• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Long An: Ban bồi thường làm “dịch vụ” cho doanh nghiệp

Năm 2006, hơn 200 hộ dân tại xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, Long An bị thu hồi đất để giao cho KCN Tân Đô. Đằng sau việc thu hồi này là một dịch vụ giải tỏa đất của dân giữa ban bồi thường huyện và chủ đầu tư.

Hệ quả là người dân không được thỏa thuận với nhà đầu tư, thay vào đó là ban bồi thường ra thông báo áp giá.

Hợp đồng kinh tế kỳ lạ!

Theo hợp đồng kinh tế (HĐKT) ký giữa chủ đầu tư KCN Tân Đô với Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) huyện Đức Hòa thì ban này có trách nhiệm họp dân thông báo chủ trương quy hoạch đến áp giá bồi thường, giải quyết khiếu nại của dân… Đổi lại, Ban BTGPMB được nhận hơn 1 tỉ đồng.

HĐKT số 48/HĐKT-BTGPMT về việc “kê biên giải phóng mặt bằng giao Công ty Tân Đô xây dựng hạ tầng công nghiệp” được ông Nguyễn Tất Thắng - Giám đốc Công ty Tân Đô (đại diện bên A) và ông Nguyễn Đa Nhiêm - Trưởng ban BTGPMB huyện Đức Hòa (đại diện bên B) ký ngày 8-2-2006. Hợp đồng có tám điều khoản với nội dung cụ thể như sau: Bên B được đại diện cho bên A thực hiện toàn bộ các công việc liên quan đến kê biên 3,095 triệu m2 đất của 209 hộ dân tại xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa đồng thời lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Long An: Ban bồi thường làm “dịch vụ” cho doanh nghiệp | ảnh 1
KCN Tân Đô vẫn còn dang dở sau sáu năm. Ảnh: N.ĐỨC

Long An: Ban bồi thường làm “dịch vụ” cho doanh nghiệp | ảnh 2
HĐKT tiền tỉ giữa ban bồi thường với chủ đầu tư. Ảnh: N.ĐỨC

Tại Điều 2 và 3 của hợp đồng ghi hợp đồng được tiến hành trong 180 ngày và có tám nội dung bên B phải thực hiện theo yêu cầu của bên A gồm: họp dân thông báo chủ trương quy hoạch; lập biên bản kê biên từng hộ dân về diện tích đất, tài sản trên đất và các vấn đề khác có liên quan đến việc lập phương án bồi thường; tiến hành áp giá, lập phương án bồi thường hoàn chỉnh trình Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư huyện Đức Hòa và UBND huyện Đức Hòa để phê duyệt; tham mưu cho UBND huyện Đức Hòa ra quyết định bồi thường cho từng hộ dân...

Ở Điều 4 và Điều 5, hai bên xác định “giá trị HĐKT” được tính theo “tỉ lệ %” với số tiền “tạm tính” là 1,032 tỉ đồng và thanh toán chia làm ba đợt. Tại Điều 5 có ghi “Ban BTGPMB là đơn vị hành chính sự nghiệp của Nhà nước nên không có hóa đơn giá trị gia tăng mà chỉ có phiếu thu-chi”. Ở Điều 6, hai bên xác định rõ “trách nhiệm” phải làm. Cụ thể: Đối với bên B: Tổ chức thực hiện toàn bộ các công việc quy định tại Điều 3 của HĐKT, đảm bảo đúng cam kết như đã thỏa thuận. Ngoài ra, bên B phải giải quyết các khiếu nại có liên quan đến tài sản trên đất và các chính sách mà người bị thiệt hại được hưởng theo quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm, khi có khiếu nại về giá bồi thường đất và tài sản trên đất hay phát sinh vướng mắc thì bên B kết hợp với bên A cùng các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Hai bên phối hợp thống nhất việc chi trả tiền bồi thường, địa điểm chi trả và thông báo cho các hộ dân biết...

“Đó là làm thuê, ép dân”

Đại tá, thương binh Trần Xuân Trí, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa bức xúc khi nhìn thấy HĐKT giữa ban bồi thường và Công ty Tân Đô. Ông đặt vấn đề: “Lâu nay tôi chỉ nghe râm ran là ban bồi thường đại diện cho địa phương “đi đêm” với doanh nghiệp để áp giá, cưỡng chế lấy đất của dân. Nhưng khi nhìn thấy bản hợp đồng thì quả thật không thể tin nổi. Hợp đồng này là một vụ làm ăn, trong khi lẽ ra ban bồi thường phải để người dân thỏa thuận với chủ đầu tư vì đây là dự án tư nhân làm kinh tế. Ban bồi thường huyện ký hợp đồng làm tất cả các khâu để giao đất sạch cho nhà đầu tư là phạm luật. Đây thực chất là ban bồi thường đi làm thuê. Tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh phải xử lý ngay, tránh để xảy ra tiền lệ”.

Ông Đỗ Văn Được, người bị thu hồi 13.435 m2 đất làm dự án, bức xúc cho biết: “Đất tôi có quyền sử dụng đất hẳn hoi, tôi trồng tràm từ năm 2002, đến 2006 thu hồi nhưng áp giá chỉ 40.000 đồng/m2, tràm bốn năm tuổi chỉ có giá 1.200 đồng/cây!... Đây là dự án làm kinh tế thì lẽ ra chủ đầu tư phải thỏa thuận với dân chứ sao ban bồi thường lại đi áp giá và hợp đồng với nhà đầu tư? Hiện dự án này mấy năm nay vẫn bỏ hoang, hàng trăm hộ dân chúng tôi thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Sáu năm qua người dân bỏ đi làm thuê khắp nơi”. Hiện ông Được vẫn kiên trì kiện nhà đầu tư đòi bồi thường thiệt hại hơn 12.000 cây tràm bị ủi. Ông Nguyễn Văn Hà, công nhân ở KCN Đức Hòa, cho biết: “Nhà tôi bị thu hồi đất trồng cây và được đền bù hơn 100 triệu đồng, thấy ban bồi thường thông báo vậy, dân có khiếu nại thì bảo là Nhà nước quy định thế, tôi sợ khiếu nại rồi không đi đến đâu!”.

Một thẩm phán TAND tỉnh Long An bình luận về hợp đồng này: “Đây là một hợp đồng trái luật, vì ban bồi thường là cơ quan hành chính sự nghiệp nhà nước, thực hiện chức năng nhiệm vụ theo quy định của Nhà nước chứ không thể tham gia ký HĐKT kiểu dịch vụ như vậy được. Việc ký hợp đồng này là một giao dịch dân sự, được thực hiện bởi một chủ thể đại diện cho Nhà nước và một công ty tư nhân để áp giá bồi thường cho người dân là vi phạm nghiêm trọng”.

Trao đổi với PV về bản hợp đồng trên, bà Võ Thị Tuyết - Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa, Long An cho biết: “Tôi mới được phân công làm chủ tịch nên chưa nắm rõ sự việc. Tôi sẽ đề nghị các đơn vị liên quan kiểm tra lại rồi trả lời báo chí sau”.

Tỉnh sẽ yêu cầu báo cáo và làm rõ

Tôi chưa nắm rõ vụ việc, phía huyện cũng chưa có báo cáo. Tôi sẽ chỉ đạo phía huyện sớm báo cáo vụ việc để xem việc ký hợp đồng có đúng luật không. Hiện tôi chưa thể trả lời là đúng hay sai. Tỉnh sẽ chỉ đạo kiểm tra vụ việc này.

Ông Phạm Văn Ranh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An

(Theo PLTP)

  • 0
  • By Admin
  • 04/06/2012
  • 17