• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Long Thành (Đồng Nai): Chính quyền rụt rè, doanh nghiệp khốn đốn


Long Thành (Đồng Nai): Chính quyền rụt rè, doanh nghiệp khốn đốn | ảnh 1
Cầu An Hòa - một trong ba cây cầu được chủ đầu tư xây dựng để vào Khu dự án Đô thị thương mại và dịch vụ Long Hưng

Đình đốn dự án nghìn tỷ

Theo trình bày, là DN đóng trên địa bàn huyện Long Thành, Donacoop đã thực hiện thành công nhiều dự án góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế của địa phương.  Năm 2007, từ thực tế, xã Long Hưng, huyện Long Thành vốn là vùng đất nhiễm mặn, sản xuất nông nghiệp không hiệu quả (nên nhiều hộ dân hoặc bỏ hoang đất đai hoặc chuyển nhượng cho một số người ở Tp.HCM về đầu cơ đất để chờ có quy hoạch để làm giá), nên Donacoop đề xuất và được UBND tỉnh Đồng Nai cho phép lập quy hoạch chuyển đổi vùng đất này sang Khu đô thị, dịch vụ và thương mại Long Hưng với quy mô 899ha.

Donacoop đã bỏ ra 1 triệu USD thuê đơn vị tư vấn GHD (Australia) lập quy hoạch khu Đô thị – Dịch vụ – Thương mại Long Hưng theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, đồng bộ và hiện đại. Tiếp đó, qua kêu gọi đã có 2 DN nước ngoài là Tập đoàn VinaCapital, Tập đoàn Keppel Land và 1 DN trong nước là Cty CP An Phú Long cùng tham gia đầu tư dự án; đến đầu năm 2008, dự án được UBND tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Nhằm giải quyết một cách tốt nhất quyền lợi của người dân bị thu hồi đất, UBND tỉnh Đồng Nai đã cho phép Donacoop thỏa thuận việc chuyển nhượng đất của người dân địa phương, song song với việc chính quyền địa phương ban hành quyết định thu hồi đất, giao cho chủ đầu tư triển khai dự án.

Trên tinh thần thiện chí, chỉ trong một thời gian ngắn Donacoop đã thỏa thuận được trên 70% tổng diện tích đất của dự án; còn lại trên 20%, UBND các cấp đã vận động và ban hành quyết định thu hồi đất. Vậy nhưng đến nay việc thu hồi diện tích đất này vẫn chưa được tiến hành, dù chủ đầu tư đã chuyển tiền đền bù vào tài khoản ngân hàng.

Trong số 20% diện tích đất nói trên (nằm xen kẽ trong khu đất quy hoạch của dự án) lại hầu hết nằm trong tay những người đầu cơ đất, nhận chuyển nhượng rồi bỏ hoang hóa nhiều năm không sản xuất. Khi cơ quan chức năng thu hồi đất, những đối tượng này đã xúi giục, kích động một bộ phận người dân địa phương biểu tình, gửi đơn khiếu nại sai sự thật đến các cơ quan chức năng, gây hoang mang cho đơn vị được giao nhiệm vụ cưỡng chế thu hồi để giao đất cho chủ đầu tư.

Việc làm này đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho chủ đầu tư khi đã bỏ vốn đầu tư quá lớn vào công tác lập quy hoạch, thỏa thuận đền bù, hỗ trợ đất với các hộ dân bị thu hồi đất; chuyển tiền bồi thường vào tài khoản ngân hàng, nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước, thuê tư vấn thiết kế cơ sở, bản vẽ thi công, chi phí quản lý dự án, đầu tư 2 tuyến đường giao thông chính, lãi suất ngân hàng suốt nhiều năm qua… lên đến gần 6.000 tỷ đồng mà dự án chưa triển khai được.

Ai còn dám đầu tư?

