chỉ thống nhất ghi có 100 triệu đồng để giảm khoản thuế phải nộp. Tình trạng cùng một khu vực, thậm chí là cùng một thửa đất nhưng chỉ cách nhau thời gian rất ngắn, người này khai giá mua thấp hơn người kia vài lần không phải hiếm. Chi cục Thuế dù có biết cũng chẳng thể làm gì hơn bởi số tiền mua bán đã ghi rành rành trên hợp đồng, cùng lắm cũng chỉ có thể chống thất thu bằng cách áp mức thuế theo giá đất thành phố quy định đang thấp hơn nhiều lần so với thực tế.

(Theo CAND)

  • 0
  • By Admin
  • 18/01/2011
  • 17