• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Lối đi trong nhà phố

Dùng phần diện tích sử dụng để đồng thời làm lối đi thì đúng là kiến trúc sư đẳng cấp mới giải quyết được. Vì định ra được kiểu lối đi ẩn ẩn, hiện hiện đó phải tùy nơi, tùy lúc, tùy loại công năng của không gian sử dụng mà quyết định.

Lối xe

Mỗi nhà ở đô thị bây giờ thường có không ít hơn hai chiếc xe gắn máy. Nhà phố thì ra vào chỉ có một cửa chính cho mọi thứ, xe cũng như người, chủ lẫn khách, cũng như cho việc bếp núc.

Tổ chức được một lối đi tương đối độc lập, tế nhị với chỗ tiếp khách được xem là rất thành công cho kiến trúc sư. Vì trong nhiều nhà hiện nay, có khi xe với khách "ở chung" một phòng salon! Sống chung với xe máy như vậy nên rất cần tạo được cảm giác phân biệt chỗ cho người, chỗ cho phương tiện bằng đoạn lan can, hay chút khác biệt về cao độ hoặc vật liệu.

Lối bếp

Bếp Việt không thể không gắn với một sân nước. Đó là nơi dành cho nhiều thứ đặc thù của bà nội trợ Việt Nam. Bà chủ có thể từ phòng riêng ra vào giang sơn (nhà bếp) của mình hoặc đứng làm bếp mà không bị "chiếu tướng" từ phòng khách là chi tiết thiết kế được đánh giá cao. Việc phòng khách, phòng ăn trực tiếp với cửa WC thường được lưu ý né tránh, nhưng nếu khách dùng WC mà phải đi qua bếp thì cũng không tế nhị chút nào.

Lối đi phòng thờ

Tâm lý chung muốn đặt bàn thờ ở nơi tôn kính đã đưa đến giải pháp tối ưu là đẩy không gian thờ cúng lên tầng cao nhất: để không có lối đi lại trên đầu. Điều này rất hợp lý nhưng phiền cho người già, người thường xuyên chăm sóc phòng thờ, lên xuống rất bất tiện vì lý do sức khỏe. Đôi khi có giải pháp hợp lý đặt không gian thờ tự ở tầng trệt thì lối qua lại trước bàn thờ cũng nên cấm ngặt đối với đồ dơ bếp núc hoặc lối vào WC.

Lối đi không chỉ để đi

Đó là một phần khoảng trống trong các diện tích có chức năng (tiếp khách, ăn, làm việc, sinh hoạt chung...) dùng để kết nối với không gian công năng khác liền kề. Đây là một phần không gian chức năng nhưng không cản trở việc di chuyển. Nghiễm nhiên nó trở thành lối đi khi cần thiết, mà vẫn đảm đương bộ mặt nội thất của một không gian công năng nào đó.

Tổ chức được điều này thì thật là quý vì tính tự nhiên, ấm cúng mà linh hoạt trong nội thất ngôi nhà. Ngược lại, có những không gian chỉ dùng để đi lại trong nhà như cầu thang, hàng lang. Nhưng sẽ thật lãng phí nếu dành khá nhiều diện tích trong ngôi nhà phố nhỏ chỉ để đi lại mà thôi. Tổ chức trang trí lối đi cầu thang, hành lang... như một không gian trưng bày trong nhà để làm giảm sự khô cứng của phần diện tích dành cho di chuyển.

KTS Nguyễn Văn Tất

Theo Nhà Đẹp
  • 270
  • By Admin
  • 03/07/2009
  • 17