• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Loạn gắn "mác" sinh thái cho các dự án BĐS

Hồ 13ha chỉ là quảng cáo?!

Có thể thấy, thời gian gần đây, bùng nổ hàng loạt các dự án được gắn liền với tên gọi “khu đô thị sinh thái”, “khu đô thị xanh”, thậm chí những dự án eo hẹp về diện tích đất cũng sẵn sàng gắn tên gọi với các “Garden”, “River”,…

Dự án Mandarin Garden (nằm ở khu đô thị Đông Nam, Đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội) do Công ty Cổ phần Golden Gain Việt Nam (thuộc Hòa Phát Group) làm chủ đầu tư, là một trong những dự án khiến nhiều người đặt câu hỏi về chất lượng của sản phẩm có đúng với mác “garden” được gắn hay không?

Cách đây không lâu, để quảng cáo cho dự án, một đoạn Clip quảng cáo kéo dài 30s, do diễn viên Phạm Bằng và Quang Thắng thể hiện với bối cảnh hết sức thơ mộng: có vườn thượng uyển, có công viên và có cả một cái hồ rộng 13 ha.

Loạn gắn "mác" sinh thái cho các dự án BĐS | ảnh 1
Phối cảnh dự án Mandarin Garden

Tuy nhiên, khi đến mục sở thị dự án, khách hàng mới ngã ngửa khi thấy vị trí "vườn thượng uyển hay hồ rộng 13 ha" như trong quảng cáo hoàn toàn chưa hiện hữu.

Mặt khác, nhìn tổng thể các khu đất xung quanh dự án Mandarin Garden, cũng không thấy khu đất trống hay diện tích nào (nếu đã được giải tỏa) để có thể đào được một cái hồ rộng 13 ha...

Theo quy hoạch sử dụng đất được duyệt của dự án thì diện tích hồ điều hòa là 80.000 m2, chứ không phải 13 ha như quảng cáo. Tuy nhiên, việc có hay không có khu hồ này, vẫn là dấu hỏi chấm lớn đối với người mua.

Tại Tp.HCM, xu hướng căn hộ xanh, biệt thự ven sông có lối kiến trúc mở, lộ thiên, tận dụng không gian tự nhiên cũng đang được các chủ đầu tư tận dụng triệt để.

Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư có vẻ lạm dụng mác sinh thái để chiêu dụ khách hàng mà trong thực tế nhiều tiêu chuẩn không thể đáp ứng. Trong đó, nổi bật là nhiều cao ốc dùng từ “river” để gắn vào tên dự án căn hộ của mình. Theo tiếng Anh, nghĩa của từ trên là dòng sông nhưng thực tế, nhiều dự án chỉ nhìn ra kênh, rạch mà bề rộng chưa đến 2 m – 3 m, thế nhưng vẫn quảng cáo chào bán là nhìn ra sông để tăng thêm giá trị.

Một nhà đầu tư bất động sản ở Hà Nội tiết lộ, khi gắn mác “sinh thái” cho dự án, giá của mỗi căn hộ có thể tăng thêm từ vài triệu đến chục triệu đồng/m2. Như vậy, với một căn hộ diện tích khoảng 100m2, khách hàng có thể chịu thiệt vài trăm triệu đồng từ mác “sinh thái” này.

Mác “sinh thái” đang bị lạm dụng

Đánh giá về việc nhiều doanh nghiệp hiện nay lạm dụng “cụm từ” sinh thái để gắn mác vào các công trình, dự án, ông Đào Ngọc Thanh, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) cho rằng, do nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, hiện nay, có khá nhiều dự án được gắn mác “sinh thái”, nhưng trên thực tế không hề có gì cả.
Loạn gắn "mác" sinh thái cho các dự án BĐS | ảnh 2
Ông Đào Ngọc Thanh, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng. Ảnh: N.Y

Trong khi thị trường bất động sản sinh thái ở châu Âu đã phát triển khá lâu, và ở đó, người ta đã đưa hệ thống đánh giá chuẩn mực cho các tiêu chí sinh thái, còn ở Việt Nam, khái niệm sinh thái là “gần gũi với thiên nhiên”. Hiện vẫn chưa có chuẩn mực cụ thể cho khái niệm này để khách hàng kiểm định được dòng tiền mình đang đầu tư đúng nghĩa cho bất động sản sinh thái, chứ không đơn thuần là bất động sản có yếu tố thiên nhiên.

