• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Luật đất đai sẽ được sửa đổi vào năm 2013

Tiến sĩ Trần Kim Chung, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói: “Cần phải xem đất đai là một loại hàng hoá đặc biệt trong thị trường bất động sản, bên cạnh đó cần học hỏi kinh nghiệm từ một số quốc gia phát triển về quản lý bất động sản như Đức, Singapore, Trung Quốc…” Tuy nhiên, ông Chung cũng cho rằng, chính sách phát triển thị trường bất động sản là một phạm trù khá rộng lớn.  Việc xây dựng quy hoạch phải được tiến hành từng bước, khoa học, thận trọng và trước khi công bố công khai phải có ý kiến đóng góp rộng rãi của người dân. “Nhà nước vừa là người tạo dựng môi trường pháp lý, môi trường kinh tế - xã hội cho thị trường nhà đất, vừa là “bà đỡ” cho thị trường này. Trong một số trường hợp, Nhà nước cần can thiệp sâu và tích cực vào thị trường nhà đất, đặc biệt là thực hiện chính sách nhà ở công, nhằm cung cấp cho người dân những loại nhà ở thích hợp và hạn chế việc mua đi bán lại” ông Chung nhấn mạnh.

Qua các lần chỉnh sửa và bổ sung luật đất đai kể từ năm 1987, 1993 và gần đây là năm 2003 đã đáp ứng kịp thời trong việc thi hành luật đất đai. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những bất cập, không theo kịp với tình hình thực tế hiện nay, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng giá đất và công bố bảng giá đất hàng năm vào ngày 01 tháng 01 đã có ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án nhất là trong lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng…,


Toàn cảnh buổi hội thảo

Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM chia sẻ: Để hướng tới một thị trường BĐS phát triển ổn định và lành mạnh, công tác quản lý đất đai phải thực hiện được một số công việc trọng tâm: Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phối hợp tốt với các ngành để bảo đảm quy hoạch có tính khả thi đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương, lưu ý lồng ghép những tác động do ảnh hưởng biến đổi khí hậu vào quá trình thực thi. Phải thay dần biện pháp hành chính trong quản lý, không sử dụng biện pháp hành chính để giải quyết những giao dịch dân sự. Chính sách thuế và phí là công cụ điều tiết khối cung lẫn cầu và chống đầu cơ, các công cụ này sẽ thay thế các công cụ quản lý hành chính như hiện nay. Việc quản lý đất đai hiện nay, cần rà soát và chọn lọc lại đội ngũ cán bộ công chức theo theo phương thức cạnh tranh giũa các phường xã, giữa các quận huyện và các tỉnh, thành phố để chọn ra những cách làm hiệu quả nhất và những cán bộ thực thi công vụ tốt nhất, bên cạnh đó phải thường xuyên đối thoại với dân và doanh nghiệp để chấn chỉnh kịp thời những thiếu xót và điều chỉnh những quy định không phù hợp với thực tế cuộc sống.

Các đại biểu đã nêu một số giải pháp đề xuất về cơ chế, chính sách đất đai cho sự phát triển thị trường BĐS như: Xây dựng cơ chế để bảo đảm thị trường quyền sử dụng đất và thị trường bất động sản liên thông với các thị trường có liên quan như tài chính, chứng khoán, xây dựng trong và ngoài nước. Về vấn đề tiền sử dụng đất, cần xem xét việc xác định giá đất (thu tiền sử dụng đất) hiện nay mới chỉ căn cứ vào vị trí, điều kiện hạ tầng và mục đích sử dụng đất mà chưa tính đến yếu tố quy hoạch, kiến trúc. Trong khi yếu tố quy hoạch do Nhà nước tạo ra và trên thực tế giá trị của một khu đất giao dịch trên thị trường phụ thuộc nhiều vào quy hoạch của khu đất đó.

Đối với một số chính sách thuế BĐS, theo ông Phùng Văn Nghệ, quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai, để khuyến khích sử dụng có hiệu quả BĐS cần phải chú ý điều chỉnh thông qua thuế đánh vào BĐS, trong đó có thể xác định các bước đi từ thuế sử dụng đất, thuế BĐS là nhà và công trình và ở mức hoàn thiện hơn là thuế BĐS nhà đất. Tuy nhiên, chính sách thuế BĐS còn nhiều phức tạp, vì vậy vẫn cần có giải pháp điều tiết thu nhập cao trong giao dịch BĐS đặc biệt là thuế thu nhập phát sinh do chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng BĐS để vừa hạn chế tình trạng đầu cơ BĐS và thực hiện một bước việc điều chỉnh thu nhập cao do chuyển dịch BĐS tạo ra như chính sách thuế thu nhập cá nhân hiện hành.

Kết thúc hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hiển –Thứ trưởng Bộ TN&MT nói, bên cạnh các điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, thị trường BĐS hiện nay vẫn đang còn tiềm ẩn những bất cập cần được tiếp tục quan tâm, nghiên cứu để có những giải pháp tối ưu. Hội thảo này nhằm tạo diễn đàn trao đổi về quản lý, chính sách, đăng ký và quy hoạch đất đai gắn với sự phát triển của thị trường BĐS. Đây sẽ là nguồn thông tin bổ ích để vận dụng trong quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật đất đai hướng tới sự phát triển bền vững thị trường BĐS Việt Nam trong thời gian tới.

(Theo Lao Động)

  • 137
  • By Admin
  • 27/09/2010
  • 17