• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Luật mới tạo thuận lợi hơn cho việc giải quyết thủ tục đất đai

Trong quá trình thi hành Luật, các địa phương vẫn gặp phải những vướng mắc mặc dù cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Đào Trung Chính xung quanh vấn đề này.

đất đai
Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài
nguyên và Môi trường)

- Vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã kiến nghị lên Bộ Tài nguyên và Môi trường 5 nhóm vấn đề vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Đất đai 2013. Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra hướng tháo gỡ thế nào, thưa ông?

Vướng mắc của TP. Hà Nội cũng có các địa phương khác gặp phải nhưng có địa phương lại không thấy vướng. Chúng ta mới thi hành Luật Đất đai 2013 nên các Nghị định, Thông tư mới để đi vào thực tiễn cuộc sống cần phải có thời gian. Cũng có thể các địa phương sẽ không còn thấy vướng sau một thời gian vận hành.

Nhận được kiến nghị của TP. Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý Đất đai phải tiếp tục lắng nghe thêm các vướng mắc của những địa phương khác. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ có sơ kết thực hiện Luật Đất đai 2013. Từ đó, Bộ mới rà soát xem đâu là các vấn đề thực sự vướng, cần phải tiến hành tháo gỡ và đâu là quy định mới cần phải có thời gian đi vào thực tiễn; dựa vào kết quả này sẽ có sửa đổi. Phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã kiến nghị lên Chính phủ sơ kết, tổng kết thi hành Luật. Với những vướng mắc cần phải tháo gỡ, Bộ sẽ tổng kết vào một Nghị định để sửa đổi, trình lên Chính phủ.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt yêu cầu cần phải cải cách thủ tục hành chính đối với lĩnh vực đất đai nhưng dường như người dân vẫn chưa thực sự hài lòng trong việc triển khai các thủ tục? Về vấn đề này, quan điểm của ông như thế nào?

Thật vậy! Ở một số địa phương, doanh nghiệp và người dân vẫn còn phản ánh về các khó khăn, vướng mắc, phiền hà liên quan tới những quy định của pháp luật về đất đai trong thi hành những thủ tục hành chính. Từ thời gian thi hành, tới việc lồng ghép những thủ tục khi triển khai đồng thời một số thủ tục, về hồ sơ khi tiến hành thủ tục, việc chấp hành những quy định pháp luật của các địa phương. Đối với vấn đề này, một phần là do thái độ của bộ phận tiếp nhận hồ sơ vẫ chưa đúng mực. Tuy nhiên, một phần do phía người dân bởi hồ sơ đã được hướng dẫn nhưng vẫn làm không đúng; hoặc nhờ người khác đi thực hiện giúp dẫn tới khai hồ sơ chưa chuẩn. Người dân thường chưa hài lòng do phải chờ đợi lâu hoặc do thái độ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ.

- Trong thời gian qua, công tác giám sát, theo dõi việc thực thi những quy định về thủ tục hành chính liên quan tới lĩnh vực đất đai chủ yếu thông qua hoạt động tiếp nhận và giải quyết các phản ánh, kiến nghị của người dân. Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra hướng xử lý thế nào?

Với những thủ tục hành chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục xem xét nhằm có thêm cải cách. Bộ hiện vẫn chưa thỏa mãn với việc đã giảm được 30 thủ tục khi tiến hành lập Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp. Nhưng không phải giảm bớt thủ tục là cải cách mà cũng có các quy định chưa rõ ràng thì Bộ phải quy định lại cho rõ, tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, người dân khi thực hiện thủ tục. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã thiết lập, công khai đường dây nóng về đất đai và tiếp nhận thông tin phản ánh của các cá nhân, tổ chức; từ đó sẽ có hướng kiểm tra, thanh tra, xử lý.

- Thưa ông, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, tới nay, công tác này đã có những chuyển biến ra sao?

Theo tôi, công tác này đã có nhiều chuyển biến. Trong lĩnh vực đất đai như chúng ta biết, một số quy định, thủ tục về việc cấp sổ đỏ cho người dân, cho thuê đất, giao đất đều đã có những cải cách cơ bản. Đặc biệt là việc cấp sổ đỏ cho khách hàng mua căn hộ chung cư từng rất khó khăn, nay đã đưa ra nhiều tháo gỡ, thuận lợi hơn.

Luật Đất đai
Giải quyết thủ tục cấp sổ đỏ ở Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

- Thủ tục cấp sổ đỏ cho khách hàng mua căn hộ chung cư thuận lợi hơn so với trước đây cụ thể thế nào, ông có thể nói rõ hơn?

