• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Lợi nhuận của DN địa ốc ngày càng "teo tóp"

Mãi lực thị trường kém khiến giá trị hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp không giảm trong quí 2 vừa qua; trong khi đó chi phí hoạt động tài chính, vốn vay ngân hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tiếp tục tạo áp lực không nhỏ lên nhiều chủ đầu tư hiện nay.

Lợi nhuận của DN địa ốc ngày càng "teo tóp" | ảnh 1
Một góc khu đô thị với những dự án đã và đang xây dựng tại quận 7, TPHCM. Ảnh: Đình Dũng

Nhìn vào số liệu của các công ty có niêm yết, có thể nói với một công ty địa ốc có vốn cả ngàn tỉ đồng thì mức lợi nhuận vài trăm triệu ghi nhận trong quí 2 vừa qua chỉ mang tính tượng trưng.

Trong số các doanh nghiệp, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế khoảng 361 triệu đồng trong quí 2 vừa qua. Giá trị hàng tồn kho – chủ yếu gồm giá trị quỹ đất, chi phí san lấp mặt bằng, chi phí đầu tư cho các dự án dở dang – tăng từ 2.590 tỉ đồng từ đầu năm lên 2.846 tỉ đồng tính đến cuối tháng 6 vừa qua.

Tương tự, mặc dù vẫn có lãi nhưng Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế của mình trong quí vừa qua ở mức 404 triệu đồng, giảm rất mạnh so với mức 22,5 tỉ đồng so với cùng thời điểm năm ngoái.

Công ty cổ phần dịch vụ xây dựng địa ốc Đất Xanh cũng chẳng khá hơn khi mức lợi nhuận giảm mạnh từ khoảng 10 tỉ đồng trong quí 1 xuống còn 2 tỉ đồng hết quí 2.

Giải thích nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh giảm, Đất Xanh cho rằng một phần là do đặc thù của ngành kinh doanh bất động sản nên các sản phẩm đã bán nhưng chưa hoàn tất thủ tục bàn giao nên chưa đủ điều kiên ghi nhận doanh thu, một phần là do tình hình kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn và sức mua giảm.

Với Công ty cổ phần phát triển hạ tầng và bất động sản Thái Bình Dương (PPI) thì việc doanh thu và lợi nhuận ở lãnh vực xây dựng cầu đường giảm cũng tác động vào kết quả kinh doanh của công ty này trong quí vừa qua với lợi nhuận sau thuế chưa đầy 1,2 tỉ đồng, chỉ bằng 1/3 mức lợi nhuận cùng thời điểm năm ngoái.

Theo giải thích của PPI, mặc dù lãnh vực bất động sản có doanh thu nhưng do thị trường bất động sản ảm đạm khiến công ty phải tăng chi phí cho việc bán hàng. Bên cạnh đó, lãi suất vay ngân hàng vẫn ở mức cao làm tăng chi phí tài chính dẫn tới lợi nhuận từ lãnh vực này giảm trong quí vừa qua.

Không chỉ có các doanh nghiệp phát triển địa ốc mới chịu áp lực từ việc tồn kho tăng và mãi lực giảm, các doanh nghiệp hoạt động trong lãnh vực sản xuất cung ứng vật liệu xây dựng cũng đang rất chật vật trước tình hình thị trường bất động sản khó khăn kéo dài trong mấy năm qua. Chẳng hạn như lãnh vực sản xuất và tiêu thu xi măng.

Theo số liệu của Hiệp hội xi măng Việt Nam, mức tiêu thụ xi măng trong 6 tháng qua khoảng 23 triệu tấn, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, và lượng xi măng sản xuất cũng giảm 10% xuống còn khoảng 24 triệu tấn.

Hiệp hội này cho biết do cung lớn hơn cầu và sức tiêu thu nội địa giảm nên một số doanh nghiệp tìm cách xuất khẩu xi măng và clinker sang các thị trường lân cận. Tuy nhiên, việc xuất khẩu hiện nay cũng không dễ bởi tính cạnh tranh của mặt hàng này trong khu vực khá gay gắt, bên cạnh những yếu tố như điều kiện dịch vụ hậu cần logistics còn yếu kém và sự cạnh tranh của chính các doanh nghiệp với nhau.

(Theo TBKTSG)

  • 0
  • By Admin
  • 31/07/2012
  • 17