• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Luật Nhà ở (sửa đổi): Sẽ cấm sử dụng nhà ở để kinh doanh

Không thể phủ nhận các tác giả của bản dự thảo đã cố gắng cụ thể đến mức tốt nhất các điều luật để các điều luật gần với đời sống nhất, tuy nhiên rất nhiều điều luật đã không phù hợp, thậm chí gây phiền phức đến đời sống nhân dân, thậm chí không thể thực hiện được. Ở bài viết này chúng tôi chỉ xin đề cập tới một khoản cụ thể, đó là khoản 6 điều 8 trong dự thảo. Những hành vi bị nghiêm cấm trong phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở: “Sử dụng nhà ở vào các mục đích: kinh doanh gas; vật liệu gây cháy, nổ; kinh doanh vũ trường; quán bar; nhà nghỉ; dịch vụ karaoke hoặc các hoạt động bị cấm khác theo quy định của pháp luật; sử dụng căn hộ chung cư vào các mục đích bị cấm theo quy định của Chính phủ”.

Nhà ở là tài sản hợp pháp của nhân dân

Nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở hiện hành và trong dự thảo này là công trình xây dựng được thiết kế, xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân. Điều 6 của dự thảo khẳng định: Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp về nhà ở của các chủ sở hữu theo quy định của Luật này. Như vậy theo các quy định pháp luật, người dân có toàn quyền sử dụng tài sản của mình, kể cả sử dụng vào mục đích kinh doanh. Các hoạt động kinh doanh: “kinh doanh gas; vật liệu gây cháy, nổ; kinh doanh vũ trường; quán bar; nhà nghỉ; dịch vụ karaoke”, và nhiều ngành nghề kinh doanh khác, Nhà nước không cấm. Tài sản có quyền chiếm hữu, sử dụng, hoạt động kinh doanh Nhà nước không cấm, vậy tại sao dự thảo Luật Nhà ở lại cấm việc sử dụng nhà ở vào các hoạt động kinh doanh này?

Nếu nói rằng hoạt động kinh doanh quán bar, vũ trường, nhà nghỉ làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, xáo trộn cuộc sống các cư dân trong khu dân cư thì chưa đủ. Còn rất nhiều các hoạt động kinh doanh khác có thể gây mất trật tự an ninh, xáo trộn đời sống khu dân cư như kinh doanh cầm đồ, tẩm quất thư dãn, cắt tóc máy lạnh, massage... Thậm chí, ở Hà Nội, một quán bia hơi cũng có thể gây mất trật tự hơn hẳn một quán bar, ở Tp.HCM, một quán cắt tóc máy lạnh với các “đào” ăn mặc khiêu gợi đứng xếp hàng ngoài cửa cũng gây phiền phức cho đời sống dân cư hơn một quán karaoke… Mặt khác những hoạt động kinh doanh được kể trong dự thảo là các hoạt động kinh doanh có điều kiện, trước khi cấp giấy phép hoạt động các cơ quan chức năng đã kiểm tra, xác định các hoạt động kinh doanh tại các địa điểm cụ thể đáp ứng các yêu cầu không gây ồn ào, mất trật tự an ninh, làm xáo trộn cuộc sống của nhân dân trong khu dân cư.

Còn về quan ngại khả năng cháy nổ của các hoạt động kinh doanh này thì cũng là chưa đầy đủ. Một cửa hàng kinh doanh gas, dịch vụ giải trí đôi khi khả năng gây cháy nổ thấp hơn một cửa hàng sửa chữa xe đạp xe máy có bình bơm hơi áp lực cao được sử dụng bơm, tích áp lực liên tục và một cửa hàng hàn xì cửa sắt còn gây nguy hiểm, cháy nổ hơn tất cả những ngành kinh doanh khác. Xin nhắc, hàng loạt các vụ cháy nổ khủng khiếp gần đây tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là do hoạt động hàn điện gây ra.

Như vậy những quan ngại dẫn đến việc cấm cụ thể một số hoạt động sử dụng nhà ở để kinh doanh là chưa hợp lý. Còn nếu nói rằng đây là những hoạt động kinh doanh không được khuyến khích tại thời điểm này để cấm thì càng không hợp lý vì đó không phải là phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở, không phải việc của Bộ Xây dựng.

