Loạn giá đất phía tây Hà Nội (bài 2): Nguy cơ bong bóng bất động sản
>> Loạn giá đất phía Tây Hà Nội: Đất hay người mê sảng?
Trung tâm tư vấn nhà đất kiêm sửa xe máy và bán quần áo trẻ em
Người người lướt sóng
Trên đường về, chúng tôi tạt vào một quán nước ngay trung tâm huyện Thạch Thất, tình cờ gặp bà Trần Thị Thủy, chủ quán cơm Nhật Lệ, ở thị xã Sơn Tây cũng lên đây tìm đất. Thấy xe mang biển số Hà Nội, bà Thủy niềm nở bắt chuyện: “Mấy ngày đầu tháng 5 này, đi đến đâu cũng thấy người ta nói chuyện về các địa danh như Yên Bài, Vân Hòa (Ba Vì, Hà Nội), rồi Yên Bình, Tân Xã, Hạ Bằng, Tiến Xuân… (Thạch Thất, Hà Nội). Giá cả đất cát cứ tăng từng ngày. Như bản thân tôi là dân gốc ở đây, nên toàn người quen điện thoại ầm ầm nhờ tìm đất. Nếu như trước người ta tính diện tích bằng sào, bằng mẫu thì giờ chỉ còn được tính bằng mét mặt đường, thậm chí mét vuông”.
Bà Thủy tiết lộ: “Dân Hà Nội lên mua đông như hội. Có người mua tháng trước, giờ đã lãi gấp 2-3 lần, anh bảo làm ăn gì cho lại được, thế nên càng ngày càng nhiều người lao vào đầu tư. Thậm chí có người vừa mua hôm trước, thủ tục giấy tờ còn chưa xong thì cuối tuần đã bán luôn vì thấy có lãi cả trăm triệu đồng rồi. Mua bán cứ như ăn cướp thế nên nhiều khi chỉ tin nhau cái giấy viết tay vì cũng chẳng có thời gian mà chờ… đúng luật. Người ta bán xong, thu hồi vốn tìm mảnh khác đầu tư tiếp”.
Ông Nguyễn Văn Sâm - Phó Công an xã Vân Hòa than phiền: “Vì việc sốt đất cũng chỉ mới xảy ra thời gian gần đây nên chưa có vụ việc nào liên quan đến khiếu kiện xung quanh những giao dịch mua bán đất. Tuy nhiên qua nắm tình hình chung thì phải khẳng định những giao dịch chưa đảm bảo tính pháp lý là có. Nếu cứ cái đà mua bán như thế này thì tới đây khéo chúng tôi suốt ngày phải tập trung vào giải quyết việc đất đai mất”.
Phỏng đoán nguyên nhân cho cơn sốt này, ông Sâm nhận định: Việc đất tăng giá chóng mặt nhiều khi cũng do đội ngũ cò thổi giá nhằm lướt sóng. Vì dụ như gia đình anh A bán được 100 triệu, gia đình anh B thấy vậy bèn nhờ cò tìm khách hộ với giá 110 triệu. Cò muốn có hoa hồng cao bèn hét với khách giá 120 triệu đồng để ăn chênh lệch… Cứ như thế, người nọ qua tay người kia đẩy giá cả lên chóng mặt.
Nhà nhà bán đất
Bao giờ hạ nhiệt?
Ông Sâm bảo: “Giá đất tăng kinh khủng như thế khiến người dân như lạc vào cơn mê sảng. Tiền từ tay mấy vị dưới Hà Nội lên bay vào túi người dân. Thế là bao mơ ước ấp ủ của họ bấy lâu nay có cơ hội thành hiện thực. Chẳng biết khi tỉnh cơn mơ thì sẽ như thế nào. Bây giờ ra đường, khối anh thanh niên mới trước đó còn quần xắn móng lợn đi cày nay đã thấy phóng xe ga Airblade chạy vù vù. Điện thoại có giá cả chục triệu đồng suốt ngày bấm tít tít. Thế là đất ông cha để lại, “sổ đỏ” Nhà nước giao đấy cứ thế mà tách ra bán. Tách ít thì tiền ít. Tách nhiều thì tiền nhiều. Bà con xưa nay vốn chỉ lên đồi trồng cây, làm rẫy, bán mặt cho đất, bán lưng cho giời, thu nhập chẳng đủ ăn, nay có cơ hội đổi đời. Ai cẩn thận thì dành lại một phần rồi bán đi phân nửa. Ai “máu” hơn thì chỉ dành lại đúng vuông nhà đang ở. Ở cái xã có vỏn vẹn hơn 1.900 hộ dân với 9.332 nhân khẩu mà thu nhập chủ yếu dựa vào nông nghiệp này, đất đai đang được coi như một thứ hàng hóa giản đơn và… sắp hiếm”.
Ông Vũ Đức Bảo - Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Thạch Thất lo âu: “Khoảng 1 tháng trở lại đây, các giao dịch về đất của địa phương tăng đột biến gấp mấy lần so với tháng trước khiến anh em chúng tôi làm không xuể. Quy hoạch thì chưa thấy có ai giao đến mình, cũng chưa hề có công bố chính thức và cũng chưa có ai quản lý, chỉ có mỗi tin đồn về cái trục Thăng Long nghe đâu có… chạy qua đây. Vậy mà giao dịch đã tăng 2-3 lần so với trước cả về số lượng lẫn giá cả. Các dự án cũ của Hà Tây thì hiện nay vẫn đang phải tạm dừng”.
Đáng lo là ở chỗ, toàn bộ những giao dịch trong thời gian qua hầu hết được thực hiện một cách vội vã và khi những mảnh đất được biến thành tiền ấy lại đang được những người nông dân tiêu pha vung vít. Có một thực tế không thể phủ nhận là đất ở đây đang rất… nóng mà không ai hiểu vì sao. Chính vì thế, mới đây UBND huyện Thạch Thất đã phải tổ chức một buổi họp với các chủ tịch UBND cấp xã và các cán bộ chuyên ngành để khuyến cáo người dân nên thực hiện các giao dịch về đất đúng pháp luật để đề phòng những điều bất trắc, ấy vậy mà chẳng mấy người quan tâm - ông Bảo nói. Chỉ e rằng, khi có thông tin chính thức từ cấp trên về quy hoạch không đúng như toan tính của người dân và giới đầu cơ thì mọi bong bóng sẽ nổ, lúc đó hệ lụy sẽ không biết thế nào.
Tuy nhiên, trái ngược với sự lo lắng của ông Bảo, ông Sâm, tại những quán nước tạm bợ ven đường Láng - Hòa Lạc hay dọc tuyến đường lên Phúc Thọ, Ba Vì… những ngày này, người ta vẫn túm năm, tụm ba để nhận định về giá đất. Mấy bác “xe ôm”, mấy anh thợ gỗ… vẫn điện thoại và nhắn tin tíu tít để dẫn khách đầu tư với hy vọng đổi đời.
Theo ANTĐ
- 149
- By Admin
- 18/05/2010
- 17