Loạn giá đất phía Tây Hà Nội: Đất hay người mê sảng?
Sốt xình xịch
Chưa bao giờ người dân Ba Vì lại chứng kiến cảnh người nội thành Hà Nội lại lũ lượt đổ về đây mua đất, mua nhà nhiều đến thế. Và cũng chỉ cách đây độ 2 tháng, hầu hết bản thân những nông dân một nắng, hai sương ấy có nằm mơ cũng không hình dung được những mảnh đất rẻ như... đất của mình bỗng chốc đắt như vàng.
Với chiếc xe 4 chỗ láng cóng mượn của anh bạn, tôi thừa sức đánh bật tất cả những nghi ngờ của cò Bình để chiếm trọn sự nhiệt tình, vồn vã khi bắt anh ta dẫn đi xem hàng loạt mảnh đất giữa trưa hè nắng gắt: “Bạn chú giới thiệu tới anh là đúng chỗ đấy. Giá đất ở đây bây giờ biến động theo ngày, không nhạy bén, cương quyết là cơ hội tuột ngay trước mắt... ”. Sự “nhạy bén” của Bình cũng chỉ mới bắt đầu được 1 tháng nay.
Vốn là một anh thợ gỗ, nhưng kể từ khi có thông tin Đồ án Quy hoạch Thủ đô sẽ xây dựng trục Thăng Long từ trung tâm đến Ba Vì thì anh thợ gỗ này lập tức kiêm thêm luôn cả việc môi giới nhà đất. Chỉ tay ra cửa, Bình tiếp thị: “Ngoài kia anh đang có 3 mảnh chính chủ, đất thổ cư, “sổ đỏ” đàng hoàng. Chú quyết mảnh nào “xuống tiền” ngay mảnh đó, giá ngày hôm nay là 200 triệu…”. Chúng tôi theo chân Bình vòng vèo qua những con đường đất để vào xóm Bơn (Vân Hòa - Ba Vì), vừa đi Bình vừa nói như học thuộc lòng: “Mảnh này hơn 2.000m2, trong đó có 200m2 đất ở, còn lại là đất vườn. Cách đây 1 tuần chủ nhà đòi 170 triệu đồng/sào, nhưng bây giờ thì chẳng còn giá đó. Đúng 200 triệu đồng, nếu có bớt thì chỉ gọi là tí ti”.
Trước mặt tôi là một căn nhà nhỏ cũ kĩ nằm lọt thỏm giữa lưng quả đồi trồng bạt ngàn cỏ voi. Tôi thực sự “choáng” khi ông chủ đất Nguyễn Văn Đức ném toẹt cuốn “sổ đỏ” ra trước mặt cho biết, cái mảnh đất tôi sẽ mua chính là vạt đồi trồng toàn cỏ voi và gần chục cây keo còi cọc ấy. Ông Đức nói thẳng: “Anh ưng thì “cốp” tiền ngay, tôi đang bận làm nhà, không nhận đặt cọc, không mặc cả nhiều. Không bán cho anh tôi vẫn còn đầy khách khác đang hỏi. Sang tuần chắc không thể có giá 200 triệu đồng nữa”.
Lấy lý do: 2.000m2 vẫn… hơi bé, mảnh đất nằm tít trên đồi cao, lại không có lối vào, tôi đề nghị cò Bình đưa đi xem mảnh khác. Bình cười tít: “Không sao, tôi còn mảnh khác rộng 1,2 mẫu. Chắc hợp với chú”. Nói đoạn Bình rút di động bấm nhoay nhoáy gọi cho cò… thứ cấp.
Không phải đất của mình cũng bán
Mảnh đất lần này Bình đưa tôi đến thuộc xóm Muồng Phú Vàng nằm cách mặt tuyến đường Khoang Xanh - Suối Tiên không xa. Chủ đất Khuất Văn Thắng đưa cho tôi cuốn “sổ đỏ” phô tô mang tên Trần Nguyệt Hà cam đoan: “Đất này là của tôi, nhưng mang tên người khác ở Hà Nội (?!). Nếu chú đồng ý mua cả 4.000m2 đó thì tôi bán chứ không cắt nhỏ. Giá là 230 triệu đồng/sào”. Cũng giống như chủ mảnh đất trước, ông Thắng không nhận đặt cọc: “Chúng tôi bán theo phương thức “sổ đỏ” trao tay, nghĩa là chú trao tiền cho tôi một lần, tôi trao “sổ đỏ” cho chú. Còn những chi phí khác để làm nghĩa vụ thuế, sang tên đổi chủ… thì bên mua chịu”.
Tuy nhiên, khi tôi đòi xem sổ gốc thì ông Thắng mới lộ rõ mình là cò: “Nói thật, mảnh này là anh mua chung với 2 người nữa. Nhưng anh được quyền bán, chú yên tâm đi, giấy tờ anh khắc lo được”. Để tôi tin tưởng, cò Thắng trấn an thêm: “Nếu chú “xuống tiền” anh đảm bảo sẽ đưa cán bộ xã đến tận đây làm thủ tục… bàn giao “sổ đỏ”. Thế là hợp pháp chứ gì?”. Nghe tôi phản bác, anh không thể mang đất của người khác đi bán khi mà anh không có một giấy tờ pháp lý nào chứng minh mảnh đất đó thuộc quyền sử dụng của mình, cò Thắng nhìn tôi như người ngoài hành tinh: “Chú nói buồn cười, tôi cầm “sổ đỏ”, có giấy viết tay của chủ cũ thì mảnh đất ấy là của tôi chứ của ai”.
Theo cò Thắng cho biết thì mảnh đất này cách đây 1 tháng chỉ có giá từ 90-100 triệu đồng. Nhưng đến nay thì cái giá đó đã quá xa vời. Khi được hỏi, tại sao đất ở đây lại tăng kinh khủng như vậy, chính cò Thắng cũng không hiểu tại sao: “Chúng tôi chỉ thấy dân Hà Nội về đây mua đất rầm rập, mảnh đất tiền tỷ mà mua cứ như chúng tôi đi chợ mua gà. Hôm nay mùng 1 là còn ít, chứ ngày thường thì chỉ riêng đun nước tiếp khách đến giao dịch cũng đủ tối mặt”.
Thấy tôi từ chối mua vì tính pháp lý của mảnh đất không đảm bảo, cò Thắng tiếc nuối: “Tôi cam đoan việc mua bán sẽ có chính quyền địa phương đứng ra chứng nhận. Tôi là người ở đây, có “nhiều mối quan hệ” nên việc đó rất “đơn giản”. Chú thấy giá đất tăng chóng mặt như thế, không mua là lỡ cơ hội đấy”.
- 0
- By Admin
- 17/05/2010
- 17