• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Lối ra nào cho thị trường vật liệu xây dựng?

Năm 2012 được dự báo ngành xây dựng vẫn còn nhiều khó khăn, vì vậy ngành VLXD còn phải đương đầu với nhiều thách thức. Tuy nhiên, ngành này có tìm được lối ra hay không vẫn là bài toán nan giải.

Lối ra nào cho thị trường vật liệu xây dựng? | ảnh 1
Thị trường VLXD chịu ảnh hưởng lớn từ ngành xây dựng.

Trao đổi với phóng viên tamnhin.net, TS Trần Văn Huynh, chủ tịch Hội VLXD Việt Nam cho rằng: Ngành VLXD sẽ phải đi trước một bước để chuẩn bị mọi điều kiện để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phát triển…

VLXD quan hệ mật thiết với ngành Xây dựng

Chia sẻ với phóng viên Tamnhin.net, TS Trần Văn  Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đã nói về ngành VLXD những mặt đã đạt được trong năm 2011 và những việc cần làm trong năm 2012 .Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, cùng với việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, nhiều công trình xây dựng phải dừng hoặc đình hoãn đã ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất và tiêu thụ VLXD. Bởi vì vật liệu xây dựng là “bánh mì” của ngành xây dựng, tức là anh có vật liệu xây dựng thì anh mới xây dựng được. Do đó, VLXD luôn luôn phải đi trước một bước thì mới tạo điều kiện cho xây dựng phát triển. Nhưng không có công trình xây dựng thì vật liệu xây dựng cũng “chết”. Như vậy, giữa VLXD và ngành xây dựng có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, ngành VLXD vẫn có được những kết quả khả quan. Ví dụ với mặt hàng xi măng, rõ ràng tiêu thụ xi măng trong nước giảm lại. Dự kiến tiêu thụ năm 2011 khoảng 55 triệu tấn, nhưng tiêu thụ trong nước chỉ được 49 triệu tấn. Song xi măng đã tìm con đường khác bằng cách xuất khẩu được trên 5 triệu tấn. Như vậy, tổng số tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cũng xấp xỉ mức kế hoạch đề ra là 55 triệu tấn. Nhờ vậy, giá cả vẫn ổn định. Mặc dù hiện nay có nhiều nhà máy tồn kho nhiều nhưng cuối cùng vẫn giữ được sản xuất bình thường. Tất nhiên có một số nhà máy đầu tư công nghệ lạc hậu, sản xuất ra tiêu hao vật chất nhiều, không có hiệu quả phải đóng cửa như nhà máy xi măng Thanh Liêm.

TS Trần Văn Huynh cũng chia sẻ thêm, chúng ta không đặt ra hướng xuất khẩu xi măng. Bởi vì, xuất khẩu xi măng không hiệu quả lắm. Làm xi măng cần vốn đầu tư lớn, tiêu hao năng lượng nhiều. Giá xi măng thường có lên có xuống, và xuất khẩu là một hướng để trợ giúp thôi chứ không phải là chiến lược phát triển. Còn các vật liệu xây dựng khác như gạch Ceramic, gạch Granite, gốm sứ vệ sinh, thủy tinh, đá ốp lát… thì chúng ta đặt ra chủ trương xuất khẩu rõ ràng. Cho nên phải tập trung sản xuất để phát triển xuất khẩu. Ví dụ, gạch Ceramic ta có khả năng làm được, hơn nữa giá trị xuất khẩu cao. Hiện Việt Nam đứng hàng thứ 8 trong bảng xếp hạng các nước sản xuất gạch Ceramic hàng đầu thế giới rồi.

Ngoài ra, đá Granite, đá cẩm thạch trắng xuất khẩu với giá 50 -100 USD/m2, tức là 1 tấn xuất khẩu có thể thu được 1.500 – 2.000 USD. Rõ ràng mặt hàng này có hiệu quả xuất khẩu cao hơn xi măng nhiều, 1 tấn xi măng xuất khẩu cũng chỉ thu được kim ngạch là 40-50 USD. Do đó chúng ta phải tìm mặt hàng có giá trị để xuất khẩu nhằm tăng thu nhập cho đất nước, chứ không phải xuất khẩu tràn lan do nguồn tài nguyên thiên nhiên luôn có hạn.

Hạn chế nhập khẩu… tăng xuất

Cũng theo Trần Văn Huynh thì năm 2012, thấy trước tình hình còn nhiều khó khăn, kéo theo lĩnh vực xây dựng vẫn tiếp tục bị hạn chế. Do đó tiêu thụ vật liệu xây dựng cũng không thể phát triển nhanh được.

