“Liều thuốc” hạ nhiệt giá bất động sản Hà Nội
Giá vẫn cao ngất ngưởngThị trường BĐS Hà Nội 6 tháng đầu năm nay đã trải qua những diễn biến sôi động mà đỉnh cao là cơn sốt tăng giá trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng giá BĐS tăng mạnh nhưng không đồng đều tại các khu vực.
Khu vực phía Tây và Tây Nam thành phố là nơi tăng nóng nhất, giá đất và chung cư tại đây tăng 40% đối với các khu vực dự án và từ 200-300% đối với các khu vực đất thổ cư so với cuối năm 2009. Các khu vực phía Đông và Bắc sông Hồng như Gia Lâm, Long Biên, Mê Linh tăng nhẹ.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, giá nhà đất hầu khắp các nước đều cao khi mà nhu cầu nhà ở ngày càng lớn, nhưng ở VN, BĐS nói chung và nhà ở nói riêng lại quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân, mức độ phát triển của nền kinh tế và vượt quá xa so với giá trị thực của BĐS.
Minh chứng cho điều này, Thứ trưởng nêu ra mức chi phí đầu tư xây dựng nhà chung cư cao tầng. Với loại chung cư cao 20-25 tầng được xây dựng tại Hà Nội tính theo mặt bằng giá cuối năm 2009, gồm chi phí xây dựng, chi phí vốn… thì giá thành vào khoảng 16,7 – 17,5 triệu đồng/m2. Nhưng thực tế giá giao dịch của loại chung cư này trên thị trường dao động từ 28-32 triệu đồng/m2.
Có nhiều nguyên nhân khiến giá BĐS cao ngất ngưởng, mà nguyên nhân chính là do giá đầu vào tăng và sự khan hiếm BĐS. Đồng thời, do giá BĐS bị thả nổi và hiện tượng đầu tư theo phong trào cũng là nguyên nhân đẩy giá BĐS lên cao. Đặc biệt, thiếu thông tin để tiếp cận với BĐS, tâm lý không thích lên sàn giao dịch của đa số người dân và chủ yếu qua “cò” đã khiến họ chấp nhận mua BĐS với mọi giá nên dễ dẫn đến rủi ro.
“Liều thuốc” giải bài toán giá BĐS
Để bình ổn thị trường BĐS, theo các chuyên gia cần sớm xây dựng cơ chế tài chính phát triển thị trường BĐS, đặc biệt là cơ chế tài chính phát triển nhà ở.
Bên cạnh đó, cần bổ sung sửa đổi một số cơ chế chính sách về xây dựng, về tài chính tiền tệ liên quan đến thị trường BĐS để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường phát triển như: quy định về huy động vốn trong quá trình triển khai dự án BĐS, quy định về việc cho vay kinh doanh BĐS dựa trên thế chấp, quy định về khuyến khích phát triển nhà ở cho thuê…
Theo ông Nam, cần nghiên cứu thí điểm thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà, nghiên cứu thí điểm thành lập mô hình Quỹ đầu tư tín thác BĐS, đây là hình thức đầu tư theo ủy quyền của các nhà đầu tư nhỏ, Quỹ này được phép đầu tư 100% vốn vào BĐS.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Sông Đà Thăng Long cho rằng: Việc siết chặt cho vay ở ngân hàng của Chính phủ chỉ là biện pháp bình ổn thị trường tức thời, còn bình ổn thị trường lâu dài phụ thuộc vào quan hệ cung cầu và sự phát triển của các đô thị vệ tinh.
Nếu như nguồn cung đủ lớn để làm giảm sức tăng của nhu cầu thì sẽ đỡ hơn rất nhiều. Người dân sẽ không di chuyển vào nội đô nếu các đô thị vệ tinh như ở Sóc Sơn và các vùng quanh Hà Nội phát triển nhanh, tốt và đủ điều kiện để người dân làm việc. Điều đó, lại phụ thuộc vào “đầu tư mồi” của Chính phủ, ví như định phát triển ở Sóc Sơn thì phải có các chính sách phát triển hạ tầng xã hội, công trình công cộng khu vực đó mới thu hút người dân ở lại, thay vì cấp dự án xây nhà không.
Nếu nhà nước không có tiền thì phải có chính sách để khuyến khích các nhà đầu tư vào các khu đó nhằm hút dân cư ở lại mới có thể bình ổn giá lâu dài.
TS. Nguyễn Văn Minh, Tổng Thư ký Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam dự báo: - Năm 2030, dân số toàn thành phố có khoảng 9,4 triệu người (thành thị khoảng 6,4 triệu người, nông thôn khoảng 3 triệu, tỷ lệ đô thị hóa 68,8%) - Tổng quỹ đất xây dựng cả thành thị và nông thôn khoảng 125.500ha, trong đó xây dựng thành thị khoảng 92.000ha. - Định hướng phát triển nhà ở đô thị giai đoạn đến năm 2030, phấn đấu tăng từ 7,5m2/người (năm 2007) lên 18m2/người |
(Theo Lao Động)
- 0
- By Admin
- 28/07/2010
- 17