'Lỏng lẻo' Luật huy động vốn trong dự án BĐS
Theo anh Phùng Quang Lâm, một nhân viên môi giới bất động sản, phần lớn người mua nhà không quan tâm đến nội dung hợp đồng, mà chỉ “chú” đến giá cả. Anh đã bán được nhiều căn nhà với những hợp đồng kiểu này. Thế nhưng, “hậu” hợp đồng, khi có tranh chấp xảy ra, phần thiệt thòi luôn nghiêng về phía khách hàng.
Đầu năm 2008, chị Nguyễn Thị N., trú quận Cầu Giấy (Hà Nội) thỏa thuận với Công ty cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ Cầu Giấy (trụ sở tại 93 Lò Đúc, Hà Nội) để mua nhà tại Dự án nhà 312 Cầu Giấy của đơn vị này. Tuy nhiên, vì dự án mới chỉ “trên giấy” nên hợp đồng mua bán được ký dưới hình thức hợp đồng vay vốn.
Chị N. bức xúc: “Hợp đồng đã ký, tiền công ty đã cầm, nhưng gần một năm trôi qua dự án vẫn án binh bất động. Sốt ruột với khoản tiền lớn bị “chôn” hàng năm trời, tôi vừa tới công ty để đòi lại tiền, nhưng họ nhất quyết không giải quyết”.
|
Nhiều công ty kinh doanh BĐS đang "lách" luật bằng các hợp đồng vay vốn. |
Chị N. là một trong nhiều khách hàng bị các công ty bất động sản chiếm dụng vốn bằng những hợp đồng tương tự. Phải chịu nhiều rủi ro, thiệt thòi nhưng khách hàng, thậm chí cả chuyên gia môi giới nhà đất kỳ cựu cũng phải chấp nhận, bởi đã trót ký vào các hợp đồng có những điều khoản mập mờ kiểu này. Có không ít khoản vốn tiền tỷ đã bị “chôn” trong những dự án kéo dài hàng 5, 7 năm.
Theo luật sư Lê Thanh Sơn (Công ty Luật Thanh Sơn), những hợp đồng kiểu này là một cách huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, với người mua nhà, rủi ro là rất cao. Và khi tranh chấp xảy ra, thiệt hại thường rơi vào chính khách hàng. Ông Sơn phân tích: “Hầu hết hợp đồng vay vốn do chủ đầu tư soạn thảo, vì vậy, lợi thế luôn nghiêng về phía họ”.
Các chuyên gia trong ngành xây dựng đều cho rằng, những quy định về vốn và điều khoản của hợp đồng vay vốn đối với dự án bất động sản còn khá lỏng lẻo. Hiện chưa có một văn bản nào quy định cụ thể về việc huy động vốn trong các dự án bất động sản.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục nhà ở (Bộ Xây dựng) cho rằng: “Việc mua bán theo kiểu này chỉ dựa trên quan hệ dân sự. Tuy nhiên, ở nhiều nước, các thương vụ đều có sự tham gia của nhà môi giới chuyên nghiệp, hay luật sư. Do vậy, quyền lợi của các bên được cân bằng hơn”.
Văn bản luật “đá” nhau
Vấn đề chủ đầu tư được huy động vốn từ thời điểm nào của dự án đã có quy định, nhưng lại nằm rải rác trong khá nhiều văn bản luật như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, câu trả lời chính xác vẫn chưa có, bởi các văn bản luật chồng chéo, mâu thuẫn.
Theo luật sư Lê Thanh Sơn, nếu chiếu theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản là phải hoàn thiện hạ tầng mới được huy động vốn, thì việc cho ra đời bản hợp đồng vay vốn của các công ty là hoàn toàn trái luật.
Tuy nhiên, Luật Nhà ở lại đưa ra quy định khác. Ông Sơn dẫn chứng: “Điều 39 khoản 1, Luật Nhà ở cho phép huy động vốn nếu thiết kế đã được phê duyệt trong khi xây dựng. Còn Nghị định 153 lại quy định được huy động vốn khi đã làm lễ khởi công dự án”.
Ông Lê Thanh Sơn kiến nghị, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có những quy định rõ ràng, ví dụ huy động như thế nào, xảy ra tranh chấp thì xử lý ra sao.
“Khi những chồng chéo trong các văn bản luật chưa được giải quyết thì các tranh chấp, khiếu kiện sẽ còn tiếp tục. Thậm chí, nguy cơ lừa đảo, chiếm dụng vốn, gây thiệt hại cho nhà đầu tư sẽ ngày càng tăng”, ông Sơn cảnh báo.
Theo Báo Đất Việt