Ví dụ: “xi măng cũng chỉ tính toán tiêu thụ với số lượng khoảng 55 triệu tấn, phấn đấu đạt 60 triệu tấn. Năm vừa qua chúng ta xuất khẩu được 5 triệu tấn thì năm nay cố gắng duy trì từng đó. Các loại vật liệu khác như đá ốp lát chúng tôi nhận thấy thị trường thế giới còn nhiều khả năng. Cho nên cố gắng đẩy mạnh sản xuất đá ốp lát để xuất khẩu, nhất là vừa rồi ta đã đẩy mạnh xuất khẩu đá ốp lát nhân tạo có giá trị khá cao, giá thành khoảng 100 USD/m².”

Bên cạnh việc xuất khẩu, có một việc rất quan trọng, đó là làm thế nào để hạn chế nhập khẩu. Chúng ta phải tìm cách để thị trường trong nước là thị trường của mình. Nếu để nước ngoài chiếm thị trường trong nước thì gay go. “Xi măng chúng ta đang chiếm ưu thế tuyệt đối rồi nhưng lo nhất là ngành gốm sứ. Hiện nay hàng gốm sứ Trung Quốc nhập vào Việt Nam rất nhiều. Do đó phải tìm cách hạn chế điều này để phát huy nội lực của các mặt hàng gốm sứ trong nước. Chúng tôi cũng bàn với các hội viên của Hội làm thế nào nâng cao chất lượng sản phẩm lên để cạnh tranh được với hàng nước ngoài. Mặc dù có thể giá điện, giá than còn tiếp tục tăng, nhưng nếu vật liệu xây dựng cũng tăng giá thì cũng rất khó khăn. Phải tìm cách tiết kiệm năng lượng để giảm được giá thành xuống. Như vậy mới có thể cạnh tranh được với hàng nước ngoài.” – TS Huynh nói thêm.

Thứ hai phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay chất lượng của hàng Việt Nam cũng khá tốt nhưng phải tiếp tục hoàn thiện hơn. Vì bây giờ hàng Trung Quốc cũng “đánh” hàng Việt Nam bằng chất lượng. Trước đây chất lượng hàng của họ rất kém nhưng nay họ cũng đã đưa sang Việt Nam những hàng chất lượng tốt để đánh bại sản phẩm của mình.

Như vậy chúng ta có thể tin rằng nếu thực hiện được mục tiêu giảm lãi suất, hạ thấp lạm phát, vốn đầu tư các công trình tăng lên thì  rất tốt. Nếu thời gian tới chúng ta giải quyết được các vấn đề ấy thì sẽ thu hút nhiều hơn nguồn đầu tư nước ngoài. Đó là vấn đề rất quan trọng. Nếu đầu tư trong nước cộng với đầu tư nước ngoài được đẩy mạnh thì rõ ràng tạo điều kiện cho kinh tế nói chung và vật liệu xây dựng nói riêng phát triển.

Tuy nhiên, ngành vật liệu xây dựng cũng phải sẵn sàng đón trước xu hướng phát triển. Sau khủng hoảng bao giờ cũng đến thời kỳ thái lai, tức là sau khó khăn thì sẽ đến thời kỳ kinh tế phát triển lên. Khi đó, phải chuẩn bị mọi điều kiện để đón thời cơ.

Hiện nay do một số công trình xây dựng dừng thi công nên các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng cũng dừng theo. Ví dụ các nhà máy xi măng, những công trình chúng ta đưa vào quy hoạch xây dựng từ nay đến năm 2020 hiện bị đình hoãn - không được triển khai do thiếu vốn. Do đó, phải chuẩn bị phương án đề phòng trường hợp khi kinh tế chúng ta hồi phục và phát triển là thiếu xi măng. Vì vậy phải có biện pháp giữ cho được tiến độ xây dựng các nhà máy xi măng vì đầu tư xi măng không phải một lúc mà có ngay, phải mất vài ba năm. Khi hết khủng hoảng, kinh tế phát triển rồi mới bắt đầu đầu tư xây dựng thì không kịp.

Phát biểu tại một hội thảo mới đây, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh, tiềm năng XK của ngành VLXD với nhiều lợi thế như: Nguồn nguyên liệu sẵn có, công nghệ sản xuất VLXD đã có bước phát triển, đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, chi phí nhân công không cao…

Tuy nhiên, Thứ Trưởng Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng, kết quả đạt được (kim ngạch XK chưa đạt 500 triệu USD) chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Trong thời gian tới, ngành VLXD cần phấn đấu để đưa mặt hàng VLXD trở thành một trong những mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam.

Các doanh nghiệp cần nâng cao tính tích cực, chủ động trong việc tìm kiếm và thâm nhập thị trường nước ngoài, tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành VLXD ở nước ngoài, đầu tư hơn nữa cho việc quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam, tích cực liên hệ với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để được tư vấn, giới thiệu các cơ hội hợp tác kinh doanh.

(Theo Tamnhin.net)

  • 234
  • By Admin
  • 17/02/2012
  • 17