Long An chủ trương thu hồi nhiều dự án không khả thi
"Những dự án chủ đầu tư kém năng lực tài chính cần thu hồi để giao lại những chủ đầu tư khác có năng lực thực hiện”, ông Nguyễn Minh Hạ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An cho biết.Theo ông Phan Thành Phi, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Long An, để tăng hiệu quả đầu tư của các khu công nghiệp, tỉnh đang thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ nhằm tránh tình trạng chủ đầu tư chuyển nhượng dự án thông qua việc thay đổi thành viên góp vốn, tỷ lệ góp vốn, hợp đồng hợp tác, liên doanh, liên kết.
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cho thấy, năm qua, toàn tỉnh có 22 dự án bị thu hồi, với tổng diện tích trên 1.600 ha. Như vậy, tính từ năm 2009 đến nay, tỉnh Long An đã thu hồi 34 dự án đầu tư với tổng diện tích đất thu hồi 12.100 ha đất (năm 2009, thu hồi 9 dự án với 10.976 ha; năm 2010, thu hồi 14 dự án với 562 ha).
Các dự án treo và chậm tiến độ tập trung tại 3 huyện Đức Hòa, Bến Lức và Cần Giuộc. Huyện Bến Lức hiện có 13 dự án treo nhiều năm nay, với tổng diện tích 820 ha, vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng. Các doanh nghiệp có dự án treo nhiều nhất là Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Long (4 dự án, tổng diện tích 410 ha, vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng), Công ty Công Ích (TP.HCM, 4 dự án, tổng diện tích 264 ha, vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng). Huyện Cần Giuộc hiện có 34 dự án triển khai chậm và có dấu hiệu treo, điển hình là các dự án Cảng Long An (Công ty Đồng Tâm), Kim Hoàn Mỹ, Khu công nghiệp xã Tân Tập (Công ty ACM và Vina Capital Group)...
Bên cạnh việc thu hồi các dự án treo, tỉnh Long An chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm… để phát huy những thế mạnh của địa phương.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cho biết, bên cạnh các dự án gia công ngành dệt may, da giày, nhựa, cơ khí..., các nhà đầu tư vào tỉnh đang hướng đến các dự án chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm để tận dụng thế mạnh về nguồn nguyên liệu, nhân lực và vị trí địa lý nằm cạnh TP.HCM.
Đơn cử, cuối năm 2011, Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) đã khởi công xây dựng Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm VISSAN tại xã Lương Bình, huyện Bến Lức. Cụm công nghiệp này có diện tích 22,4 ha, với tổng vốn đầu tư 150 triệu USD, trong đó giai đoạn I đầu tư 100 triệu USD và dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Các hạng mục của Cụm công nghiệp gồm nhà máy giết mổ lợn công suất 360 con/giờ, nhà máy giết mổ gia cầm công suất 2.000 con/giờ, nhà máy chế biến thực phẩm có công suất 75.000 tấn/năm...
Về lĩnh vực lâm sản, đại diện Công ty TNHH Vina Eco Board (thuộc Tập đoàn Sumitomo Forestry - Nhật Bản) cho biết, nhà máy sản xuất ván gỗ nhân tạo với số vốn đầu tư là 100 triệu USD, công suất 250.000 m3/năm tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh (Bến Lức) của Công ty đã hoàn thành 85%, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý I/2012.
“Gần 20 năm qua, tỉnh Long An đã được Chính phủ chọn để triển khai các dự án trồng rừng với sự tài trợ và hợp tác của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Đến nay, toàn tỉnh có trên 60.000 ha rừng tràm, phần lớn đang ở độ tuổi khai thác, chế biến gỗ. Đây là một trong những thuận lợi lớn về nguồn nguyên liệu cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao”, ông Lâm Trúc Nhỏ, Giám đốc Khu công nghiệp Phú An Thạnh cho biết.
(Theo VIR)
- 124
- By Admin
- 09/02/2012
- 17