Long An: Dân sống lay lắt chờ giải tỏa
Tuy nhiên cũng còn khoảng 8.000ha đất quy hoạch được nhà đầu tư làm “ba mứa” rồi bỏ đó, tỉnh không biết làm sao thu hồi.
Gia đình ông Nguyễn Văn Trọng sống lay lắt trong vùng đất bị quy hoạch làm khu công nghiệp ở xã Long Sơn, huyện Cần Đước (Long An) bằng nghề trồng lác. |
Ông Mai Văn Chính, bí thư Tỉnh ủy Long An, thừa nhận trước đây tỉnh đã nóng vội trong việc quy hoạch nên bây giờ chật vật đi khắc phục hậu quả.
Đất lúa trở thành cánh đồng hoang
"Bài học lớn trong vấn đề quy hoạch là phải thẩm định kỹ năng lực của nhà đầu tư, không nghe họ “nổ” nữa. Việc lập quy hoạch cũng phải cẩn trọng, không phải nhà đầu tư muốn chỗ nào mình gật đầu chỗ đó. Không phải họ muốn bao nhiêu đất mình cũng giao bấy nhiêu. Chỗ nào làm lúa và sản xuất nông nghiệp, thủy sản được thì kiên quyết không đụng đến..." Ông Mai Văn Chính (bí thư Tỉnh ủy Long An) |
Khoảng 10 năm trước, 400ha đất nằm cặp sông Vàm Cỏ thuộc xã Long Sơn, huyện Cần Đước đang sản xuất lúa hai vụ/năm được tỉnh Long An quy hoạch làm khu công nghiệp.
Người dân địa phương cho biết vùng đất này tương đối màu mỡ nhưng còn nhiễm phèn, nếu đào thêm kênh rửa phèn có thể làm ba vụ/năm. Từ khi bị quy hoạch, địa phương không đầu tư làm kênh, người dân cũng bỏ đất chờ được bồi thường nên từ đó đến nay cánh đồng bạt ngàn này không khác gì... cánh đồng hoang những năm chiến tranh. Mười năm trôi qua, khu công nghiệp đâu chẳng thấy, chỉ thấy người dân lần lượt bỏ xứ đi làm ăn xa. Những người còn ở lại cố sống bằng những nghề trồng lác làm chiếu, nuôi trâu bò cho ăn cỏ trên cánh đồng hoang. Vài người tiếc đất bỏ hoang đã cải tạo một ít làm lúa sống lay lắt chờ giải tỏa.
Ông Nguyễn Văn Trọng có thửa đất 2.000m2 trong vùng này nhưng phải bỏ hoang vì không có đường vào mà phải thuê đất bên ngoài trồng lác kiếm sống. Ông kể: “Lúc trước làm lúa trúng lắm, nhưng mấy năm qua bỏ không tiếc đứt ruột. Vợ chồng con cái trồng lác rất cực mà chỉ lấy công làm lời chứ không thể khá được. Nhiều lúc buồn định bỏ đi xa kiếm việc làm nhưng vợ chồng tui già rồi, đâu có ai thuê làm công nhân nữa nên bấm bụng ở lại”.
Gần đó, thửa đất rộng 5.000m2 của bà Nguyễn Thị Chưa bị “dính” quy hoạch cụm công nghiệp do Công ty Vĩnh Phong làm chủ đầu tư và đã được kê biên chuẩn bị bồi thường. Thế nhưng chờ hoài vẫn không thấy ai bồi thường, giải tỏa. Căn nhà xập xệ của bà Chưa dột nát mà không được sửa chữa. Miếng đất của bà bị con đê xẻ đôi, bên trong nhiễm phèn bỏ hoang, bên ngoài còn một ít đất trồng lúa để dành ăn chứ không bán được đồng nào.
Ông Lê Minh Đức, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, nói tỉnh đã có chủ trương bỏ quy hoạch 400ha ở xã Long Sơn, huyện Cần Đước để trả lại đất cho dân trồng lúa. Sở đã lập dự án xẻ kênh, rửa phèn cải tạo vùng đất hoang này để tiến tới sản xuất lúa ba vụ/năm. Khi nào tỉnh phê duyệt cấp kinh phí là bắt tay vào làm ngay.
1.500ha đất dự án khó thu hồi
Ông Mai Văn Chính cho biết toàn tỉnh Long An hiện có 30 khu công nghiệp và 40 cụm công nghiệp với hơn 15.000ha, nhưng chỉ có 17 khu công nghiệp và chín cụm công nghiệp đi vào hoạt động với diện tích khoảng 6.500ha. Còn lại hơn 8.000ha đất là quy hoạch “treo” nhiều năm, gây bức xúc trong người dân.
Ông Phạm Văn Rạnh, phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết tỉnh đang đau đầu với những dự án đầu tư nửa vời, tỉnh rất muốn thu hồi những dự án này nhưng quá khó. Tỉnh đã đưa vào danh sách “đen” 13 dự án mà nhà đầu tư không có khả năng thực hiện để vận động họ tự làm đơn xin rút lui. Tổng diện tích sẽ thu hồi trong một vài tháng tới khoảng 1.500ha, trong đó có rất nhiều đất trồng lúa.
Giải thích về thực trạng quy hoạch ở Long An, ông Mai Văn Chính nói do những năm trước đây tỉnh có nôn nóng thực hiện công nghiệp hóa, biến Long An từ một tỉnh thuần nông thành tỉnh công nghiệp. Tỉnh chưa đánh giá, chưa lường hết hậu quả của việc quy hoạch “giành đất” cho công nghiệp như hiện nay. Ngoài ra, còn có chuyện các sở, ngành nghe các nhà đầu tư “nổ” họ có vốn lớn, cần đất để đầu tư dự án mà vội vàng đề nghị giao đất. Tỉnh thiếu thẩm định hoặc thẩm định không tới nên cứ giao đất, cấp giấy chứng nhận đầu tư...
Ông Chính cho biết sự nôn nóng, thiếu chắc chắn trong việc thu hút đầu tư đã trả giá rất lớn là quy hoạch treo quá nhiều, giờ phải mất thời gian, công sức giải quyết hậu quả.
(Theo TTO)
- 142
- By Admin
- 10/10/2012
- 17