Ma trận giá nhà đất phía Tây Hà Nội
Theo công bố của UBND Thành phố, Hà Nội có 1.170 đường phố, trục giao thông chính tại các quận huyện, thị xã và mức giá cao nhất là 81 triệu đồng mỗi m2 thuộc về các phố Hàng Ngang, Hàng Đào. Nhưng thực tế, giá đất tại các khu vực này lên tới hàng trăm triệu đồng, gấp hàng chục lần so với quy định của Nhà nước. Nếu căn cứ vào khung giá đất nhà nước để mua nhà thì khách hàng chỉ được phen "tẽn tò".Theo tìm hiểu của VnExpress.net, trong vòng 2 tháng trở lại đây giá đất khu vực phía Tây quanh đường Lê Văn Lương đã thiết lập mặt bằng giá mới. Đất nền Vân Canh đường to 17 m giá lên tới 41-43 triệu đồng mỗi m2, đường nhỏ 12 m giá mềm hơn khoảng 34-35 triệu đồng. Trong 3 tháng, đất khu vực này đã tăng 5 triệu đồng mỗi m2. Geleximco khu C, D giá cũng được "hét" tới hơn 50 triệu đồng mỗi m2, tăng 10 triệu trong vòng 4 tháng. Làng Việt Kiều Châu Âu cũng lên tới 105 triệu đồng mỗi m2.
Bên cạnh đó, giá nhà đất bán thương mại cũng loạn giá bởi qua tay nhiều môi giới thì mỗi nơi "hét" một kiểu. Chị Hạnh Lê (Hà Đông) cho biết, cuối tuần vừa qua chị vừa hỏi một căn hộ chung cư ở Văn Khê thì được thông báo 24 triệu đồng mỗi m2. Qua sàn khác hỏi, đã thấy cũng căn hộ đó chào với giá 26 triệu đồng. "Không biết đâu mới là giá thực mà chủ nhà rao bán", chị Lê than.
Quá trình mua bán vòng vèo đẩy giá đất Hà Nội lên cao. Ảnh: Hoàng Hà. |
May mắn hơn chị Lê, Anh Nguyễn Đào sau gần một năm tìm hiểu cũng đã mua được một căn hộ chung cư rộng 100 m2 ở khu đô thị mới Phùng Khoang. Mặc dù giao dịch với giá 23 triệu đồng mỗi m2 song hợp đồng chỉ ghi giá gốc 19 triệu đồng. Để mua được căn hộ này, anh đã phải qua tới 3 lần môi giới với giá chênh 400 triệu đồng.
Một môi giới tại khu vực Mỹ Đình cho hay, chuyện giá nhà đất mỗi nơi một kiểu là chuyện "cơm bữa". Bởi thực tế, mỗi căn hộ cần bán sẽ qua các kênh trung gian khác nhau và qua mỗi kênh, giá lại bị đẩy lên để môi giới hưởng chênh lệch.
Vị môi giới này tiết lộ, ngay ở khu vực Mỹ Đình, hai nhà sát vách nhau, mặt tiền như nhau, duy chỉ có diện tích khác nhau cũng đã chênh nhau đến hơn 10 triệu đồng mỗi m2. Chủ nhà đưa ra giá gốc và các môi giới thi nhau chào giá, ai bán chênh thấp thì nhanh chóng đẩy được hàng. Càng để lâu và qua nhiều kênh, giá đất càng bị thổi cao.
Khu vực Mỹ Đình, giá đất mặt đường Lê Đức Thọ hiện nay đã lên tới hơn 300 triệu đồng/m2 thậm chí có mảnh ở vị trí đắc địa đã lên tới 350 triệu đồng/m2.
Giá đất trong ngõ (thuộc các làng Phú Đô, Tân Mỹ, Nhân Mỹ, Phú Mỹ, Đình Thôn) ôtô vào được thì có giá 70 đến 100 triệu đồng/m2, thấp hơn cũng phải 50 đến 60 triệu đồng /m2.
Chị Huệ, một nhân viên kinh doanh tại sàn giao dịch BĐS Hồng Hà trên đường Lê Đức Thọ cho biết, giao dịch hiện nay khá trầm lắng, nhưng giá đất quanh khu vực Mỹ Đình vẫn đang tăng cao. Nhân viên này cũng cho biết thêm, không thể báo trước giá một cách chính xác cho khách hàng bởi vì nay mai giá sẽ có biến động mới.
Gần khu vực này, vào thời điểm đầu năm nay, giá đất ở các làng tại khu vực Mễ Trì chỉ từ 30 - 40 triệu đồng/m2 thì bây giờ giá thấp nhất ở thôn Mễ Trì hạ cũng từ 40 – 60 triệu đồng/m2, Mễ Trì thượng đường ô tô vào được cũng dao động từ 80 đến hơn 100 triệu đồng/m2, thấp hơn cũng có giá lên tới 60 – 70 triệu đồng/m2.
Cẩn trọng với “đất vàng”
Mặc dù giá đất khu vực Mỹ Đình, Mễ Trì… thời gian qua liên tục tăng giá và hứa hẹn thiết lập mặt bằng giá mới nhưng thực tế số giao dịch thành công trên thị trường lại rất hạn chế. Bởi giá đất đã bị đẩy lên quá cao so với sức mua của người dân.
