• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

M&A bất động sản tiếp tục "nổi sóng"

Khối nội vẫn chiếm ưu thế

Trong một lần chia sẻ với báo giới gần đây về chiến lược phát triển của Tập đoàn mình, ông Bùi Cao Nhật Quân - PTGĐ của Tập đoàn Novaland cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, Novaland đã thâu tóm khoảng 10 dự án bất động sản tại Tp.HCM, chủ yếu là của các doanh nghiệp nội.

Mới đây tập đoàn này cũng vừa công bố 7/10 số dự án thâu tóm (hoàn thiện pháp lý) ra thị trường, chủ yếu thuộc phân khúc căn hộ, nằm ở khu Tây và Nam Tp.HCM.

Thương vụ đáng chú nhất có lẽ là việc Novaland vừa trở thành đối tác phát triển dự án trên "khu đất vàng" số 6 Hai Bà Trưng, Q.1 (được biết đến là Nhà máy bia Sài Gòn). Các thông tin chi tiết về thương vụ này hiện vẫn chưa được tiết lộ.

Cũng trong tháng 9, Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh (Hung Thinh Corp) đã chính thức công bố dự án căn hộ kết hợp trung tâm thương mại Vung Tau Melody. Dự án này là kết quả hợp tác giữa Hung Thinh Corp và Công ty CP Xây dựng và Phát triển Đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (UDEC).

M&A bất động sản
Các thương vụ M&A bất động sản vẫn âm thầm diễn ra trên thị trường, đặc biệt là tại Tp.HCM 

Ông Nguyễn Văn Cường - PTGĐ Thường trực của Hung Thinh Corp cho biết, việc đưa tuyến cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây vào hoạt động (rút ngắn khoảng cách từ Tp.HCM đi Vũng Tàu chỉ còn 1 giờ 20 phút, trước đây là 2 giờ 30 phút) đã có tác động tích cực đến thị trường BĐS ở Vũng Tàu.

Theo doanh nghiệp này, bên cạnh biệt thự và đất nền vốn là sản phẩm truyên thống, căn hộ tại Vũng Tàu hiện đang trở thành xu hướng lựa chọn của những gia đình có nhu cầu sở hữu căn nhà thứ hai, dùng để nghỉ dưỡng cuối tuần kết hợp đầu tư cho thuê (khách du lịch lẫn các chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Vũng Tàu).

Do đó, Hung Thinh Corp quyết định chọn Vũng Tàu để mở rộng chiến lược kinh doanh cùng với Tp.HCM và một khu vực miền Trung.

Được biết, từ nửa cuối năm 2014 đến nay, tập đoàn này cũng đã thực hiện nhiều thương vụ M&A bằng hình thức mua lại toàn bộ dự án hoặc hợp tác cùng phát triển dự án, trong đó có thương vụ mua lại dự án căn hộ tại số 16 Âu Cơ, Q.Tân Phú (đổi tên thành dự án Melody Residence), dự án số 10 Phổ Quang, Q.Tân Bình (đổi tên thành dự án Sky Center), hay dự án Florita ở Q.7...

Thời gian tới, Hưng Thịnh cho biết sẽ còn giới thiệu thêm một số dự án mới, trong đó dự án nằm trên trục đường Nguyễn Hữu Thọ (khu Nam Thành phố) được mua lại từ một doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh phương án "mua đứt" toàn bộ dự án, hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản lại có xu hướng chọn kiểu "bắt tay cùng phát triển", phát huy tối đa lợi thế một bên có đất, một bên có kinh nghiệm phát triển dự án (giám sát thi công, giải pháp thiết kế, tài chính,...) đồng thời tổ chức đội ngũ, quản lý bán hàng tốt để sau này cùng nhau khai thác dự án.

Đây được đánh giá là xu hướng của các doanh nghiệp trong nước, vốn dĩ đã tạo được ưu thế về M&A trong khoảng 2 năm trở lại đây, nhất là ở hạng mục bất động sản nhà ở.

