• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Lo ngại tình trạng mua bán tùm lum chỗ để ô tô trong chung cư

Cấp sổ đỏ chỗ đỗ xe oto trong chung cư
Việc cấp sổ đỏ chỗ để ô tô đang khiến người dân băn khoăn. Ảnh: PV

 

Chỗ để xe chung cư nào được cấp sổ đỏ?

Vài năm trước đây, Hà Nội rộ lên chuyện mua bán chỗ để xe tầng hầm tại các chung cư như: Hei Tower (Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân), Golden Westlake (Thụy Khuê, Tây Hồ), Thăng Long Number 1 (Đại Lộ Thăng Long, Nam Từ Liêm)...
 
Hầu hết khu chung cư bán chỗ để xe trong tầng hầm thuộc phân khúc chung cư cao cấp có giá vài tỷ đồng/căn hộ. Tuy chưa được phép nhưng việc mua bán này vẫn diễn ra do chính nhu cầu của người dân trong tòa nhà. Do đó, nhiều khách hàng mua chỗ để xe tầng hầm giá trị bằng cả căn hộ chung cư, tuy nhiên quyền sở hữu chỉ được xác định bằng hợp đồng giữa chủ đầu tư và khách hàng.
 
Trước tình trạng đó, Bộ Xây dựng đã “hợp thức hóa” việc mua bán này bằng Thông tư 02 về Quy chế quản lý sử dụng chung cư. Theo quy định tại thông tư, người mua hoặc thuê mua căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư được quyết định mua hoặc thuê chỗ để ô tô. Nếu nhà chung cư có đủ chỗ để ô tô dành cho mỗi căn hộ và người mua căn hộ có nhu cầu mua hoặc thuê thì chủ đầu tư phải bán hoặc cho thuê, song phải đảm bảo nguyên tắc mỗi chủ sở hữu căn hộ không được mua hoặc thuê vượt quá số lượng chỗ để xe được thiết kế.
 
Một lãnh đạo Bộ Xây dựng cho hay, lâu nay, hoạt động mua bán chỗ để ô tô tầng hầm diễn ra “chui” nên quyền lợi của người dân không được đảm bảo. Vì vậy, thông tư mới ra đời vừa bảo vệ lợi ích cho cư dân, lại vừa giải quyết bài toán tranh chấp phí gửi ô tô diễn ra tại nhiều toà nhà.
 
Trao đổi với PV, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, đến thời điểm hiện tại, việc cấp sổ đỏ cho chỗ để ô tô chưa có hướng dẫn cụ thể, song căn cứ vào dự án được phê duyệt thì chủ đầu tư được bán chỗ để xe và chủ đầu tư không được tính giá tầng hầm vào giá bán căn hộ sẽ được cấp sổ đỏ.
 
Theo ông Nghĩa, thủ tục cấp giấy giống như cấp giấy cho căn hộ chung cư. Phần chỗ để ô tô có thể được ghi riêng ở một giấy đỏ hoặc có thể được ghi trong cùng một giấy đỏ với căn hộ. Thời hạn sở hữu chỗ đậu xe trong chung cư được ghi trong giấy đỏ theo giấy chứng nhận đầu tư dự án, thông thường là 50 năm. Khi hết thời hạn trên, chủ đầu tư có thể được gia hạn sở hữu tiếp đối với chỗ để xe này. Theo đó, người dân mua chỗ đậu xe chỉ được sử dụng trong thời hạn sở hữu của chủ đầu tư như trên.

Lo ngại biến tướng và khó quản lý

Phó Giám đốc Cty Đất Lành Nguyễn Văn Đực cho rằng, cần phải phân định 2 trường hợp chứ không nên mặc định hễ chung cư có chỗ để ô tô là chủ đầu tư được bán. Giả sử chung cư A phải có 3.000 m2 chỗ để xe cho cư dân. Trong trường hợp chủ đầu tư xây nhiều hơn yêu cầu này thì mới được bán phần dư ra. Còn phần 3.000 m2 này phải thuộc sở hữu chung và bàn giao ban quản lý chung cư để điều hành, thu phí phục vụ cho hoạt động của chung cư.
 
Ông Đực cho biết, nếu không giữ phần này là sở hữu chung thì chỉ có lợi cho chủ đầu tư bởi chủ đầu tư sẽ bán chỗ để xe lấy tiền bỏ túi nhưng điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nhà chung cư vì không đủ kinh phí vận hành, hoạt động...

cấp sổ đỏ chỗ để ô tô
Từ 2/4/2016, việc mua bán chỗ để xe ô tô sẽ được cấp sổ đỏ. Ảnh: Hồng Vĩnh

Một lãnh đạo công ty địa ốc ở Hà Nội khác thì thẳng thắn nêu quan điểm, nhiều chủ đầu tư chỉ muốn bán đứt chỗ để ô tô. Nhưng trong hợp đồng mua bán, chính phần sở hữu chung và riêng không rõ ràng nên khó làm sổ đỏ chỗ để xe cho cư dân. Suốt nhiều năm qua, các chủ đầu tư vẫn cố tình lờ đi và lảng tránh trách nhiệm của mình.

Còn với chính những cư dân đã bỏ ra tiền tỷ mua chỗ để ô tô, họ có suy nghĩ ra sao? Chị Bích Hương, cư dân chung cư Golden Westlake- Hoàng Hoa Thám cho rằng, khi việc mua bán chỗ đỗ xe đã được nhà nước công nhận và cấp sổ đỏ càng khiến người dân tin tưởng để mua. Nhưng nếu chủ đầu tư không quản lý sẽ dẫn tới việc cư dân chung cư này mua chỗ đỗ xe chung cư khác.
 
Chị Hương lo lắng, khi có sổ đỏ thì mức giá chỗ để xe có thể bị đẩy giá như một loại hình của thị trường BĐS, gây rối loạn và ảnh hưởng đến sinh hoạt của cư dân trong tòa nhà.
 
Còn anh Anh Vũ, cư dân tòa nhà Hồ Gươm Plaza quan ngại, cùng một tầng hầm nhưng cư dân khó phân biệt chỗ nào dành để xe cho khu văn phòng, chỗ nào cho khu trung tâm thương mại và chỗ nào bán cho dân. Khi đã bán đứt thì người mua sở hữu như căn hộ riêng, song nếu khu vực để xe đã bán cho cư dân gặp sự cố thì chủ đầu tư có trách nhiệm giải quyết như thế nào? Nếu chủ đầu tư bị phá sản thì phần diện tích chỗ để xe được giải quyết ra sao?

Quản lý như thế nào?

Theo Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm, nếu đã thừa nhận chỗ để ô tô thuộc sở hữu của chủ đầu tư, thì Nhà nước nên đưa ra một giá trần, chủ đầu tư sẽ không có đòi hỏi giá quá cao. Tốt nhất nên chuyển giao hầm để xe lại cho ban quản trị tòa nhà. Mỗi tháng hay mỗi năm, ban quản trị nộp cho chủ đầu tư, còn bao nhiêu xe đỗ và thu bao nhiêu tiền là quyền của ban quản trị của các chủ căn hộ, bởi đây liên quan đến lợi ích công cộng, chứ không phải chỉ là một việc kinh doanh đơn thuần.

  • 0
  • By Admin
  • 10/03/2016
  • 17