Những nhà đầu tư “có máu mặt” đã gom đất từ khi nghe tin tức giá đất mới lên và khi thiết lập mặt bằng giá mới, các nhà đầu tư này chỉ bán lại một phần nhỏ và nay đang “ghìm” lại không bán nữa, một giám đốc sàn BĐS tại đây cho biết.
Vị giám đốc này còn cho biết thêm, giá đất tăng cao như vậy cũng là do thông tin từ “người bán” rao lên. Việc nhà đầu tư bán lại qua 3-5 khâu trung gian mới đến tay người có nhu cầu thực nên giá đất quanh khu vực Mỹ Đình bị đẩy lên cao không kém gì trong nội thành. Tuy vậy, nhiều người dân trong làng không biết giá đất biến động từng ngày, hôm sau đã cao hơn hôm trước nên nếu chịu khó tìm vẫn có thể kiếm được mảnh “giá mềm” hơn so với giá tại các sàn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi sàn giao dịch lại có mức giá khác nhau, việc mua đi bán lại mỗi mảnh đất đều được “hét giá” không theo bất cứ cơ sở nào. Thường thì giao dịch tại sàn sẽ cao hơn giao dịch với các “cò” tự do khoảng từ 3- 5triệu/m2, nhưng mức độ chuyên nghiệp và yên tâm tại các sàn sẽ cao hơn rất nhiều.
Lý do được các “cò” đưa ra khi giá đất tăng giá là do các làng quanh khu vực Mỹ Đình đất đã bán gần hết cho các nhà đầu tư “có máu mặt”, vì thế hiện nay rất “khan hàng”. Tuy nhiên, nhiều người am hiểu về BĐS lại cho rằng, đây là “chiêu” đẩy giá đất lên cao. Khi giá đất đang trên đà tăng giá, các “cò” đất sẽ cung hàng "nhỏ giọt ",đồng thời sẽ hợp tác “ghim” giá rồi đẩy giá lên cao để thiết lập mặt bằng giá mới.
Trong thời điểm hiện tại, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng với đất tại khu vực này còn những người thực sự có nhu cầu mua đất làm nhà chỉ còn cách chịu khó tìm hiểu thông tin và đi xa các khu vực đất đang “sốt” bởi giao dịch bất động sản luôn tiềm ẩn rủi ro cao nhất là khi thị trường rơi vào tình trạng sốt nóng.
Giá đất Hà Nội đang quá cao
Ông Phạm Thanh Hưng, Tổng giám đốc Công ty Thẩm định giá thế kỷ cho biết, giá đất thực tế đang cao và "nhiễu" ở các mức giá khác nhau. Thực tế, khung giá đất được công bố hằng năm, một trong những căn cứ quan trọng để người dân xác định giá trị đất của từng khu vực, chỉ mang tính chất tham khảo, tính thuế, nộp tiền sử dụng đất và thực hiện một số nghĩa vụ về tài chính liên quan đến đất đai.
Theo ông Hưng, mặc dù cố gắng đưa khung giá đất sát mức thị trường song đây chỉ là cuộc "rượt đuổi" mà phần thắng thuộc về thị trường. Khung giá đất luôn luôn chạy sau giá thị trường. Ông Hưng phân tích, giả sử giá đất hàng năm được công bố khoảng 10 triệu, thì giá trên thị trường đã vọt lên tới 15 triệu đồng. Năm sau khung giá đất lên tới 15 triệu để sát thị trường thì thì thực tế lại lên tới 20-25 triệu đồng mỗi m2. Giá nhà đất ngày một tăng cao, mỗi nơi lại niêm yết một kiểu khiến người mua như bị đẩy vào tình thế đánh đố.
Tại một cuộc họp báo gần đây, thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng thẳng thắn thừa nhận, giá đất của Hà Nội đang quá cao so với khả năng chi trả của nhiều người. Mỗi người dân với mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng mỗi tháng không thể mua được căn nhà giá rẻ trị giá 500-600 triệu đồng chứ đừng nói đến nhà ở thương mại.
Quản lý đất đai thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên Môi Trường, Bộ Tài chính, và Bộ Xây dựng. Giá đất đang quá cao và mỗi nơi chào một mức, song vị thứ trưởng này cho rằng, không thể kiểm soát được giá thành cũng như giá bán của doanh nghiệp. Trong vai trò quản lý Nhà nước và từng làm doanh nghiệp 30 năm, vị thứ trưởng nhận định, đối với một số lĩnh vực, quan niệm kiểm soát giá đã trở nên lạc hậu. Thời bao cấp, nhà nước quy định lợi nhuận định mức và doanh nghiệp không thể bán quá lợi nhuận cho phép.
Nay giá trên thị trường phụ thuộc vào quan hệ cung cầu, thuận mua vừa bán. Cơ quan quản lý không thể "ép" doanh nghiệp bán ở một mức giá nhất định. "Biện pháp cơ bản nhất vẫn là mở rộng nguồn cung để khách hàng có nhiều lựa chọn đồng thời hạn chế tình trạng mua bán vòng vèo bằng cách bắt giao dịch qua sàn", vị thứ trưởng nói.
(Theo Vnexpress,Tamnhin)
- 0
- By Admin
- 18/11/2010
- 17