• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Lựa chọn đồ án từ cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch Hồ Gươm và phụ cận”: Phải phù hợp, tương xứng với báu vật Hồ Gươm

Lựa chọn đồ án từ cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch Hồ Gươm và phụ cận”: Phải phù hợp, tương xứng với báu vật Hồ Gươm  
Hồ Gươm, trung tâm của Thủ đô Hà Nội. 
Ảnh: Phương Thanh

Những giá trị cần bảo tồn

 

Nhận xét chung của giới chuyên môn, cả 9 ý tưởng quy hoạch, thiết kế khu vực Hồ Gươm và phụ cận đều độc đáo, thú vị và hướng tới việc đề cao giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ vốn có của Hồ Gươm, bằng giải pháp mở rộng không gian, tạo thêm quỹ đất dành cho công cộng, bổ sung cây xanh chứ không bổ sung thêm công trình. Có hai điểm được các phương án đề xuất. Thứ nhất, mở rộng không gian từ Nhà thờ Lớn đến Hồ Gươm, gắn với cây đa cổ nhất, hình thành dải cây xanh phía tây Hồ Gươm, đồng thời tạo sự thông thoáng cho phố cổ. Thứ hai, khu vực các cơ quan điện lực ở phía đông Hồ Gươm được đề xuất sử dụng làm sân khấu ngoài trời theo xu hướng kiến trúc sinh thái, tạo thảm xanh mở ra từ đền Ngọc Sơn.

 

Ý tưởng bảo tồn cũng trùng hợp với mục tiêu phát động cuộc thi, theo đó, 4 tiêu chí cơ bản mà các đồ án phải đáp ứng là cách đối xử với Hồ Gươm như thế nào, cách tôn trọng cảnh quan, công trình lịch sử văn hóa ra sao; việc khai thác, sử dụng không gian có thích ứng với cuộc sống hiện đại hay không; biết sử dụng không gian đó để phát triển du lịch; thiết kế giao thông động và tĩnh phù hợp. Nói như KTS, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn, Hồ Gươm là khu vực có giá trị cả về văn hóa, lịch sử, kiến trúc hay khai thác cảnh quan, vô cùng lớn đối với Hà Nội. Hiếm có đô thị nào trên thế giới có vật báu như Hồ Gươm. Vì thê, phải chọn ra được những ý tưởng quy hoạch tốt nhất, những giải pháp khả thi nhất cũng như bảo đảm khả năng khai thác chặt chẽ nhất. Đặc biệt, phải bảo đảm không để một ai còn xâm hại hay làm mai một được cảnh quan của Hồ Gươm.

 

Theo Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm, Hồ Gươm là nơi ghi dấu ấn lịch sử cả nước, từ thời phong kiến, Pháp thuộc, kháng chiến đến thời kỳ đổi mới. Vì vậy, việc bảo tồn khu vực này phải chú ý bao quát không nên bỏ qua giai đoạn nào. Thời phong kiến, xung quanh hồ có công trình tín ngưỡng, nay cần giải phóng không gian xung quanh để công trình không bị che khuất, đồng thời nêu bật được giá trị kiến trúc của nó. Trong thời kỳ đổi mới, không nên đặt công trình có quy mô hoành tráng, mà nên chọn công trình có quy mô, kích thước phù hợp không gian của Hồ Gươm. Có hai tỷ lệ đáng chú ý là tầm vóc con người và tầm vóc cây cối để xem xét bố trí công trình. Ông Liêm cũng đề xuất, nên xây dựng Tràng Tiền thành tuyến phố sang trọng, điều đó có nghĩa các công trình ở đây phải được cân nhắc kỹ lưỡng, cẩn trọng; không chỉ có kiến trúc đẹp, mà còn không che khuất tầm nhìn Hồ Gươm.

 

Không gian Hồ Gươm sẽ được sử dụng an toàn

 

Ông Nguyễn Tấn Vạn khẳng định, sau triển lãm để lấy ý kiến của nhân dân và các chuyên gia, Ban tổ chức sẽ đánh giá, xem xét các ý tưởng quy hoạch Hồ Gươm và phụ cận, chọn ra ý tưởng tốt nhất. Từ đồ án này, thành phố sẽ xem xét phê duyệt quy hoạch Hồ Gươm và phụ cận. Trong đó, sẽ làm rõ việc phải ứng xử với không gian Hồ Gươm ra sao để thích ứng với tình hình hiện tại. Chắc chắn, không gian ấy sẽ được sử dụng an toàn hơn, đúng với giá trị vốn có chứ không thể duy trì như hiện tại.

 

Không gian Hồ Gươm được sử dụng an toàn hơn, theo ông Nguyễn Tấn  Vạn là việc khai thác thế nào, sử dụng ra sao cho phù hợp với nhu cầu của cộng đồng, đặt lợi ích cộng đồng lên vị trí cao nhất. Đặc biệt, tuyệt đối không được can thiệp thô bạo vào không gian Hồ Gươm. "Hồ Gươm là vốn quý, nếu bỏ không khai thác thì quá vô lý. Thử tưởng tượng ban đêm quanh hồ tối đen, không ánh đèn thì còn ra gì. Quan niệm cơ quan quan trọng được bố trí ở những vị trí đẹp đã lỗi thời. Vị trí đẹp nhất phải được dành cho cộng đồng" - ông Vạn nói. Trả lời câu hỏi, những dự án, công trình không phù hợp trước đây có được xem xét lại không? Ông Vạn cho biết: Hồ Gươm đang bị "bao vây" bởi các công trình. Các ý tưởng mới đều muốn mở ra không gian mới thoáng đãng, rộng rãi hơn. Theo tôi, ít có cuộc cải cách nào mà không gây ra đau đớn. Có thể có ai đó sẽ có chút thua thiệt, song nếu đem lại lợi ích tối đa cho số đông thì đó cũng là việc nên làm.

 

Không gian Hồ Gươm và phụ cận

* Các vùng kiến trúc, cảnh quan nghiên cứu đề xuất tổ chức không gian Hồ Gươm và phụ cận gồm: Hồ Gươm, Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Quảng trường Ngân hàng Nhà nước, Vườn hoa Lý Thái Tổ, các tuyến phố chính Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Ngang - Hàng Đào… Trong đó các giá trị bảo tồn, tôn tạo thể hiện qua cây xanh - mặt nước, đường phô -  không gian lễ hội; công trình kiến trúc qua các thời kỳ. Ngoài ra, các phương án sẽ đề xuất giải pháp phát triển phù hợp tính chất Hồ Gươm trong giai đoạn mới.

 

* 9 đơn vị tham gia triển lãm gồm: Viện Kiến trúc - quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng); Công ty "1+1>2" group (Việt - I-ta-li-a); Công ty TNHH Kiến trúc NQH (Việt Nam); Công ty cổ phần Tư vấn và đầu tư xây dựng CDCC (Hội Kiến trúc Hà Nội); Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (Tổng Hội Xây dựng Việt Nam và Hội Kiến trúc sư Việt Nam); MQLPAU and Partnes (Việt - Đức); Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd (Nhật Bản); Công ty LRC 54 Arquitectura SL (Tây Ban Nha); Công ty TNHH Archetype Việt Nam.

 

Theo Hà Nội Mới

  • 0
  • By Admin
  • 14/01/2009
  • 17