• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Liệu có phá vỡ cảnh quan?

"Không phải cứ có cầu là có người đi"

Theo TS Trần Du Lịch, một chuyên gia kinh tế, đại biểu QH khoá XIII, ở thời điểm này mà bàn đến cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn "chẳng khác nào nhà nghèo còn một nhúm gạo chưa biết ngày mai nấu cơm hay nấu cháo mà lại cứ bàn làm món bít tết thế nào cho ngon".

Liệu có phá vỡ cảnh quan? | ảnh 1
Sông Sài Gòn

"Chúng ta không giống như các nước phương Tây. Vì họ xây cầu dành đi bộ khi  kinh tế của họ đã rất phát triển, cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện. Cũng giống như nhà có giàu, kinh tế có vững thì mới tính đến chuyện làm đẹp, di du lịch. Dự án này cũng có thể tính đến nhưng  phải là câu chuyện trong một tương lai xa. Còn nếu ở thời điểm hiện tại, phải bỏ cả trăm triệu USD chỉ xây cầu dành riêng cho người đi bộ thì thật quá lãng phí, trong khi thực tế giao thông TP Hồ Chí Minh còn quá nhiều chuyện để bàn", ông nói.

Ông cũng băn khoăn việc tại sao một dự án được thiết kế, mà không có khảo sát, điều tra xã hội học nào để biết liệu sẽ có bao nhiêu người có nhu cầu đi bộ qua lại giữa Q.1 và Q.2. Nếu tính toán được những con số đó thì mới biết việc xây dựng có mang lại hiệu quả hay không?

Còn ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho biết: Người dân của chúng ta, thói quen đi  xe đạp còn chẳng có nữa là đi bộ. Hàng trăm cầu đi bộ có vài ba mét được xây, tốn kém bao nhiều tiền của nhưng sau cũng bỏ không. Riêng TP.HCM hiện có khoảng 6 cầu vượt dành cho người đi bộ rải khắp các quận nội, ngoại thành nhưng hầu hết hiện nay đều để nhếch nhác, không người sử dụng.

Ông Liêm nói: "Như vậy, với cầu vượt bộ hành băng sông dự kiến tĩnh không đến 10m (bằng với độ cao cầu Thủ Thiêm), liệu có ai trèo lên đó để đi.  Nếu cứ tư duy theo kiểu có cầu sẽ có người đi, có chợ sẽ có người đến họp thì thật sai lầm. Nhiều chợ xây xong, người ta không  thèm vào họp, lại cứ họp ngoài đường".

"Liên quan đến chuyện xây dựng kết cấu hạ tầng, tôi mới nhớ đến một số nghiên cứu của quốc tế như Ngân hàng thế giới, thậm chí cả Đại học Havard về tình trạng đầu tư cho hạ tầng ở Việt Nam. Các nghiên cứu cho thấy, Việt Nam đầu tư cho hạ tầng như giao thông, điện không phải là nhỏ (chiếm 10% GDP) nhưng tại sao đường vẫn kém, giao thông vẫn tắc, điện vẫn bị cúp. Đó chính là câu chuyện về hiệu quả đầu tư.  Xây dựng hạ tầng phải xây đồng bộ, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư...và tính toán đến cả các yếu tố xã hội khác. Nếu chiếu theo các quy chuẩn đó thì  việc xây cầu đi bộ qua sông Sài Gòn đều không đạt và dĩ nhiên là tôi không đồng ý với phương án xây cầu", ông Liêm chia sẻ.

Ông Liêm cũng cho rằng, giả sử có nhà đầu tư tư nhân nào muốn bỏ tiền để xây dựng các công trình cầu, đường thì các cơ quan Nhà nước cũng nên có trách nhiệm hướng họ đầu tư vào các công việc khác cấp bách, có tính hiệu quả cao hơn. TP.HCM cũng đang còn bề bộn quá nhiều việc phải lo, như chuyện cầu Phú Mỹ xây xong, nhưng lại không thể vào nổi vì đường quá tồi, như nước sông Sài Gòn, Đồng Nai đang bị ô nhiễm nặng.

Có phá vỡ cảnh quan?

Ông Nguyễn Ngọc Song, nguyên Phó Tổng Giám đốc công trình giao thông 1 cho rằng nếu bỏ tiền nhiều tỷ đồng để xây dựng một cầu đi bộ vượt sông ở nước ta ở thời điểm hiện tại thì đúng là thừa tiền. Bao nhiêu chỗ trẻ con đi học còn không có cầu, đường sá ngập úng còn chưa giải quyết nổi. "Tôi biết người ta có đưa ra lý do là muốn tạo được điểm nhấn cho Thành phố, phục vụ cho nhu cầu đi chơi, thưởng ngoạn, lễ hội. Nhưng tôi tự đặt ra câu hỏi, về quy hoạch cụ thể, hai bên đầu cầu có điểm vui chơi gì quá đặc biệt, hoành tráng để người ta phải mất công đi bộ hàng trăm mét hay không", ông Song nói.

KTS Trần Đình Bá, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc xây cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn, con sông biểu tượng cho bộ mặt thành phố sẽ ảnh hưởng đến mỹ quan chung. Vị trí dự kiến đặt cầu phía bờ quận 1 nằm ngay trung tâm lịch sử của thành phố sẽ rất dễ phá vỡ cảnh quan. Cầu sẽ cắt ngang bờ sông Sài Gòn là mặt tiền của thành phố, cắm vào giữa mặt của thành phố, điều đó là không hợp lý, không phù hợp với cảnh quan của đô thị hiện đại. Vấn đề an toàn của người đi bộ cũng được KTS Bá đề cập đến.

"Cây cầu có độ dài rất lớn, người lưu thông khi đi đến giữa sông nếu chẳng may gặp sự cố, bị đau ốm hay có vấn đề về sức khỏe thì sẽ xử lý thế nào? Lúc đó không thể cho xe cấp cứu chạy lên trên cầu đi bộ", ông Bá phân tích. 

(Theo Nguoiduatin)

  • 0
  • By Admin
  • 22/07/2011
  • 17