Linh hoạt trong quản lý công trình kiến trúc hai bên đường
Khó xác định chức năng sử dụng đất
"Điểm xuyết" cho những con đường rộng rãi đã được đầu tư thuộc Vành đai 1, Vành đai 3 là rất nhiều công trình xấu xí, dị dạng. Không phải bây giờ việc quản lý kiến trúc hai bên tuyến phố mới được đặt ra, câu chuyện này đã được đề cập từ cả chục năm về trước khi triển khai tuyến Kim Mã, Kim Liên - Ô Chợ Dừa. Tuy nhiên, để thực hiện đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, quyết tâm với những điều kiện cần - đủ.Một điều không thể phủ nhận là muốn có diện mạo đô thị khang trang, hiện đại phải tiến hành đồng thời mở đường và chỉnh trang tuyến phố. Năm 1997 - 1998, Hà Nội đã đặt ra vấn đề xây dựng cả đường và phố nhưng chưa làm được.
Tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa thuộc Vành đai 1 là một ví dụ điển hình. Ngay từ đầu đã quy hoạch mỗi bên tuyến đường 200m để tạo lập tuyến phố với sự đồng thuận của các cấp chính quyền và cả người dân. Nhưng khi vào cuộc thì "vấp" giải phóng mặt bằng, đặc biệt là vấn đề xác định chức năng sử dụng đất sau khi mở đường.
Từ kinh nghiệm thực tế, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, để thực hiện được các dự án quy hoạch hai bên tuyến phố cần có cơ sở pháp lý đồng bộ với thể chế cao nhất là luật.
Hiện nay vấn đề chức năng sử dụng đất giữa Luật Đất đai và Luật Quy hoạch Đô thị còn có nhiều điểm khác biệt dẫn đến khó khăn khi áp dụng. Luật Đất đai chia ra 4 nhóm đất trong khi Luật Quy hoạch đô thị lại chia ra 28 loại đất. Mỗi loại đất khác nhau đòi hỏi cách ứng xử khác nhau. Khi giải phóng mặt bằng phải căn cứ vào chức năng sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai hay căn cứ vào Luật Quy hoạch đô thị?
Một điểm cần lưu ý là từ trước đến nay việc thiết kế các tuyến đường khi giao dự án và tổ chức thực hiện mới chỉ đề cập đến thiết kế mặt hai tuyến phố. Để làm được một cách có hiệu quả khi thiết kế đô thị cho các tuyến phố phải có quy định riêng biệt và thiết kế phải được duyệt rất kỹ. Khi lập dự án phải tính đến toàn bộ khu vực, tránh bị trùng lặp khi triển khai. Việc làm đường và quản lý hai bên tuyến phố phải được xem là một dự án đồng bộ, không thể tách rời.
Không thể đánh đồng
Theo ý kiến của một số kiến trúc sư, để tạo hành lang pháp lý phù hợp với điều kiện thực tế, ngoài các tiêu chuẩn lớn mang tính quốc gia, các đô thị lớn như Hà Nội có thể ban hành quy chế quản lý kiến trúc đô thị sau khi thỏa thuận với Bộ Xây dựng.Về nhịp điệu kiến trúc, phải đảm bảo các yêu cầu quy chuẩn, tổ chức không gian và mặt cắt tuyến đường với nguyên lý là không tạo ra sự đột biến mà cần có sự mềm mại trong không gian. Sẽ có một khoảng linh hoạt cho từng loại đường.
TS Nghiêm cho biết, khi nghiên cứu điều lệquản lý đối với khu vực phố cổ (ban hành năm 1999 và đến thời điểm này vẫn chưa có quy định thay thế - PV), cho dù chỉ là điều lệ quản lý tạm thời, nhưng đã có những nghiên cứu rất kỹ lưỡng đối với các tuyến phố, các dạng, các loại chiều rộng của lô đất trong phố cổ. Từ đó mới xác định được các tiêu chí như mặt ngoài của công trình không quá 12m của chiều cao đến đỉnh mái dốc, lớp trong không quá 16m.
Cũng liên quan đến chiều cao công trình hai bên tuyến phố, Dự thảo Quy định quản lý quy hoạch kiến trúc đối với các công trình xây dựng hai bên tuyến đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội đề xuất: Đối với trường hợp lô đất năm trên tuyến đường đã xây dựng ổn định thì công trình xây dựng mới không được cao quá 7,2m (tương đương 2 tầng) so với công trình liền kề đã ổn định.
Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, việc đưa ra một con số cụ thể như vậy cũng không thể đảm bảo hiệu quả cho công tác quản lý bởi người dân sẽ có nhiều cách "lách" nhằm đẩy chiều cao công trình theo ý muốn.
"Nếu quản lý quy hoạch kiến trúc đối với các công trình xây dựng hai bên tuyến đường đô thị mà đưa ra các quy định "cứng" thì sẽ rất khó thực hiện. Bởi phải phụ thuộc vào mặt cắt ngang của từng tuyến đường cụ thể chứ không thể xác định cùng một tiêu chí cho mọi tuyến đường". TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm |
(Theo KTĐT)
- 124
- By Admin
- 10/06/2011
- 17