• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Lo cho công viên Hà Nội

Lo cho công viên Hà Nội
Diện tích nhiều công viên ở Hà Nội đang bị "xà xẻo" để xây dựng nhà hàng, khách sạn - Ảnh: TP
 
Trong thời gian qua, những thông tin về việc các công viên ở Hà Nội  bị “xà xẻo”, sử dụng sai mục đích được báo chí và dư luận hết sức quan tâm. Âu cũng phải thôi, bởi công viên chính là “lá phổi”, là nơi sản xuất oxy duy nhất của một thành phố vốn đã ngày càng ngột ngạt.

Thế nhưng, những con số thống kê cho thấy, hiện thực ở các công viên của Hà Nội không những không được cải thiện mà lại đang có chiều hướng thụt lùi một cách báo động.

Lâu nay nhiều người vẫn xem Hà Nội là “thành phố xanh”. Song, theo thống kê của Tổ chức JICA (Nhật Bản), diện tích cây xanh tại 9 quận nội thành (trước khi Hà Nội mở rộng) chỉ đạt bình quân 0,9 m2/đầu người, trong khi những thành phố khác như: London (26,9m2/người), New York (29,3m2/người), Moskva (24m2/người)...

Không chỉ thế, trong 10 năm qua, diện tích cây xanh ở Hà Nội không những không tăng lên mà lại ngày càng giảm đi. Năm 1998, diện tích này còn đạt 1,95m2/người, nhưng đến 2008 chỉ còn 0,9m2/người, riêng quận Đống Đa và huyện Gia Lâm, chỉ có... 0,05 m2/đầu người, trong khi chỉ tiêu quy hoạch từ năm 1998 đã là 7m2/người.

Đáng buồn hơn, công tác quản lý những diện tích ít ỏi đó cũng "có vấn đề" khi để xảy ra nhiều vụ xâm lấn đất công viên, sử dụng sai mục đích gây bức xúc dư luận thời gian qua như ở Công viên Thống Nhất, Tuổi trẻ Thủ đô, Thủ Lệ...

Theo PGS.TS Huỳnh Đăng Hy, Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, công viên là công trình công cộng, phục vụ cho việc vui chơi, nghỉ ngơi và giải trí của nhân dân… thế nhưng không hiểu vì lý do gì  mà hầu hết các công viên trong thành phố bị làm méo mó mục đích sử dụng, trong đó nổi lên là việc “cắt xén” đất công viên để xây khách sạn.

Lật giở chính sách,  GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo Nghị định 181 (hướng dẫn thi hành Luật đất đai 2003) không có từ nào dành cho... khách sạn. Đất xây khách sạn là đất sản xuất kinh doanh, có lợi nhuận, khác hẳn với đất công cộng như đường giao thông, bệnh viện, công viên, trường học chỉ thu phí.

Cũng chính vì thế mà tính đến thời điểm này, có ít nhất 4 công trình có “dính” đến công viên, công trình công cộng của thành phố bị ‘tuýt còi” dừng lại vì gặp phải phản đối của người dân.

Ý nghĩa và giá trị của các công viên thì có lẽ ai cũng biết rõ. Do đó, đầu tư xây dựng và phát triển công viên là việc cần phải làm của cơ quan quản lý, của chính quyền sở tại.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Huỳnh Đăng Hy, nếu chỉ vì quá thiếu diện tích công viên hay thiếu vốn đầu tư mà buộc phải kêu gọi doanh nghiệp cùng làm là một điều… ảo tưởng.

Theo ông, công viên không phải là công trình kinh doanh mà chủ yếu chỉ để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, sinh hoạt của người dân nên thành phố không thể chờ các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến để hợp tác cùng xây dựng, bởi ai cũng biết mục tiêu của doanh nghiệp trước hết phải là lợi nhuận.

Ông nói, những vụ việc tiêu cực tại Công viên Nam Thành Công, Công viên Bách thảo, Công viên Tuổi trẻ... chính là những bài học đắt giá cho xu hướng “liên doanh” đầu tư xây dựng công viên.

Ông Hy cho biết, hiện nay có nhiều ý kiến của các cơ quan quản lý cho rằng, khách sạn cũng là công trình công cộng nên xây khách sạn trong công viên cũng không có gì là sai trái. Ông cho rằng, đây là một quan niệm nhằm bóp méo mục đích của công viên, biến công viên thành... vườn cạnh công trình kinh doanh.

“Chúng ta không thể coi khách sạn là công trình công cộng và công viên là vườn sau của những khách sạn đó. Nếu quan niệm như vậy, các công viên sẽ tiếp tục bị xà xẻo…”, ông Hy nhấn mạnh.

Theo VnEconomy
 
  • 0
  • By Admin
  • 21/03/2009
  • 17