• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Lo ngại tâm lý “ngóng” quy hoạch

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Quận, huyện “ngóng” quy hoạch

Vừa qua, trước thông tin TP. Hà Nội đang chuẩn bị ban hành quy chế phân cấp trong lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch cho quận, huyện…, không ít dự án lại đứng ngồi không yên vì nhiều khả năng sẽ lại phải điều chỉnh mọi hoạt động do không phù hợp với quy hoạch mới.

Tin từ Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho biết, quy định về phân cấp trong lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch cho quận huyện đang được hoàn thiện và sẽ trình thành phố phê duyệt ngay trong tháng 7/2014.

Thông tin trên đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các chủ đầu tư có dự án tại các huyện Mê Linh, Hoài Đức, vốn là nơi đang có nhiều dự án đô thị đăng ký đầu tư.

Chỉ tính riêng ở huyện Mê Linh có khoảng 30 dự án đô thị, bất động sản cũng bị chậm tiến độ kéo dài vì phải chờ quy hoạch.

Theo nhìn nhận của đại diện huyện Mê Linh, quy hoạch phân khu mới sẽ khiến quy hoạch nông thôn mới đã được phê duyệt trước đây lại phải điều chỉnh, sẽ tiêu tốn không ít ngân sách.

Sắp hoàn thiện Quy hoạch đô thị hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài

UBND TP Hà Nội vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, tỷ lệ 1/500 nghiên cứu trải dài trên nhiều khu vực chức năng đô thị khác nhau (quy mô 2.080ha, dài trên 11,7km).

Theo đó, TP.Hà Nội đã phân đoạn thành 4 đoạn tuyến để thuận lợi cho công tác lập, thẩm định, phê duyệt và phù hợp với tiến độ triển khai các quy hoạch phân khu đô thị.

Hiện quy hoạch chi tiết của 3 đoạn 1, 2, 3 đang trong quá trình hoàn thiện, thẩm định và dự kiến trình phê duyệt trong quý II/2014.

Riêng đoạn 4 là khu vực nằm ngoài đê sông Hồng (ngoài chỉ giới thoát lũ), thuộc quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (phải tuân thủ các quy định của Luật Đê điều) đang được tổ chức lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành liên quan.

Sau khi có ý kiến thống nhất, UBND TP sẽ phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và quy hoạch chi tiết đoạn 4 theo quy định.

Dự thảo cơ chế, chính sách đặt thù và quản lý đầu tư dự án phát triển đô thị hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài đang hoàn thiện để lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.

Dự kiến sau khi có ý kiến thống nhất của các bộ, ngành, UBND thành phố sẽ phê duyệt hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định trong quý III/2014.

“Nóng” câu chuyện “chuyển nhà” của các Bộ, ngành

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, ngành thuộc Chính phủ và cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030.

Theo đó, khu trụ sở tập trung sẽ được lập quy hoạch và xây dựng tại khu vực Tây Hồ Tây và khu Mễ Trì.

Cụ thể, khu trụ sở tập trung sẽ được lập quy hoạch và xây dựng tại khu vực Tây hồ Tây, quy mô khoảng 35ha và khu Mễ Trì khoảng 30ha.

Dự kiến sẽ có 6 cơ quan phải chuyển về khu vực Tây hồ Tây: Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế.

Đồng thời, 5 cơ quan dự kiến sẽ chuyển về khu vực trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia: Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Tổng cục Thống kê.

Quy hoạch khu trung tâm chính trị Ba Đình

Bộ Xây dựng vừa công bố và điều chỉnh quy hoạch xây dựng trung tâm chính trị Ba Đình với quy mô sau khi mở rộng lên tới 134,5 ha, trong đó một số bộ, ngành và nhiều hộ dân phải di dời đến nơi khác để xây khu trung tâm chính trị mới của Đảng và Nhà nước.

Theo điều chỉnh, tổng diện tích đất trong ranh giới điều chỉnh quy hoạch là 134,5ha, trong đó đất di tích lịch sử đặc biệt 38,77ha, chiếm 28,8%; đất trụ sở cơ quan, đại sứ quán, công trình công cộng, biệt thự công vụ 42,01ha; cây xanh mặt nước, thảm cỏ quảng trường, công viên văn hoá lịch sử 18.53ha, chiếm 13,8%; đất đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật chung 35,19ha, chiếm 26,2%.

Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm quản lý toàn diện các hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý phát triển cải tạo và quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan theo đúng quy hoạch đồng thời tổ chức triển khai các quy hoạch chi tiết 1/500.

Các khu vực được Thủ tướng cho phép lập quy hoạch chi tiết 1/500 bao gồm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu vực cơ quan làm việc của Chính phủ, Khu các cơ quan Trung ương Đảng, Khu phục vụ các hoạt động của Trung tâm Chính trị Ba Đình, các khu cơ quan ngoại giao, các khu tái định cư, nhanh chóng triển khai quy hoạch bảo tồn di tích khu vực Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long;

Quy hoạch bảo tồn các công trình kiến trúc Pháp có giá trị trong khu vực, quy hoạch chi tiết hệ thống cây xanh; ngoài ra, cần thiết nghiên cứu quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật hệ thống giao thông ngầm, đánh giá tác động môi trường, cấp điện chiếu sáng...

Quy hoạch đô thị đảo Phú Quốc

Phân khu đô thị Dương Đông rộng 2.518,9ha được xác định là đô thị trung tâm của đảo Phú Quốc. Dự kiến, đến năm 2030 đô thị Dương Đông sẽ có dân số 240 nghìn người, trong đó dân di cư từ đất liền ra khoảng 183 nghìn người, khách du lịch lưu trú khoảng 12 nghìn người. Đô thị Dương Đông được quy hoạch phát triển với ý tưởng là đô thị năng động và ấn tượng. Nơi đây sẽ tạo ra cửa ngõ giao lưu quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của toàn đảo.

Toàn bộ đô thị Dương Đông sẽ được chia thành 6 phân khu đặc trưng là: Khu vực trung tâm đô thị rộng 467,4ha, khu vực cửa ngõ ven hồ Dương Đông rộng 387ha, khu vực ven biển Tây Bắc rộng 522,2 ha, khu vực ven biển Tây Nam rộng 400,1ha, khu vực ven biển Đông Bắc rộng 513,4ha và khu vực ven biển Đông Nam rộng 228,8 ha.

Phân khu đô thị An Thới rộng 1.022ha được định hướng trở thành đô thị cảng quốc tế, đầu mối kỹ thuật và trung tâm tiếp vận phi thuế quan, trung tâm thương mại và du lịch.

Ngoài ra còn có các khu công nghiệp nhẹ, trung tâm văn hoá, di tích lịch sử gắn với truyền thống lâu đời của người dân địa phương. Dự báo đến năm 2030, đô thị An Thới sẽ có trên 70.000 dân.

  • 0
  • By Admin
  • 30/06/2014
  • 17