M&A bất động sản 2015: Doanh nghiệp nội sẽ điều khiển cuộc chơi!
Doanh nghiệp nội trở lại cuộc chơi
Ngay từ giai đoạn cuối năm 2014, hàng loạt hoạt động M&A giữa các đại gia BĐS đã diễn ra hết sức sôi động. Ở mảng bất động sản bán lẻ, nhà đầu tư Thái Lan - Berli Jucker - đã hoàn tất thương vụ mua lại Metro Cash &Carry Việt Nam với giá gần 900 triệu USD, trong khi Posco cũng kịp bán xong tòa tháp Diamond Plaza cho đối tác Hàn Quốc là Lotte Shopping. Keppel Land (Singapore) mua một dự án của Công ty Tiến Phước với giá 26,7 triệu USD. Tập đoàn Creed Group đầu tư 600 tỷ đồng vào dự án City Gate Towers. Ngoài ra, Creed Group cũng đã ký cam kết mua 50% cổ phần tại hai dự án khác là khu căn hộ NBB Garden II (11,51 ha) và NBB Garden III (8,16 ha).
Các đại gia nội địa cũng không hề kém cạnh. Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, trong năm 2014, đã có hàng loạt thương vụ mua bán của các doanh nghiệp tại Tp.HCM. Đơn cử, Novaland thu mua 8 dự án: The Sun Avenue (quận 2), Lucky Palace (quận 6), Orchard Garden, Garden Gate (quận Phú Nhuận)… với tổng giá trị chuyển nhượng ước tính 10.000 tỷ đồng. Địa ốc Phát Đạt cũng thu mua lại khu đất vàng trị giá hơn 500 tỷ đồng tại quận 5 của Công ty Đức Khải để phát triển dòng căn hộ cao cấp với thương hiệu The EverRich. Công ty Hòa Bình mua lại 3 dự án Green Park (Bình Tân), Soho River View Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh) và Ascent (quận 2) với tổng giá trị hơn 650 tỷ đồng. Hưng Thịnh Land cũng vừa thu mua lại 9 dự án như Tân Hương Tower; 8X Đầm Sen; 8X Thái An; 8X Plus; 12 View... Tổng vốn đơn vị này dùng để mua dự án khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, chiếm 40% trên tổng vốn M&A và đầu tư, xây dựng của doanh nghiệp trong 12 tháng qua (hơn 5.000 tỷ đồng).
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Các thương vụ M&A được diễn ra chủ yếu ở các công ty lớn, có quy mô và tên tuổi trên thị trường, bao gồm giữa công ty Việt Nam với nhau, doanh nghiệp nước ngoài mua doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp Việt Nam đi mua tài sản ở nước ngoài. Các doanh nghiệp nhà nước đã hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư khi họ bắt đầu biết tập trung nguồn lực về hoạt động cốt lõi, có lợi thế so sánh. Sự sôi động của các thương vụ M&A giữa các doanh nghiệp nội là minh chứng cho bước hồi phục tích cực của thị trường BĐS trong nước và tiềm lực của doanh nghiệp tại sân nhà.
Lợi thế “sân nhà”
Ông Timothy Horton – Tổng Giám Đốc Cushman & Wakefield ví von thị trường M&A hiện tại của Việt Nam như một tảng băng chìm gồm hai phần. Một là phần nổi với các thương vụ công khai, được biết đến nhờ các bên công bố ra bên ngoài hoặc trong quá trình diễn ra thương vụ. Trừ trường hợp bên mua hoặc bên bán là các công ty niêm yết phải công bố thông tin theo quy định của Luật, còn đa phần là sau khi hoàn tất các thủ tục, dự án hoạt động trở lại hoặc triển khai bình thường thì bên mua mới công bố chính thức. Phần chìm của M&A là các thương vụ diễn ra âm thầm không ai biết giữa các công ty, tập đoàn trong nước với nhau và chúng ta chỉ được biết khi các thương vụ hoàn tất. Các công ty này có lợi thế sân nhà, thông thạo thị trường nên sẽ là nhân tố điều khiển chính của thị trường M&A trong thời gian tới.
Hiện tại, Việt Nam vẫn có rất nhiều các nhà đầu tư từ Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… tham gia với ngân sách dành cho M&A khá lớn, họ không những luôn quan sát thị trường Việt Nam mà còn để ý diễn biến tại các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, khi có cơ hội chín muồi là nhảy vào đầu tư ngay. Đối với Việt Nam, các doanh nghiệp này dường như vẫn còn e ngại vì thị trường chưa được ổn định và danh mục đầu tư chưa được phong phú. Hiện các nhà đầu tư nước ngoài chuộng xu hướng M&A đối với các Công ty đang vận hành tốt bởi các lí do như, sự an toàn dòng tiền và tiềm năng phát triển trong tương lai. Thứ hai là họ có thể cân bằng lợi nhuận nếu chẳng may có một dự án khác không thành công như mong đợi. Thứ ba là họ có thể mang lại giá trị cộng thêm cho các công ty trong nước bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại hơn từ nước ngoài. Đào tạo kỹ năng quản lý, làm việc chuyên nghiệp hơn. Các nhà đầu tư nước ngoài thường mất rất nhiều thời gian tìm hiểu thị trường trước khi đưa ra quyết định nên những doanh nghiệp nội có tiềm lực lớn sẽ dễ dàng thâu tóm được nhiều dự án tốt, đảm bảo sinh lợi ngay khi phát hiện. Lợi thế sân nhà sẽ giúp doanh nghiệp nội tạo được ưu thế trong các thương vụ M&A.
Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng với làn sóng M&A bất động sản tiếp tục vào Việt Nam, thị trường sẽ phải đương đầu với những thách thức và rủi ro mang tính mất kiểm soát. Trong một vài trường hợp, để thị trường có thể phát triển, cần nới lỏng chính sách nhưng vẫn phải quản lý chặt chẽ danh mục đầu tư. Trường hợp xấu nhất có thể xảy đến chính là việc quá nhiều nhà đầu đầu tư vào các công ty dẫn đến dư cung. Để ngăn chặn điều này cần có chế tài cụ thể quy định các nhà đầu tư chỉ được phép đầu tư vào từng thời điểm nhất định, đồng thời đảm bảo rằng các doanh nghiệp vẫn phải kiểm soát những dự án mình xây dựng để bán.
Phương Uyên
(Theo Nhịp sống thời đại)
- 0
- By Admin
- 29/01/2015
- 17