Lỗ hổng của luật
Theo quy định của nghị quyết thì những công trình, dự án đầu tư trong nước có quy mô vốn từ 35.000 tỉ đồng trở lên, trong đó vốn nhà nước từ 11.000 tỉ đồng trở lên hoặc những công trình, dự án đầu tư ra nước ngoài có tổng vốn từ 20.000 tỉ đồng trở lên, trong đó vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài từ 7.000 tỉ đồng trở lên phải trình Quốc hội xem xét quyết định. Quy phạm pháp luật này được Quốc hội đặt ra là nhằm kiểm soát đối với những dự án, công trình mà Nhà nước phải bỏ ra một nguồn ngân sách rất lớn (trên 11.000 tỉ đối với dự án, công trình trong nước và trên 7.000 tỉ với dự án, công trình đầu tư ra nước ngoài).
Nhưng với câu chữ được ghi trong Nghị quyết thì có thể hiểu rằng Quốc hội chỉ xem xét, quyết định với những công trình đáp ứng được đầy đủ cả 2 tiêu chí: Một là tổng vốn đầu tư của cả công trình là từ 35.000 tỉ đồng trở lên với công trình đầu tư trong nước hoặc từ 20.000 tỉ đồng trở lên với công trình đầu tư ra nước ngoài.
Hai là có quy mô vốn nhà nước từ 11.000 tỉ đồng trở lên với công trình trong nước hoặc từ 7.000 tỉ đồng trở lên với công trình đầu tư ra nước ngoài. Điều đó có nghĩa những công trình không hội đủ cả hai tiêu chí như trên sẽ không thuộc quyền kiểm soát của Quốc hội.
Thực tế sẽ nảy sinh vấn đề: Những công trình đầu tư trong nước mà tổng vốn đầu tư chưa đến 35.000 tỉ đồng, nhưng tỉ trọng vốn nhà nước có thể lên tới 30.000 tỉ đồng thì có thể được coi là công trình trọng điểm quốc gia hay không và Quốc hội có quyết định hay không? Đây là vấn đề mà qua theo dõi các phiên thảo luận của Quốc hội chưa được đề cập tới.
Theo nhiều chuyên gia thì đây cũng là một lỗ hổng lớn của luật, bởi nếu thực hiện đúng từng câu, chữ trong luật thì Quốc hội không có quyền kiểm soát đối với những dự án, công trình có vốn tổng số vốn chưa tới 35.000 tỉ đồng, nhưng vốn nhà nước có thể vượt 11.000 tỉ đồng. Lỗ hổng này đã làm thay đổi hoàn toàn nội hàm mà điều luật hướng tới và nó có thể phát sinh từ sơ suất trong kỹ thuật soạn thảo văn bản, nằm ngoài ý muốn của Quốc hội.
Tuy nhiên, luật đã có hiệu lực thì phải thi hành và nếu lỗ hổng này không được nhanh chóng “lấp” lại bằng một văn bản, quy phạm pháp luật khác, ắt hẳn mục đích đặt ra của nghị quyết sẽ không đạt được và Quốc hội sẽ khó khăn, lúng túng trong việc kiểm soát nguồn vốn rất lớn của Nhà nước trong một công trình quy mô gần lớn.
(Theo NLĐ)
- 152
- By Admin
- 03/08/2010
- 17