Khối ngoại "đánh bắt xa bờ"

Hiện tại, các thương vụ M&A không chỉ diễn ra ở thị trường có quy mô lớn như Tp.HCM mà đang lan rộng tại một số địa phương, đặc biệt là những tỉnh, thành phố có tiềm năng lớn về phát triển du lịch.

Riêng hạng mục bất động sản du lịch vốn có quy mô phát triển tương đối lớn và đặc thù rất được khối ngoại quan tâm.

Thống kê của Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2015, bất động sản đứng thứ hai về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng cộng 25 dự án đăng ký mới lẫn tăng vốn, tổng vốn đầu tư khoảng 1,82 tỷ USD, chiếm 13,7% tổng vốn FDI.

Trong khi đó con số này trong năm 2014 là 40%, năm 2007 là 35% và những năm trước đó chỉ khoảng 22%. Hầu hết các nhà đầu tư đều có xu hướng đổ vốn vào các dự án xây dựng khu đô thị cao cấp, văn phòng và bất động sản nghỉ dưỡng.

Mới đây nhất, Tập đoàn VinaCapital đã chính thức công bố thông tin dự án có vốn đầu tư 4 tỷ USD tại Nam Hội An (Quảng Nam) đã tìm được nhà đầu tư mới đến từ Hong Kong là Tập đoàn Chow Tai Fook. Đây là nhà đầu tư thay chân Genting Bhd (Malaysia) sau khi doanh nghiệp này nói lời chia tay với dự án khoảng 2 năm.

Được biết, Chow Tai Fook là một tập đoàn đa ngành (kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, casino, khách sạn, vận tải, trang sức, viễn thông) thuộc sở hữu của gia đình tỷ phú Chen Yu Tung. Ông Tung là người đứng thứ 3 trong số 50 nhân vật giàu có nhất Hong Kong (năm 2015) theo bình chọn của Forbes.

Tính đến ngày 31/12/2014, Chow Tai Fook là tập đoàn sở hữu 18 khách sạn ở khu vực châu Á (hơn 8.000 phòng) thông qua các công ty con (đã niêm yết) gồm New World Development và NWS Holdings Limited.

Riêng ở khu vực Đông Nam Á, tập đoàn này đã có 3 khách sạn, trong đó có 2 khách sạn 5 sao ở Việt Nam là New World Saigon Hotel (533 phòng) và Renaissance Riverside Hotel Saigon (336 phòng) đều tọa lạc tại khu trung tâm Tp.HCM. Khách sạn còn lại của tập đoàn nằm ở Philippines.

Theo ông David Blackhall - GĐ Điều hành mảng bất động sản của tập đoàn VinaCapital, dự án tại Nam Hội An có quy mô vốn lên đến 4 tỷ USD và thời gian phát triển kéo dài, do đó cần phải cói nguồn vốn đầu tư lớn và nhà đầu tư có kinh nghiệm khai thác các hạng mục bên trong dự án. Theo ông, Chow Tai Fook là nhà đầu tư hội đủ cả hai yếu tố này. "Sự tham gia của họ có ý nghĩa rất lớn, giúp chúng tôi có thể tiếp tục phát triển dự án một cách nhanh chóng", David nói.

Một doanh nghiệp khác cũng đang có chiến lược mở rộng thêm sự hiện diện của mình ở các tỉnh, thành ngoài thị trường Tp.HCM là Công ty CP Tổ chức Nhà Quốc gia (N.H.O) với việc ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Daewon (Hàn Quốc) để phát triển dự án trên "khu đất vàng" của Thành phố Đà Nẵng. Dự án có tổng diện tích trên 18.000m 2 , vị trí nằm cạnh Cung Thể thao Tuyên Sơn và Trung tâm thương mại Lotte Mart với có tầm nhìn hướng ra sông Hàn (P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu) và được đặt tên gọi mới là khu căn hộ First Home Premium Đà Nẵng. Chủ đầu tư cho biết sẽ triển khai dự án này vào năm 2016.

  • 0
  • By Admin
  • 16/09/2015
  • 17