Chúng ta trước đây đã có Văn phòng Đăng ký đất đai cấp tỉnh, thành phố và Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện, quận. Về việc cấp sổ đỏ cho những nhà chung cư, bên mua là các cá nhân, hộ gia đình, bên bán là các tổ chức. Bộ hồ sơ phải đưa từ Văn phòng cấp tỉnh xuống Văn phòng cấp huyện rất mất thời gian. Vì thế, việc quy định một văn phòng cấp tỉnh, thành phố và các văn phòng cấp huyện, quận trở thành văn phòng chi nhánh, nguyên việc thống nhất, chuyển đổi mô hình này, chúng ta đã giảm được tất cả 30 thủ tục hành chính. Về việc cấp sổ đỏ cho căn hộ chung cư, thủ tục này còn giảm nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, để cấp được sổ đỏ cho căn hộ chung cư, trước đây, cơ quan chức năng yêu cầu khách hàng mua nhà phải có hồ sơ, hợp đồng mua bán nhà, bản vẽ thiết kế đo đạc căn hộ... Trong khi đó, bản vẽ thiết kế này lại do chủ đầu tư giữ.

Pháp luật hiện nay quy định, khi bắt đầu kinh doanh nhà ở, chủ đầu tư phải có nghĩa vụ nộp bản vẽ toàn bộ tổng thế tòa nhà lên Văn phòng Đăng ký đất đai. Khi đi thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ, người mua nhà chỉ cần nộp hợp đồng mua bán nhà, hồ sơ..., Văn phòng Đăng ký đất đai sẽ lấy bản vẽ căn hộ trong bộ hồ sơ mà chủ đầu tư đã nộp. Điều đó đã cải thiện rất nhiều trong thủ tục cấp sổ đỏ cho nhà chung cư.

- Mới đây, theo phản ánh của phóng viên, người mua nhà tại nhiều dự án phải trả tiền đo đạc căn hộ cho chủ đầu tư mới được thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ. Chủ đầu tư thu phí này liệu có đúng quy định, thưa ông?

Theo quy định tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ, sau khi hoàn thiện công trình, chủ đầu tư dự án có nghĩa vụ gửi Văn phòng Đăng ký đất đai những giấy tờ này. Khi người mua nhà ở tới thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ thì hồ sơ đã có sẵn, không cần nộp thêm bản vẽ đó nữa. Nhưng vẫn có tình huống căn hộ xây dựng khác với bản vẽ, cơ quan chức năng cần phải có động tác xem xét lại bản vẽ. Hoạt động đo đạc căn hộ chung cư là trách nhiệm của chủ đầu tư. Vì thế, chủ đầu tư yêu cầu những hộ dân trả phí như thế là không đúng quy định.

- Vấn đề kiện toàn Tổ chức Phát triển quỹ đất một cấp, Văn phòng Đăng ký đất đai tại các địa phương mặc dù vẫn còn trong thời hạn Chính phủ quy định nhưng đã chậm hơn so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Thưa ông, nguyên nhân là do đâu, và Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng giải quyết, tháo gỡ như thế thế nào?

Trước hết, trách nhiệm việc này thuộc về các địa phương. Nghị định của Chính phủ đã quy định thời hạn dài hơn nhưng năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường thấy đó là mô hình hay, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải hoàn thiện ngay trong năm ngoái. Nhưng một số địa phương đã không thể đáp ứng được yêu cầu này vì nhiều nguyên nhân. Thông tư liên tịch về Trung tâm Phát triển quỹ đất một cấp và Văn phòng Đăng ký đất đai bị chậm, dẫn tới việc các địa phương muốn chờ đợi. Thông tư này hiện đã xong nên các địa phương đang tích cực triển khai. Địa phương nào thực hiện chậm sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

- Tại TP. Hà Nội, khi Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp bắt đầu đi vào hoạt động, một số chi nhánh đã gặp khó khăn như giải quyết công việc theo cách thủ công, thiếu hồ sơ địa chính, chưa nhận được sự hỗ trợ của các huyện, quận hoặc chưa nhận được sự giải quyết kịp thời từ Sở Tài nguyên và Môi trường, văn phòng trung tâm dẫn tới một số nơi chậm trễ trong việc trả kết quả cho các công dân, tổ chức. Làm sao để tháo gỡ những vướng mắc này, theo ông?

Vấn đề tháo gỡ thế nào là do TP. Hà Nội. Theo tôi, chúng ta chuyển từ mô hình hai cấp chuyển thành mô hình một cấp, có những việc từ cấp huyện, quận lên cấp tỉnh, thành phố rõ ràng phải có lộ trình, thời gian. Bản thân những cán bộ của Văn phòng Đăng ký đất đai phải làm quen với các quy trình, thao tác mới. Muốn thiết kế cho một hệ thống thống nhất không phải chỉ nói là được, mà còn vì hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật. Khi điều cán bộ của cấp huyện, quận lên cấp Sở có thể xảy ra trường hợp, những huyện, quận đào tạo được các cán bộ có năng lực, họ lại chuyển những người này sang bộ phận khác. Mặc dù chúng ta nói “chuyển nguyên trạng”, rõ ràng vẫn xảy ra sự xáo trộn. Hay việc kết nối mạng, kết nối thông tin giữa cấp huyện, quận (chi nhánh của cấp tỉnh) trước kia họ làm độc lập rồi mới có sự báo cáo. Trong khi đó, bây giờ cán bộ phải báo cáo, cập nhật thường xuyên nên cần phải có lộ trình.

- Trân trọng cảm ơn ông!

  • 138
  • By Admin
  • 30/06/2015
  • 17