Như vậy có thể nói cụm từ sinh thái theo quan niệm thông thường gồm cây xanh, hoa cỏ, mặt nước thì đấy mới chỉ là một khía cạnh gắn cho các công trình, dẫn đến là ai cũng có thể làm được khu đô thị sinh thái.

“Cần phải suy nghĩ một cách đúng đắn về khu đô thị sinh thái. Khu đô thị sinh thái cần phải có một số điều kiện như diện tích, chức năng, kinh phí… đủ lớn để xây dựng. Nhưng khó hơn là phải duy trì, bảo vệ và phát triển bền vững nó. Nếu không hiểu một cách đầy đủ thì các nhà đầu tư sẽ chỉ lạm dụng cụm từ “sinh thái” để tăng giá bán cho sản phẩm, khi đó, khách hàng sẽ là người chịu thiệt thòi”, ông Thanh nhấn mạnh.

Còn theo ông Tạ Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Bất động sản Green Oasis, các chủ đầu tư hiện nay nắm bắt rất đúng nhu cầu của khách hàng khi hướng đến môi trường sống sinh thái, bởi vậy việc gắn cụm từ “sinh thái” vào các dự án đã bị lạm dụng. Do vậy, khách hàng cần xem xét nghiêm túc yếu tố sinh thái tại dự án đó.

TS. Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cũng thừa nhận, hiện nay, nhiều chủ đầu tư đánh vào tâm lý ưa thích môi trường sống chất lượng cao, xanh, sạch và yên tĩnh của người thành thị muốn hoà mình với thiên nhiên nên hầu hết các dự án bất động sản đang có xu thế cộp “mác" đô thị xanh, sinh thái... để tăng sức hút cho mình. Đây là một xu hướng tốt nếu các dự án đều thực hiện đúng như thiết kế cam kết đã công bố.  

“Hiện nay, chưa có định nghĩa nào về “sinh thái” hay “xanh”, vì vậy, cũng không thể bảo các nhà đầu tư phải bỏ mác “sinh thái”, “xanh” hay “Garden”, “River”,… đi được. Điều quan trọng theo tôi là khách hàng nên lựa chọn và cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định mua sản phẩm”, ông Hải cho hay.

Tiêu chuẩn nào là “sinh thái”

Theo Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Lê Huy Bá, chuyên gia về quy hoạch kiến trúc, có 4 nguyên tắc chính để tạo dựng một thành phố sinh thái. Đó là sự xâm phạm môi trường tự nhiên ở mức tối thiểu; đa dạng hóa việc sử dụng đất, chức năng đô thị và các hoạt động khác của con người; giữ cho hệ thống đô thị được khép kín và tự cân bằng; cân bằng sự phát triển dân số đô thị và tiềm năng của môi trường.

Ngoài ra, theo ông Bá, một dự án được xem là sinh thái còn phải đáp ứng nhiều tiêu chí. Chẳng hạn, phải có diện tích cây xanh trên đầu người 12-15 m2. Đảm bảo nguồn cung cấp nước 150-200 lít/ngày/người, không khai thác nước ngầm quá mức, xử lý triệt để nước thải. Hệ thống giao thông và phương tiện giao thông đảm bảo tiêu chuẩn đường và mật độ đường trên số dân, dành khoảng 30% diện tích cho lưu thông, không gian thoáng. Năng lượng tái tạo được đưa vào sử dụng.

(Theo VTCnews)

  • 0
  • By Admin
  • 13/12/2011
  • 17