Lựa chọn vật liệu cho lối đi theo phong thủy
Lo lắng về sự bình an là điều dễ hiểu với đa số gia chủ. Tuy nhiên từ lo lắng đến tìm kiếm giải pháp cụ thể đôi khi vẫn có khoảng cách. Nhiều nhà hay quan tâm đến vật dụng trưng bày, những ký hiệu trang trí mang tính tâm linh mà quên đi rằng, mọi lối đi đều bắt đầu ngay dưới chân mình. Trong ngôi nhà, điều này thể hiện rõ nét hơn cả ở cách bố trí sàn nhà.Từ bản vẽ thiết kế, sàn nhà cũng đã thể hiện cách thức ngăn chia không gian. Sang phần thi công hoàn thiện, sàn nhà chính là khu vực sử dụng trực tiếp và mang tính cơ bản nhất, ít có thể thay đổi được thường xuyên so với tường hay trần.
Nếu ta đi trong một ngôi nhà mà vật liệu gạch lát nền thay đổi liên tục, không có sự liên quan gì với nhau về độ nhẵn hay bóng, màu nóng hoặc lạnh lộn xộn, hoa văn thiếu đồng nhất… thì có dùng gạch đắt tiền đi chăng nữa, khả năng dẫn dắt và liên kết không gian vẫn thua kém một ngôi nhà chỉ lát một màu gạch thô mộc nhưng ấm áp.
Tất nhiên nếu chỉ dùng có một loại kích cỡ, hoa văn, màu sắc để lát cho tất cả các không gian, chỗ sàn nước cũng giống chỗ nằm ngủ thì cũng không ổn, chỉ là lối hoàn thiện đơn điệu, đổ đồng, không phân biệt chính phụ và dẫn đến một trường khí trì trệ, thiếu sinh động. Quan điểm dung hòa là chọn cách hoàn thiện sàn nhà có dẫn dắt và chuyển tiếp sao cho tự nhiên và hài hòa âm dương để liên kết khí trong - ngoài, trước - sau, chính - phụ được tốt hơn.
Cùng một loại vật liệu nhưng nếu đặt gần ánh sáng bên ngoài, gần nơi qua lại (dương tính hơn) thì sẽ sáng và chịu bào mòn nhiều hơn là trong những góc khuất (âm tính hơn). Cụ thể là đối với gạch ốp lát, những không gian chính, đối ngoại và giao tiếp nhiều như phòng khách, phòng sinh hoạt nên dùng gạch khổ lớn, những không gian phụ, riêng tư dùng gạch khổ nhỏ hơn, các vị trí tiếp giáp hoặc thay đổi không gian cần dùng gạch viền hay đá để vừa phân cách vừa chuyển tiếp.
Màu sắc gạch cũng cần tương quan trong vòng hòa sắc, tránh những thay đổi đột ngột trừ khi muốn tạo điểm nhấn. Kiểu cách lát gạch sẽ góp phần thay đổi sắc thái nội thất và cảm quan thị giác, như xoay chéo kéo giãn không gian, lát thẳng và vuông vức tăng sự trang trọng, lát điểm viền giúp thêm sinh động.
Mặt khác, việc gia tăng khí cho mỗi ngôi nhà hay được phát huy tại những không gian giao thông, nơi trang trọng hay chỗ đối ngoại. Ví dụ như phòng ngủ lát gỗ để tạo sự ấm áp nhưng lối vào phòng vệ sinh thì dùng gạch nhám khổ rộng để sạch sẽ và định hướng rõ hơn.
Các điểm nhấn có thể chọn lựa tùy theo không gian và phải căn cứ vào thực chất sử dụng, không nhất thiết phải dùng một loại vật liệu cứng (gạch, đá) mà có thể bổ sung vật liệu mềm như thảm để tạo điểm nhấn và tăng tính thân thiện.
KTS Hà Anh Tuấn
Theo Thanh Niên
Theo Thanh Niên
- 271
- By Admin
- 31/03/2010
- 17