Sẽ có hàng chục nghìn cơ sở kinh doanh phải đóng cửa

Theo điều 6 của dự luật này, “nhà ở là công trình xây dựng được thiết kế, xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân”, có nghĩa là gần như 100% các công trình xây dựng của các hộ gia đình trên đất được giao làm đất ở là nhà ở. Vậy nếu một số các hoạt động kinh doanh bị cấm sử dụng nhà ở để kinh doanh thì nó diễn ra ở đâu? Nhà thuê thì hầu hết cũng là nhà ở, các trung tâm dịch vụ, thương mại thì không phù hợp vì giá thuê cao, không tiện lợi cho khách hàng… các doanh nghiệp cũng không thể mơ được thuê, cấp đất để xây dựng cơ sở kinh doanh riêng… Vì vậy nếu dự luật này được Quốc hội thông qua chắc chắn hàng chục nghìn cơ sở kinh doanh trong cả nước sẽ đóng cửa, ngừng kinh doanh. Cũng xin lưu ý, tất cả các hoạt động kinh doanh các ngành dự thảo cấm, đều đã được cấp phép kinh doanh tại các địa điểm cụ thể bởi các cơ quan có thẩm quyền. Nếu họ phải dừng các hoạt động theo luật, ngân sách cũng sẽ mất không ít tiền đền bù các khoản đã đầu tư của các đơn vị kinh doanh.

Theo thống kê, hiện nay cả nước có gần nửa triệu các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các hộ kinh doanh đang sử dụng nhà ở cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, mỗi năm đóng góp cho ngân sách hàng trăm nghìn tỷ đồng dưới nhiều hình thức. Việc khởi đầu là cấm một số ngành kinh doanh cụ thể sử dụng nhà ở vào sản xuất kinh doanh và Bộ Xây dựng cũng không giấu giếm chủ trương cấm tất cả các hoạt động sử dụng nhà ở vào mục đích sản xuất kinh doanh sẽ là một đòn đánh vào nền kinh tế, làm giảm nguồn thu ngân sách, chưa nói đến việc sẽ tạo ra mất cân bằng cung cầu trên thị trường dễ dẫn đến các hoạt động kinh doanh trái phép. Có cầu thì sẽ có cung. Nếu cấm sử dụng nhà ở kinh doanh nhà nghỉ sẽ có nhà trọ thuê giờ, cấm quán bar hàng loạt quán cà phê sẽ kinh doanh rượu… và một đội ngũ thanh tra, khiểm tra sẽ làm phình thêm đội ngũ công chức… ngân sách đã không thu được thuế lại phải chi thêm một khoản tiền lương không nhỏ.

Cần điều chỉnh dự luật

Việc lấy ý kiến nhân dân trước khi trình Quốc hội thông qua là một bước tiến bộ trong công tác xây dựng luật. Qua sự phản ánh của dư luận, các cơ quan soạn thảo sẽ có sự điều chỉnh để các văn bản luật phù hợp với đời sống. Với những sự phân tích trên, chúng tôi đề nghị sửa đổi khoản 6 điều 8 của dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi từ: Những hành vi bị nghiêm cấm trong phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở: “Sử dụng nhà ở vào các mục đích: kinh doanh ga; vật liệu gây cháy, nổ; kinh doanh vũ trường; quán bar; nhà nghỉ; dịch vụ karaoke hoặc các hoạt động bị cấm khác theo quy định của pháp luật; sử dụng căn hộ chung cư vào các mục đích bị cấm theo quy định của Chính phủ” thành: Những hành vi bị nghiêm cấm trong phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở: Sử dụng nhà ở vào các mục đích kinh doanh làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, có nguy cơ gây cháy nổ, xáo trộn cuộc sống các cư dân trong khu dân cư hoặc các hoạt động bị cấm khác theo quy định của pháp luật; sử dụng căn hộ chung cư vào các mục đích bị cấm theo quy định của Chính phủ.

  • 264
  • By Admin
  • 30/09/2013
  • 17