Theo các chuyên gia kinh tế, thuế đánh vào tài sản ở nước ta đã có từ lâu, nằm rải rác trong các luật thuế và các chính sách thu tài chính khác nhau như: tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế chuyển quyền sử dụng đất, lệ phí trước bạ...  Do đó gây ra sự chồng chéo giữa các loại thuế, phí đối với cùng một đối tượng chịu thuế; căn cứ tính thuế không đồng nhất, dẫn đến không bình đẳng về mức thuế phải nộp giữa các đối tượng có cùng loại tài sản.

Cụ thể: chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp, ban hành vào những năm đầu thập niên 90, khi đó cả xã hội đang quen với việc xác định hạng đất, mức thuế suất rất ổn định. Nay, nước ta đã chuyển sang kinh tế thị trường nhưng lại vẫn dùng tiêu chí là dựa trên hạng đất và diện tích để đánh thuế thì rõ ràng là không còn phù hợp. Ngay cả trong việc đánh thuế nhà đất, việc tính thuế vẫn dựa trên cơ sở là thuế đất nông nghiệp để nhân lên từ 1 đến 32 lần tùy theo vị trí là một điều bất hợp lý và thiếu sức thuyết phục. Bên cạnh đó, một yếu tố được xem là bất cập nhất của chính sách thuế tài sản là khi thực hiện chuyển từ đánh thuế theo hiện vật sang đánh thuế theo thị trường lại không có cơ sở để xác định giá trị tài sản. Đây là một yếu tố khó khăn và gây nhiều tranh cãi nhất trong triển khai.

Về bất động sản, một trong những bất cập của các chính thuế thuế liên quan đến tài sản là chưa thể kiểm soát và ngăn chặn được nạn đầu cơ nhà đất. Nhiều dự án chưa khởi công, những người đầu cơ đã mua hết các suất nhà và đất. Hậu quả là, những người có nhu cầu thực sự về nhà đất phải mua lại qua nhiều lần trung gian. Vì vậy, chống đầu cơ nhà đất là một trong những mục tiêu quan trọng của dự thảo luật trong cách tính thuế tài sản.

Trước thực trạng trên, việc nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Thuế tài sản là rất cần thiết, nhằm khắc phục những bất cập, chồng chéo giữa các chính sách thu đánh vào tài sản. Ông Nguyễn Đình Chiến - giảng viên Khoa Thuế và Hải quan – Học viện Tài chính đã đưa ra ba mô hình chủ yếu khi thiết kế, xây dựng thuế tài sản trong thời điểm hiện nay: Mô hình thứ nhất, chỉ xây dựng một sắc thuế đánh hàng năm vào giá trị (hoặc giá trị ròng) của toàn bộ các tài sản chịu thuế, còn gọi là thuế của cải, thuế tài sản. Mô hình thứ hai là xây dựng các sắc thuế khác nhau đánh hàng năm vào giá trị của các tài sản chịu thuế khác nhau với tên gọi gắn với các tài sản chịu thuế như: thuế đất, thuế nhà, thuế bất động sản, thuế phương tiện… Mô hình thứ ba, thuế tài sản được thiết kế theo hình thức kết hợp hai mô hình trên, ngoài thuế tài sản đánh vào giá trị của các tài sản chịu thuế còn có các sắc thuế khác điều chỉnh đối với các tài sản đặc biệt như: đất, tài sản thừa kế, biếu tặng. Đứng trên góc độ một chuyên gia về bất động sản, GS.TSKH Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT khẳng định: cần xây dựng thuế tài sản tập trung chủ yếu vào bất động sản để điều chỉnh tình trạng đầu cơ khiến nhà đất tăng cao.

Tuy nhiên, đánh thuế tài sản vào tài sản của đối tượng nào và có đánh thuế vào tài sản của pháp nhân không cũng là vấn đề đáng quan tâm. Theo TS Quách Đức Pháp - Viện trưởng Viện Khoa học Tài chính, chỉ đánh thuế tài sản vào tài sản của các cá nhân, không đánh thuế tài sản vào tài sản của tổ chức vì mục đích của thuế tài sản là loại thuế đánh vào thu nhập. Như đối với doanh nghiệp, tài sản là vốn để kinh doanh, nếu đánh thuế vào tài sản sẽ làm cụt vốn, hạn chế tích tụ vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặt khác, thu nhập tạo ra từ tổ chức sẽ chuyển thành thu nhập của cá nhân dưới nhiều hình thức. Vì vậy chỉ đánh thuế tài sản vào người hưởng cuối cùng là cá nhân.

Với tư cách là chuyên gia dự án ETV2 về Thuế Tài sản, TS Phan Hồng Phúc phân tích: Việc xây dựng Luật Thuế tài sản thể hiện bước cải cách đáng kể thực trạng chính sách thu tài chính liên quan đến tài sản. Tuy nhiên, khi nghiên cứu soạn thảo cần lưu ý theo hướng loại bỏ thuế chuyển quyền sử dụng đất (vì đã đưa vào thuế thu nhập), thuế tài nguyên (chỉ thu đối với tài nguyên khai thác, đất để khai thác tài nguyên đó được xếp vào đất sử dụng cho mục đích phi nông nghiệp) và lệ phí địa chính (là khoản lệ phí thuần tuý). Các loại thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất, thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, lệ phí trước bạ là các loại thu tài chính cần nghiên cứu trong quá trình xây dựng dự thảo luật. Như vậy, đối chiếu với cơ sở lý luận về tài sản và thuế tài sản (đánh vào nhà, đất) thì các chính sách thu có thể được xếp thành 2 nhóm: Nhóm 1 là các sắc thuế mang tính chất của thuế tài sản, gồm: Thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế nhà, đất. Nhóm 2 là các khoản thu không mang tính chất thuế tài sản, gồm: lệ phí trước bạ; tiền thuê đất; thu tiền sử dụng đất...

Theo Báo Điện tử Người Đại biểu Nhân dân