• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Luật Quy hoạch đô thị: nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong xây dựng và phát triển đô thị

Quản lý phát triển đô thị thiếu quy hoạch gây nhiều bất cập, lãng phí

Trong những năm qua, với chính sách đổi mới hội nhập, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, hệ thống các đô thị nước ta đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng và quy mô. Theo con số thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay cả nước có 743 đô thị các loại, trong đó có 2 đô thị  loại (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), 3 đô thị loại I, 14 đô thị loại II, 36 đô thị loại III, 41 đô thị loại IV, 647 đô thị loại V. Ngoài ra, cả nước hiện đang có 160 khu công nghiệp tập trung, 28 khu kinh tế của khẩu và khu kinh tế đặc thù, góp phần mở rộng mạng lưới các đô thị quốc gia, tạo tiền đề cho sự phát triển đô thị ở vùng ven biển và biên giới. Nhiều khu đô thị mới đã và đang được hình thành với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, góp phần tăng quỹ nhà ở, làm thay đổi diện mạo đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thực tế phát triển đô thị nước ta vẫn còn một số tồn tại, đặc biệt là công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị như: việc quản lý sử dụng đất đai, tổ chức quản lý không gian đô thị, nhất là không gian ngầm còn bất cập, lãng phí; tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện; hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ đô thị còn nhiều yếu kém, việc đầu tư xây dựng công trình không có quy hoạch, không đồng bộ, gây lãng phí; vấn đề nhà ở, giao thông gây nhiều bức xúc; phát triển đô thị còn thiếu bản sắc…

Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, trước hết là do công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị còn thiếu cơ sở pháp lý. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, hiệu lực pháp lý thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý toàn diện về xây dựng phát triển đô thị. Sự phân công, phối hợp trong quản lý đô thị giữa các ngành thực hiện chưa tốt, còn phân tán chồng chéo, không thống nhất, không rõ trách nhiệm. Vai trò của chính quyền đô thị, đặc biệt của cơ quan quản lý kiến trúc đô thị tuy rất cần nhưng chưa được thiết lập rõ ràng. Việc tổ chức triển khai thực hiện cũng như việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch còn yếu kém, chưa thu hút được sự tham gia của cộng đồng. Quy trình, thủ tục lập quy hoạch còn phức tạp, mất nhiều thời gian, chất lượng quy hoạch chưa cao, nguồn nhân lực phục vụ cho công tác quy hoạch còn yếu kém phần lớn chưa được đào tạo.

Luật Quy hoạch đô thị: khuôn khổ pháp lý đầy đủ, rõ ràng cho công tác quy hoạch và phát triển đô thị

Để giải quyết khắc phục những vấn đề thực tế đã nêu ở trên, đòi hỏi phải có luật. Luật Quy hoạch đô thị ra đời tạo lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ và rõ ràng cho công tác quy hoạch và phát triển đô thị, đồng thời là công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong xây dựng và phát triển đô thị ở nước ta, bảo đảm phát triển hệ thống các đô thị và từng đô thị bền vững, có bản sắc, văn minh, hiện đại, đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Việc ban hành Luật cũng nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay trong quản lý phát triển đô thị, nhất là trong việc sử dụng đất đai trong đô thị, quản lý không gian đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ đô thị.

Bộ Xây dựng đã tiến hành khảo sát, tổng kết thực tiễn, rà soát đánh giá quy định của pháp luật về công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, nghiên cứu kinh nghiệm pháp luật về quy hoạch đô thị của 1 số nước trên thế giới như: Anh, Pháp, Nga, Singapo, Nhật Bản, Hàn Quốc…Trong quá trình xây dựng Luật Quy hoạch đô thị, Bộ Xây dựng cũng đã tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, các nhà khoa học, các nhà quản lý tham gia trong các hội thảo cũng như ý kiến góp ý bằng văn bản của các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức tham gia. Dự thảo Luật đã được chỉnh sửa, sau đó dự Luật được gửi Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau khi có văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp số 2493/BTP-PLDSKT ngày 07/8/2008, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm định và hoàn chỉnh Dự án Luật Quy hoạch đô thị.

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị bao gồm 7 chương, 80 điều. Chương I là những quy định chung quy định về các vấn đề chung nhất, có tính nguyên tắc của vấn đề quy hoạch đô thị; Chương II - Lập quy hoạch đô thị; Chương III - Tổ chức thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị; Chương IV - Điều chỉnh quy hoạch đô thị; Chương V - Tổ chức thực hiện và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch; Chương VI - Thanh tra và xử lý vi phạm; Chương VII - Điều khoản thi hành.

Bộ Xây dựng cho biết, về nội dung trong dự thảo Luật, 2 vấn đề là hạ tầng kỹ thuật đô thị và kiến trúc sư trưởng đô thị hiện còn có một số ý kiến khác nhau.

Về vấn đề hạ tầng kỹ thuật đô thị: Ý kiến thứ nhất đề nghị cho rằng Luật Quy hoạch đô thị cần phải quy định đầy đủ các nội dung liên quan đến quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, vận hành, sử dụng các công trình hạ tầng đô thị. Ý kiến thứ hai đề nghị: Luật này không nên quy định về toàn bộ các nội dung nêu trên mà chỉ quy định về nội dung, yêu cầu, nguyên tắc quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị và quản lý phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy hoạch được duyệt. Dự thảo Luật được thiết kế theo ý kiến thứ hai vì một trong những yêu cầu quan trọng của quy hoạch đô thị là phải bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, do vậy nội hàm của quy hoạch đô thị đã bao gồm cả quy hoạch hạ tầng. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật là một bộ phận không tách rời của quy hoạch đô thị…

Về vấn đề Kiến trúc sư trưởng đô thị cũng có hai loại ý kiến. Ý kiến thứ nhất đề nghị: Không nên có chức danh “Kiến trúc sư trưởng” và không quy định vấn đề này trong Luật Quy hoạch đô thị vì đã có các cơ quan chuyên môn giúp UBND các cấp quản lý nhà nước về xây dựng, quy hoạch đô thị. Ý kiến thứ hai đề nghị: Luật này cần có quy định về Kiến trúc sư trưởng đô thị để tư vấn, phản biện cho UBND thành phố về quản lý quy hoạch - kiến trúc và phát triển đô thị theo hướng vừa hiện đại vừa có bản sắc. Dự thảo Luật được thiết kế theo ý kiến thứ hai vì đây là chức danh quản lý đặc thù về kiến trúc, thiết kế đô thị nhằm tạo ra diện mạo đô thị có bản sắc, bộ mặt đô thị phù hợp với bản sắc văn hoá, truyền thống của từng vùng và của dân tộc; khắc phục tình trạng chắp vá hiện nay trong kiến trúc đô thị ở nước ta. Mặt khác, kinh nghiệm thế giới cho thấy trong thời kỳ đầu phát triển đô thị, nhiều nước đều áp dụng mô hình Kiến trúc sư trưởng để quản lý kiến trúc đô thị. Do vậy, Tại Nghị định số 29/2007/NĐ-CP ngày 27/2/2007 của Chính phủ về quản lý kiến trúc đô thị cũng đã giao Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ nghiên cứu đề án thành lập Kiến trúc sư trưởng thành phố trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện, tính chất đặc thù của nước ta hiện nay, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị quy định chức danh Kiến trúc sư trưởng chỉ áp dụng tại các thành phố trực thuộc trung ương, có tính đặc thù, có ý nghĩa quốc gia về văn hoá, lịch sử cần bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị.


Theo Báo Xây dựng
  • 380
  • By Admin
  • 16/08/2008
  • 17