Theo Tổng Giám đốc Donacoop - Bùi Thanh Trúc, việc cơ quan chức năng địa phương dè dặt, né tránh trong thu hồi đất là hiệu ứng từ một vài vụ cưỡng chế thu hồi đất diễn ra thời gian qua. Ông Trúc cho rằng, mỗi dự án ở các địa phương khác nhau là có sự khác nhau. Đối với Dự án khu Đô thị Long Hưng, đất được thu hồi để thực hiện dự án là đất nhiễm mặn, không sản xuất được và bị bỏ hoang hóa nhiều năm.

Vì vậy, đầu tư dự án này là quyết tâm của Donacoop, các nhà đầu tư nước ngoài, chính quyền và sự đồng thuận của hầu hết người dân địa phương nhằm biến vùng đất hoang hóa thành khu đô thị, thương mại góp phần thay đổi bộ mặt quê hương, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống  người dân.

Vì vậy, chủ đầu tư chủ trương vận dụng chính sách hỗ trợ, đền bù có lợi nhất cho người dân bị thu hồi đất: Hỗ trợ mức cao nhất so với các dự án được triển khai trên địa bàn Đồng Nai. Chính sách an sinh, xã hội cũng được quan tâm đặc biệt: Tái định cư cho các cơ sở sản xuất gạch thủ công; thu hút lao động đối với lao động từ 35 tuổi đến 55 tuổi vào làm việc chăm sóc cây xanh, thảm cỏ, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ tiền chuyển đổi nghề đối với nhân dân địa phương cao gấp 1,5 lần đối với đất nông nghiệp.

Người dân nhận nền tái định cư xây dựng theo quy hoạch Khu đô thị mới; tiền đền bù không đủ xây, chủ đầu tư hỗ trợ không tính lãi và giải quyết việc làm cho người dân có thu nhập trả dần cho chủ đầu tư. Trước khi cưỡng chế để có đất xây dựng khu tái định cư và đường giao thông, Donacoop xây dựng khu tạm cư, trong đó mỗi căn hộ có 2 phòng ngủ, 1 phòng khách, phòng ăn, bếp, nhà vệ sinh, sân phơi đồ để bố trí cho các hộ dân bị giải tỏa trước khi có chỗ ở ổn định.

Mỗi hộ dân vào khu tạm cư được hỗ trợ 20 triệu đồng để mua sắm đồ dùng cần thiết trong quá trình sinh sống tại khu tạm cư. Sau khi Donacoop xây dựng hạ tầng và xây nhà xong trong khu tái định cư, sẽ cấp cho các hộ dân vào ổn định cuộc sống.

Với chủ trương như vậy, nên chỉ trong một thời gian ngắn đã có 70% đất của dự án được thu hồi. Thế nhưng, quyết tâm của chủ đầu tư và nguyện vọng chính đáng của người dân địa phương lại bị một số đối tượng xấu kích động, xúi giục một bộ phận người dân khiếu nại gây khó khăn cho chủ đầu tư, khiến các nhà đầu tư nước ngoài chán nản, có ý định bỏ cuộc.

Thiết nghĩ, cẩn trọng trong thu hồi đất là điều cần thiết. Tuy nhiên, đối với những dự án việc thu hồi đất được tiến hành đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người dân và nhà nước thì phải được triển khai nghiêm túc, kịp thời để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.

Tổng Giám đốc Donacoop - Bùi Thanh Trúc: “Tình hình kinh tế khó khăn, các nhà đầu tư phải tự cân đối và bươn trải; Nhà nước cũng có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bằng các gói hỗ trợ tài chính, thông thoáng chính sách…

Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ khó tồn tại và phát triển nếu các nút thắt về thu hồi đất không được cởi bỏ. Hậu quả là ngoài việc chủ đầu tư thiệt hại nặng nề do dự án bị kéo dài nhiều năm, người dân mất lòng tin vào chính quyền, nút thắt này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư khi kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam”.

(Theo PLVN)

  • 129
  • By Admin
  • 14/05/2012
  • 17